Tại buổi thảo luận về nội dung thu phí đường cao tốc trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sáng 16 tháng 11 năm 2020, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu một thực tế rằng, nhiều địa phương đã kiến nghị điều chỉnh lại quy hoạch đường cao tốc, các tuyến kết nối trung tâm tỉnh, trung tâm vùng kinh tế lớn để đáp ứng yêu cầu vận tải nhanh, ngân sách nhà nước sẽ không đủ khả năng đáp ứng, việc huy động vốn xã hội gặp khó khăn. Do đó, Chính phủ chủ trương thu phí đường cao tốc do Nhà nước xây dựng để có nguồn tái đầu tư trong bối cảnh ngân sách rất khó khăn hiện nay.
Chủ trương thu phí như vậy được nói đến từ lâu và có những phản ứng trái chiều trong xã hội. Người dân cho rằng họ đang đóng thuế vào ngân sách Nhà nước nên không có lý do gì họ phải đóng tiền cho một công trình dùng ngân sách đó để đầu tư, như chia sẻ trước đây của tài xế tên Hùng ở Sài Gòn:
“Tiền nhà nước là tiền thuế của dân mà, sao lại thu phí nữa. Vốn xã hội đầu tư mới, phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế phát triển, thì thu phí tốt. Còn những đường nâng cấp mở rộng bằng tiền nhà nước, thì không thu được. Nhà nước đầu tư mà thu phí thì phí chồng phí.”
Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả cũng đồng quan điểm khi cho rằng việc thu phí là vô lý. Ông từng nói với RFA:
“Theo quan điểm cá nhân của tôi, chỉ có kiểu tư nhân đầu tư bỏ tiền ra, thì có quyền thu phí. Vì bản thân tiền ngân sách đưa ra đã là từ thuế và phí người dân đóng rồi. Nếu lấy lý do thiếu nguồn để bảo trì đường bộ và đầu tư cao tốc mới thì Bộ Tài chính cần xem lại việc sử dụng ngân sách đã hiệu quả hay chưa?”
Theo quan điểm cá nhân của tôi, chỉ có kiểu tư nhân đầu tư bỏ tiền ra, thì có quyền thu phí. Vì bản thân tiền ngân sách đưa ra đã là từ thuế và phí người dân đóng rồi – Tiến sĩ Ngô Trí Long
Trong khi đó, phía Bộ Giao thông Vận Tải lại cho rằng, việc đầu tư đường cao tốc cần kinh phí rất lớn. Để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông và có tiền bảo trì đường cũng có thể thu phí đường cao tốc được đầu tư bằng vốn nhà nước.
Chuyên gia kinh tế, tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc thu phí có mặt hợp lý, có mặt không mà ông gọi là điểm cộng và điểm trừ. Điểm cộng là hiện nay ngân sách đang rất khó khăn, việc đóng tiền để được sử dụng dịch vụ tốt hơn là điều cần thiết. Điểm trừ là hiện nay người dân đang đóng thuế vào ngân sách Nhà nước. Tiền ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có đường cao tốc thì không có lý do gì người dân không được sử dụng. Ông phân tích:
“Nó cũng như những nhà thầu khác thôi. Khi mà Nhà nước vận hành một dự án nào đó thì phải có chi phí vận hành, chi phí tu sửa, bồi đắp thêm cho dự án. Rồi vấn đề nhân công, vấn đề lao động…Đặc biệt với tình hình kinh tế suy giảm do đại dịch thì chính phủ buộc lòng phải thu phí dịch vị để bù đắp cho những thiếu hụt.
Về mặt không hợp lý thì dĩ nhiên trong trường hợp này là phí chồng phí. Người dân kêu ca là đóng thuế hai, ba lần. Nhưng cũng phải hiểu là ngân sách của Chính phủ eo hẹp, bội chi ngân sách tăng mạnh. Nguồn thu thì giảm mà chi phí về xã hội, về y tế và những chi phí trong chính phủ ngày càng lớn. Trong tình trạng như thế thì chính phủ phải tìm cách bù lỗ. Một phần là do vấn đề quản lý tài chính không ổn đưa đến vấn đề phải thu phí.”
Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017 – 2020 quy định: những dự án đường cao tốc sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, nghiên cứu, áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, đầu tư xây dựng đường cao tốc đòi hỏi lượng vốn rất lớn như đến năm 2020 cần 342.600 tỉ đồng, đến năm 2030 cần hơn 599.000 tỉ đồng, trong khi nguồn lực Nhà nước còn hạn chế. Bộ Tài chính nhận định việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư có thể sẽ gặp phản ứng của dư luận xã hội. Lý do là thu phí sẽ làm tăng chi phí cho hoạt động kinh doanh vận tải, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập của người dân. Tuy nhiên, Bộ này cũng đã nhấn mạnh tới lợi ích kinh tế người dân khi sử dụng đường cao tốc.
Tại buổi thảo luận của Quốc hội về Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sáng 16 tháng 11, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, ông Hoàng Văn Cường đã nêu lên vấn đề thu phí BOT và phí cao tốc. Ông Cường cho rằng cần phải có cả hai loại phí nói trên, nếu không sẽ xảy ra tình trạng bất bình đẳng. Ông giải thích rằng, không phải địa phương nào trên cả nước cũng có những cao tốc do Nhà nước đầu tư, cho nên không phải người dân nào cũng được sử dụng tiện ích này.
Do đó, để cho bình đẳng, những ai sử dụng đường cao tốc, bất kể BOT hay đường do Nhà nước đầu tư, đều phải đóng phí cho dịch vụ đó. Nhất là trong điều kiện Nhà nước chưa đủ ngân sách để đầu tư toàn bộ hệ thống đường cao tốc đồng bộ và phủ kín ở khắp tất cả mọi vùng, miền.
Trong tình trạng như thế thì chính phủ phải tìm cách bù lỗ. Một phần là do vấn đề quản lý tài chính không ổn đưa đến vấn đề phải thu phí. – Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu
Trong một lần trả lời phỏng vấn truyền thông Nhà nước về vấn đề này, PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (VARSI) ví von rằng “không thể ở khách sạn 5 sao mà trả tiền giá nhà trọ”. Theo ông, ngân sách Nhà nước đã đầu tư hệ thống quốc lộ, người dân đi không mất phí. Khi các tuyến cao tốc đầu tư song hành với quốc lộ, người tham gia giao thông có quyền lựa chọn. Nhà nước thu phí cũng là để quay lại tái đầu tư, làm thêm những con đường mới, phục vụ tốt hơn cuộc sống của người dân. Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, nếu không thu phí sẽ khó thực hiện những việc này. Nhà nước không thể suốt ngày đi vay nợ và cũng không thể cứ đi vay mãi.
Có ý kiến cho rằng, nếu đường cao tốc mà không thu phí thì sẽ mất tính ưu việt của đường cao tốc khi tất cả loại xe đều đi vào đó, khiến tốc độ đi lại rất chậm như từng xảy ra với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương.
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương là đường cao tốc nối Thành phố Hồ Chí Minh với Tiền Giang nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, dài 50 km. Đây là một phần của tuyến Đường cao tốc Bắc – Nam. Ngày 16 tháng 12 năm 2004, Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Phan Văn Khải đã phát lệnh khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc đầu tiên này.
Với tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, thời gian từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Tiền Giang được rút ngắn chỉ còn khoảng 30 phút, thay vì 90 phút như đi đường quốc lộ.
Trước đây, xe ở các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long đi trên tuyến Quốc lộ 1. Khi đường cao tốc được mở và không thu phí, hầu hết tài xế chọn cao tốc đi cho nhanh dẫn đến tình trạng kẹt xe triền miên, nhất là những ngày lễ tết.