Chiều 17 tháng 11 năm 2020, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xin ý kiến đại biểu Quốc hội về hai nội dung liên quan đến dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nội dung thứ nhất là có cần thiết ban hành luật này không. Nội dung thứ hai là có nên giao cho Chính phủ nghiên cứu tiếp, hoàn thiện dự án luật hay không.
Ở nội dung thứ nhất có 290/393 đại biểu Quốc hội cho rằng chưa cần thiết và 96/393 đại biểu cho rằng cần thiết ban hành luật này.
Ở nội dung thứ hai có 206/393 đại biểu không đồng ý và 169/393 đại biểu đồng ý giao cho Chính phủ nghiên cứu tiếp.
Theo dự án luật trình Quốc hội, Bộ Công an muốn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an bán chuyên trách hiện nay thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trung bình mỗi thôn có một tổ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở từ 5 đến 10 người thì toàn quốc có khoảng 1.500.000 người tham gia lực lượng này. Báo cáo thẩm tra chỉ ra con số biên chế của lực lượng này hiện nay là 700.000 người. Nếu luật được thông qua với quân số lên tới 1.500.000 người thì sẽ tăng thêm khoảng 800.000 người.
Theo cựu đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông, trước đây nhiều lần các đại biểu Quốc hội cũng không đồng tình với các đề xuất của Chính phủ. Vấn đề gì mà cử tri đồng tình thì đại biểu Quốc hội cũng thể hiện nhất trí cao. Còn những gì cử tri thấy chưa phù hợp thì đại biểu Quốc hội cũng sẽ tranh luận, phản biện với Chính phủ. Việc đó là bình thường. Ông nói thêm về việc nên hay không nên ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:
Bây giờ đang giảm biên chế nhưng lại muốn phình ra bộ phận công an ở cơ sở. Thật ra điều này cũng cần thiết cho an ninh ở cơ sở, nhưng nó chưa đến mức cần thiết, báo động là phải tăng cường lực lượng đó ngay. – Lê Văn Cuông ĐBQH
“Các đại biểu Quốc hội thể hiện thái độ như thế thì tôi thấy rất đồng tình thôi. Về phía công an thì họ cũng rất lo về an ninh cơ sở, làm sao đủ lực lượng để bảo đảm trật tự an toàn xã hội tốt hơn. Nhưng thành lập lực lượng an ninh trật tự cơ sở thì nó lại thêm một tổ chức biên chế và nó lại ảnh hưởng đến cái chung.
Bây giờ đang giảm biên chế nhưng lại muốn phình ra bộ phận công an ở cơ sở. Thật ra điều này cũng cần thiết cho an ninh ở cơ sở, nhưng nó chưa đến mức cần thiết, báo động là phải tăng cường lực lượng đó ngay. Với tình hình thực tiễn hiện nay thì nếu chỗ nào không an toàn thì công an nơi khác về hỗ trợ. Nếu ra luật này thì công an trên toàn quốc đều phình cái bộ máy vì tăng thêm lực lượng đó.”
Phát biểu tại buổi thảo luận hôm 17 tháng 11, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, việc điều động lực lượng công an chính quy xuống xã sẽ không hiệu quả bởi họ không phải người địa phương nên không nắm bắt được địa bàn. Theo ông Hải, nếu không có luật ra đời, sẽ khó khăn cho lực lượng này.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thì giải thích, do lực lượng này có lịch sử hình thành từ lâu, nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, nhiều hoạt động của lực lượng này động chạm quyền tự do dân chủ, quyền công an nên phải được quy định bằng luật.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 đặt câu hỏi với Bộ trưởng Công an rằng, bây giờ lực lượng công an quá đông, một tỉnh ít nhất phải từ 3.000 đến 4.000 công an chính quy, giờ lại thêm nhiều lực lượng nữa, chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ để nắm được tình hình, xử lý tình hình hay sao?
