Pháp xử tù cựu tổng thống do tham nhũng, liệu Việt Nam có thể làm như Pháp?

Cựu Tổng thống Pháp đi tù vì tham nhũng

Một tòa án tiểu hình tại Pháp vào ngày 1/3, tuyên án phạt ba năm tù, trong đó có một năm tù giam đối với cựu Tổng thống Nicolas Sakozy.

Ông Nicolas Sakozy bị khép tội “lợi dụng cương vị của cựu tổng thống và các quan hệ chính trị, ngoại giao mà ông có được trong thời gian cầm quyền”để mua chuộc một thẩm phán nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân.

Hội đồng thẩm phán cho đó là hành động tội phạm phải coi là “đặc biệt nghiêm trọng”, do người phạm pháp là một cựu tổng thống, tức là “người từng ở cương vị bảo đảm tính độc lập của tư pháp”.

Từ Paris, GS. Phạm Minh Hoàng cho RFA biết, ông đón nhận thông tin cựu Tổng thống Nicolas Sakozy bị tuyên án tù giam do tham nhũng và hối lộ với tâm trạng là lẽ đương nhiên, bởi vì nước Pháp là một quốc gia tôn trọng pháp quyền.

“Đối với tôi thì tôi thấy rằng dù một người có làm tổng thống đi chăng nữa và một khi đã hết chức vụ, trở thành thường dân mà có những lầm lỗi thì phải chịu trước pháp luật. Chuyện đó là chắc chắn rồi vì luật pháp không nương cho ai hết.

GS. Phạm Minh Hoàng chia sẻ thêm, trong suốt thời gian định cư ở Pháp, ông thấy cựu Tổng thống Nicolas Sakozy là trường hợp thứ ba. Trước đó, cựu Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing hai lần bị cáo buộc dính líu đến tham nhũng và cựu Tổng thống Jacques Chirac bị tuyên án hai năm tù treo do biển thủ tiền của Chính phủ Pháp.

Từ Việt Nam, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo, vào tối ngày 3/3 lên tiếng với RFA rằng thông tin Tổng thống Nicolas Sakozy bị tuyên án tù do tham nhũng và hối lộ không khiến ông ngạc nhiên.

“Đối với những nước dân chủ có các nhân vật đứng đầu như tổng thống, thủ tướng mà bị đưa ra tòa kết án và phải ở tù thì chuyện đó cũng bình thường, không phải là hy hữu vì mọi người phải tuân thủ pháp luật.”

Nhà báo Võ Văn Tạo cũng nhắc lại vụ việc Tòa án Tối cao Hàn Quốc, hồi trung tuần tháng 1/2021, đã đưa ra phán quyết cuối cùng giữ nguyên bản án 20 năm tù đối với cựu Tổng thống Park Geun-hye trong vụ bê bối tham nhũng, dẫn đến bà bị Quốc hội Hàn Quốc truất phế hồi năm 2017.

“Ở những quốc gia có đa đảng, có đảng đối lập thì càng như thế nữa. Tức là phía đối lập với phía cầm quyền, họ tìm cách không buông tha đối với những tiêu cực của giới chức thuộc đảng cầm quyền. Đó là chuyện bình thường. Tuy nhiên, đối với những nước như Việt Nam, Trung Quốc và một số nước độc đảng, nói thẳng là độc tài thì cũng có nhưng hiếm lắm.”

Dĩ nhiên cũng mong qua các hợp tác nhỏ cũng sẽ từ từ thay đổi. Thay đổi từ suy nghĩ của những người làm luật cho đến suy nghĩ thượng tầng. Nhưng đối với tôi thì sự thay đổi đó phải thay đổi từ trên cao, chứ không phải thay đổi từ ở dưới đi lên. Hợp tác và khuyến cáo thì vẫn cứ tiến hành nhưng vẫn vậy, không nhìn thấy có sự thay đổi. Từ năm năm trở lại đây, những tội danh liên quan về chính trị và an ninh thì đều bị xử không dưới tám năm. Đối với tôi, việc hợp tác thì cứ làm, nhưng thay đổi thể chế thì mới quan trọng-GS. Phạm Minh Hoàng

Ảnh minh họa. Cựu Ủy viên Bộ Chính trị, ông Đinh La Thăng bị đưa ra tòa xét xử liên quan một số vụ đại án tham nhũng tại Việt Nam. Hình chụp tại một phiên tòa ngày 22/1/2018. AFP

Can thiệp cải thiện tham nhũng tại Việt Nam ra sao?

Đề cập đến tham nhũng tại Việt Nam, nhà báo Võ Văn Tạo nói rằng mặc dù những năm vừa qua, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng mà ông là người phát động; tuy nhiên, theo lời nhà báo Võ Văn Tạo thì những ai có khiến thức hiểu biết và theo dõi sát sao đều cho rằng phong trào “đốt lò” của ông Trọng không giải quyết được căn nguyên của vấn đề tham nhũng và tiêu cực.

Đối với GS. Phạm Minh Hoàng, từng nhiều năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, ông ghi nhận luật pháp Việt Nam được áp dụng cho “quan” và “dân” khác nhau. Do đó, những bản án xét xử các quan chức tham nhũng ở Việt Nam không cho thấy sự nghiêm minh, cũng như cải thiện được tình trạng tham nhũng ở nước này.

