Nụ cười của một bị cáo trong ngày 8/3
Một bức hình được lan tỏa và chú ý trên mạng xã hội Việt Nam, trong ngày 8/3, là hình ảnh nụ cười của bị cáo Bùi Thị Nối trong ngày ra tòa phúc thẩm vụ án Đồng Tâm, trùng vào ngày Quốc tế Phụ nữ.
Nhà báo độc lập Sương Quỳnh, vào tối ngày 10/3, chia sẻ với RFA về cảm nhận của bà khi nhìn thấy bức hình nụ cười của nông dân Đồng Tâm-Bùi Thị Nối.
“Sự lạc quan tươi tỉnh của bà Nối thì dù là con người rất ít học, nhưng trong con người của bà thì bà biết mình là người công chính. Bà Nối biết bà làm đúng và bà không sai về luật pháp. Dù tòa có đưa ra cho bà cái án 6 năm tù, dù bị bất công đến mức cùng cực đến như vậy so với những người khác thì bà không nhận tội và đến bây giờ bà vẫn lạc quan như thế. Đấy là điều cho thấy chỉ có những người tin lắm vào chính nghĩa, cũng như tin lắm vào việc của họ làm và họ quyết tâm làm theo chính nghĩa nên họ mới có được gương mặt tự tin, toát lên thần thái rằng ‘tôi làm đúng và các người sai’.”
Nụ cười mang ý nghĩa “Tôi làm đúng. Các người làm sai” mà nhà báo Sương Quỳnh cảm nhận được thể hiện một cách rõ ràng hơn qua chia sẻ của các vị luật sư bào chữa tham gia phiên tòa phúc thẩm vào hôm 8/3.
Dù tòa có đưa ra cho bà cái án 6 năm tù, dù bị bất công đến mức cùng cực đến như vậy so với những người khác thì bà không nhận tội và đến bây giờ bà vẫn lạc quan như thế. Đấy là điều cho thấy chỉ có những người tin lắm vào chính nghĩa, cũng như tin lắm vào việc của họ làm và họ quyết tâm làm theo chính nghĩa nên họ mới có được gương mặt tự tin, toát lên thần thái rằng ‘tôi làm đúng và các người sai’-Nhà báo Sương Quỳnh
Những câu hỏi không lời đáp của bị cáo Bùi Thị Nối
Trong cùng ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm vụ án Đồng Tâm, luật sư Lê Luân tường thuật lại trên mạng xã hội Facebook về những lời phát biểu trước tòa của bị cáo Bùi Thị Nối.
Trong lúc tòa chất vấn, bà Nối đã trình bày, chúng tôi xin được trích nguyên văn từ Facebook của luật sư Lê Luân:
“Nếu nói về tình người, thưa quý toà, viện kiểm sát và các trí thức, những cảnh sát cơ động gặp tôi còn phải khóc ấy chứ. Tôi đã nuôi cơm những cảnh sát vào tháng 4 năm 2017. Họ bây giờ gặp tôi còn phải thấy cảm ơn tôi”.
Bị cáo Bùi Thị Nối đã bị chủ tọa cắt lời trong lúc đang trả lời câu hỏi của tòa. Tuy nhiên, nữ bị cáo duy nhất tại phiên phúc thẩm đã kịp nói thêm rằng:
“Thưa quý toà và các vị trí thức, hãy biết nhìn thẳng vào sự thật và trung thực để giúp đỡ tôi và những người dân. Tôi chỉ đề xuất vậy thôi.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh, cũng trong ngày 8/3, đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân kể lại bà Bùi Thị Nối, một phụ nữ có dáng vẻ lam lũ với vốn chữ không đủ giúp cho bà thực hiện lá đơn kháng cáo, lại đôi lúc khiến cho người ta, nếu lơ đễnh thì dễ nhầm bà với vị chủ tọa khi phiên tòa vô tình bị bà “lái” theo hướng không lối thoát.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết bà Bùi Thị Nối đã năm lần đặt câu hỏi trước tòa rằng “Đảng có giết Đảng không?”. Thế nhưng, cả năm lần, phiên tòa đều rơi vào thinh lặng mà không có được một câu trả lời.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, vào tối ngày 10/3, cho RFA biết các luật sư tham gia bào chữa trong vụ án Đồng Tâm đã được tiếp xúc và động viên các bị cáo hai ngày trước phiên tòa phúc thẩm diễn ra.
“Bà Nối rất quý tôi và tôi cũng đã có nói chuyện với bà. Tôi đã nhắc nhở bà rằng bà muốn phát biểu thì phát biểu thoải mái, bà muốn chỉ trích người nào thì không sao, nhưng bà đừng miệt thị người ta. Bà Nối trả lời rằng bà đồng ý như thế với luật sư. Tuy nhiên, tôi cũng dặn dò thêm rằng bà có vấn đề gì liên quan cần nói hoặc bà có bức xúc gì mà không thể nói với ai được thì có thể gọi tôi để tôi trao đổi với bà.”