Ông Đinh Đức Long, một Trung tá Quân đội Nhân dân nêu quan điểm của mình về việc này:
“Thứ nhất là mình không có số liệu chính xác và cũng không có cách nào kiểm chứng được có bao nhiêu công an. Đó là bí mật quốc gia của họ, họ độc quyền nên không ai kiểm chứng được. Nhưng theo cảm nhận của tôi thì công an nhan nhản đầy đường. Thêm vào đó, Nhà nước bây giờ là Nhà nước công an trị rồi còn gì nữa.
Hầu hết lãnh đạo thành phố lớn đều gốc gác công an cả. Ví dụ ông Nguyễn Văn Nên Bí thư thành ủy TP.HCM mới nhậm chức từ công an mà ra. Trong chính phủ rất nhiều vị từng là công an như Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án tối cao cũng từ công an mà ra. Công an là lực lượng tin cậy nhất của chế độ thì họ phải phát triển, xây dựng thôi vì chả còn ai tin cậy hơn”.
Nhưng theo cảm nhận của tôi thì công an nhan nhản đầy đường. Thêm vào đó, Nhà nước bây giờ là Nhà nước công an trị rồi còn gì nữa. – Ông Đinh Đức Long
Ông Đinh Đức Long nhắc lại câu nói của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, “công an là trung thành nhất trong những người trung thành, là những người chỉ biết còn Đảng còn mình”.
Cho đến nay, không có con số chính thức về số lượng công an hay số lượng cảnh sát giao thông trên cả nước được công bố một cách công khai. Ngày 2 tháng Tư năm 2017, Giáo Sư Carl Thayer, chuyên viên về các vấn đề Việt Nam và Á Châu tại Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, phổ biến trên blog một tài liệu ước lượng con số công an ở Việt Nam, từ công an có thẻ ngành đến những lực lượng bán quân sự trực thuộc sự chỉ huy và điều động của Bộ Công An năm 2013 là khoảng 6.700.000 người. Trong đó có 1.200.000 công an viên.
Ông Thayer cho hay con số này được lấy từ bài viết của một viên chức an ninh Liên Bang Úc tên Laurie Gray viết trên tạp chí Cảnh Sát Liên Bang Úc.
Là một người dân bình thường ở Sài Gòn, anh Minh Đức cho rằng số lượng công an rất nhiều nhưng nhiệm vụ chính của họ dường như không phải để bảo vệ dân mà để trấn áp dân và bảo vệ chế độ. Anh kể, khi trong khu phố anh ở có những vụ đánh nhau nguy hiểm đến tính mạng người dận thì gọi hoài không thấy công an xuống. Nhưng để trấn áp biểu tình thì công an dày đặc. Anh nói thêm:
“Cái con số mà ông đại biểu Quốc hội nói ra thì mình không biết thực hư như thế nào bởi con số này là bí mật. Nhưng con số chắc chắn là rất lớn. Với cái nhìn của một người dân, mỗi khi có việc cần vào một đồn công an ở cấp phường khu tôi ở thôi thì tôi thấy từ vài chục cho đến cả trăm công an các loại trong đó. Lực lượng này hiện đang rất đông mà họ còn muốn tăng lên nữa với lý do bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ dân.
Nhưng thực tiễn cuộc sống thì tôi thấy họ dùng lực lượng này để bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng cầm quyền của họ. Họ dùng công an để trị dân, trấn áp dân là nhiều chứ không phải để bảo vệ dân, giữ gìn an ninh trật tự. Không phải như thế!”
Dư luận cho rằng, xã hội Việt Nam là xã hội ‘công an trị’ khi lực lượng này được tăng rất nhiều quyền trong những năm qua cùng việc bổ nhiệm hàng loạt các lãnh đạo Bộ Công an hồi tháng 4 vừa qua.
Cuối tháng 4 năm 2020, Bộ Công An có thêm hai thứ trưởng là Thiếu tướng Lê Quốc Hùng và Thiếu tướng Lê Tấn Tới.
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng từng là Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, là Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương. Thiếu tướng Lê Tấn Tới từng giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, là Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an.