Đài RFA nêu vấn đề với GS. Phạm Minh Hoàng và nhà báo Võ Văn Tạo liên quan những hoạt động của họ về vận động chính phủ các quốc gia phát triển và tiến bộ như Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu can thiệp vào sự thay đổi của Hà Nội trong nhiều khía cạnh, trong đó có vấn đề tham nhũng.

GS. Phạm Minh Hoàng bày tỏ quan điểm của ông:

“Trong tất cả tạm gọi là sự hợp tác đều có những cách cư xử. Chẳng hạn như nước Mỹ có sức mạnh về kinh tế, quân sự thì họ có thể họ nói chuyện một cách khác. Còn nước Pháp và các nước Âu Châu thì có thể nói chuyện một cách mềm mỏng, nhẹ nhàng hơn. Chẳng hạn như họ bảo rằng chúng tôi đồng với quý vị là luật pháp của hai nước còn tùy vào hoàn cảnh, nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới hòa đồng thì chúng ta đang tiến tới những giá trị chung; ví dụ như bỏ bản án tử hình. Việt Nam đang từ từ bỏ án tử hình. Nhưng không phải nói ngày hôm trước và ngày hôm sau bỏ được. Hàng năm có những cuộc đối thoại về nhân quyền, đối thoại về luật pháp. Thật sự thì sự tiến bộ qua đó là rất chậm. Tuy nhiên thà có còn hơn không.

GS. Phạm Minh Hoàng cho rằng vấn đề quan trọng nhất vẫn là chính trị. Vị giáo sư từng bị tòa án Việt Nam tuyên án tù nói rằng khi mà một số những ràng buộc chính trị cao, chẳng hạn như Điều 4 Hiến pháp chi phối tất cả thì dù có sửa đổi cũng mang tính một phần hình thức và rất chậm.

“Dĩ nhiên cũng mong qua các hợp tác nhỏ cũng sẽ từ từ thay đổi. Thay đổi từ suy nghĩ của những người làm luật cho đến suy nghĩ thượng tầng. Nhưng đối với tôi thì sự thay đổi đó phải thay đổi từ trên cao, chứ không phải thay đổi từ ở dưới đi lên. Hợp tác và khuyến cáo thì vẫn cứ tiến hành nhưng vẫn vậy, không nhìn thấy có sự thay đổi. Từ năm năm trở lại đây, những tội danh liên quan về chính trị và an ninh thì đều bị xử không dưới tám năm. Đối với tôi, việc hợp tác thì cứ làm, nhưng thay đổi thể chế thì mới quan trọng. Chứ những hợp tác về tư pháp, về những thảo luận về quyền con người thì chỉ mang tính hình thức nhiều hơn.”

Thực ra cũng khó vì trong các mối quan hệ còn ràng buộc nhiều thứ khác. Chẳng hạn như làm ăn với Việt Nam thì không chỉ Việt Nam có lợi mà ngay cả các doanh nghiệp của Pháp và Liên minh Châu Âu cũng có lợi. Buôn bán, làm ăn, mở cửa thị trường mà. Và đặc biệt ở các nước đó thì chính trường đều có lobby hậu trường. Những lợi ích của các tập đoàn kinh tế được len lõi qua miệng của những ông bà nghị sĩ trong quốc hội của các nước đấy để làm ra chính sách. Tôi nói như vừa rồi, Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU, mặc dù giới đấu tranh cho tự do dân chủ đưa ra quan điểm thẳng thắn là không nên ký ngay mà phải đòi hỏi Việt Nam có những thay đổi nhân quyền, nhưng cuối cùng có thay đổi gì đâu và vẫn ký-Nhà báo Võ Văn Tạo

Nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét rằng việc can thiệp của các chính phủ nước ngoài qua mối quan hệ hợp tác không mang lại được kết quả bao nhiêu.

“Thực ra cũng khó vì trong các mối quan hệ còn ràng buộc nhiều thứ khác. Chẳng hạn như làm ăn với Việt Nam thì không chỉ Việt Nam có lợi mà ngay cả các doanh nghiệp của Pháp và Liên minh Châu Âu cũng có lợi. Buôn bán, làm ăn, mở cửa thị trường mà. Và đặc biệt ở các nước đó thì chính trường đều có lobby hậu trường. Những lợi ích của các tập đoàn kinh tế được len lõi qua miệng của những ông bà nghị sĩ trong quốc hội của các nước đấy để làm ra chính sách. Tôi nói như vừa rồi, Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU, mặc dù giới đấu tranh cho tự do dân chủ đưa ra quan điểm thẳng thắn là không nên ký ngay mà phải đòi hỏi Việt Nam có những thay đổi nhân quyền, nhưng cuối cùng có thay đổi gì đâu và vẫn ký.”

Cả hai nhà báo Võ Văn Tạo và GS. Phạm Minh Hoàng đồng quan điểm rằng tình trạng tham nhũng tại Việt Nam, cho dù có sự hỗ trợ của thế giới phương Tây trong cải cách pháp luật nhưng nếu thể chế chính trị không thay đổi, không có tam quyền phân lập, không có tự do báo chí thì không thể lạc quan được.

Related posts