Theo ghi nhận của luật sư Ngô Anh Tuấn, bà Bùi Thị Nối không biết chữ, nhưng bà là người có hiểu biết ở mức độ bình thường như hiểu biết về xã hội hơn là về mặt luật pháp. Dù rằng bà Nối có thể hiểu được đầy đủ qua tham khảo sơ bộ với các vị luật sư, tuy nhiên bà Nối không phụ thuộc vào cảm xúc của ai và bà Nối có thể có những hành xử và phát biểu một cách bộc phát khó ai có thể tiên liệu được.
Bà Bùi Thị Nối trong phiên sơ thẩm bị tuyên án sáu năm tù giam với cáo buộc “chống người thi hành công vụ”, nhiều hơn một năm so với mức đề nghị án của Viện Kiểm sát do bà đã chất vấn Hội đồng xét xử với câu hỏi:
“Tại sao có luật pháp mà không thi hành? Tại sao không bắt bố Nối (tức cụ Lê Đình Kình) đàng hoàng, mà lại lừa ra đồng đánh gẫy chân bố Nối?”
Bà Nối là một người cực kỳ bản lĩnh. Phải thừa nhận rằng bà rất bản lĩnh và rất kiên định. Cho dù bà có chút gì đó không được chuẩn mực nhất trong phiên tòa, theo đúng quy định, nhưng xét cho cùng thì bà là một người chân thành và bà yêu quý tự do đến cùng cực. – Luật sư Ngô Anh Tuấn
Luật sư Ngô Anh Tuấn chia sẻ thêm với RFA liên quan những phát biểu này của bà Bùi Thị Nối:
“Vì những hành vi trong phiên tòa của bà có chút gì đó không chuẩn mực mà người ta lại tăng án đối với bà. Họ không nói áp dụng tình tiết tăng nặng, nhưng đã không giảm nhẹ và áp dụng hình phạt cao nhất trong nhóm (phạm tội) đó. Như thế là không hợp lý. Có luật sư đồng nghiệp của chúng tôi lên tiếng rằng nếu bà Nối không đúng mực thì có thể xử lý bà bằng hình thức xử phạt hành chính hay thậm chí có thể tước quyền bào chữa đối với bà trong phiên tòa đó chứ thật sự không liên quan gì đến các hành vi bà đã thực hiện trong quá khứ cả. Điều đó là không đúng.”
Theo cảm nhận cá nhân, luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng nữ nông dân Đồng Tâm-Bùi Thị Nối là một người mà khiến không ít người cảm thấy hổ thẹn.
“Bà Nối là một người cực kỳ bản lĩnh. Phải thừa nhận rằng bà rất bản lĩnh và rất kiên định. Cho dù bà có chút gì đó không được chuẩn mực nhất trong phiên tòa, theo đúng quy định, nhưng xét cho cùng thì bà là một người chân thành và bà yêu quý tự do đến cùng cực. Tôi thấy được điều đó. Các diễn đạt của bà có thể không được hoa văn như những người có học thức khác, nhưng sự dám nói lên điều bà suy nghĩ là điều không phải ai cũng làm được. Tôi nghĩ rằng giới trí thức nếu như nghe được và biết được những điều bà nói, bà làm thì cũng cảm thấy hổ thẹn.”
Một cư dân ở vườn rau Lộc Hưng, ông Cao Hà Chánh, vào tối ngày 10/3 bày tỏ với RFA liên quan câu chuyện của bà Bùi Thị Nối:
“Một người như bà, phải nói rằng đúng là rất quý và trân trọng. Đồng thời đó là người mà mình đáng kính phục. Vì là một nông dân mà người ta dám nói lên những điều đó, đồng thời đặt câu hỏi (dù là ai đi nữa) rằng ‘Đảng có giết Đảng không?’. Rõ ràng ai cũng nhìn thấy cụ Kình là người của Đảng và là một đảng viên ‘đứng đầu’ (được tôn trọng) trong xã. Luật pháp thì đầy đủ, nhưng đùng một cái là bắn cụ Kình chết. Nếu như phiên tòa càng được mở ra nữa thì khiến cho người dân càng bất mãn và không tin vào pháp luật nữa. Chúng tôi rất ngưỡng mộ bà Nối, đúng là một người rất tuyệt vời.”
Việc Hội đồng Xét xử tại phiên xử phúc thẩm vụ án Đồng Tâm giữ nguyên các án do tòa sơ thẩm tuyên, trong đó có hai án tử hình và một án chung thân, khiến nhiều người phẫn nộ vì công lý không được thực thi. Tuy vậy, nụ cười và câu hỏi của nữ nông dân Bùi Thị Nối khiến quan tòa phải im lặng được nhiều người cho rằng đó là “nụ cười tất thắng” của người dân Việt Nam vẫn vững niềm tin vào công lý dù có muộn màng và lắm gian nan.