Nhà báo Việt Hoàng viết trên trang cá nhân rằng ông sẽ không đi xem bộ phim mới nhất do Trấn Thành bỏ vốn sản xuất, đồng đạo diễn-tác giả kịch bản và đóng vai chính. Cho dù bộ phim vừa được ghi vào kỷ lục phim Việt trước nay vì đạt doanh thu 100 tỷ đồng chỉ sau 4 ngày chiếu sớm. Vì lẽ, hàm râu trên mép nhân vật trông giả tạo đến nỗi như cục sạn đánh gãy răng khán giả ngay khi vừa háo hức thưởng thức “miếng” đầu tiên.
Tôi bật cười nhớ ra lúc trước, thuở còn là chiếc chiếu chưa từng trải đi xem phim truyện Việt. Phim hay lắm, có cô thiếu nữ mảnh khảnh đang ở một mình trong nhà thì bị thằng cướp xông vào. Ối nó to cao râu ria đầy mặt trông phát khiếp. Cô gái cầm chiếc điện thoại bàn-ừ thuở ấy còn phổ biến điện thoại bàn-nhẹ nhàng vỗ vào đầu thằng cướp một phát.
Một phát duy nhất.
Ối giời ơi ngay lập tức thằng cướp ngã quỵ xuống sàn nhà như cây chuối bị đốn ấy. Bất tỉnh thẳng dẵng ngay đơ. Bèn có anh công an đạp cửa xông vào vô cùng đúng lúc. Anh công an và cô gái dùng một sợi dây bé tí như dây thắt nút tạo hình trói nghiến thằng ăn cướp lại.
Lại nói về ngoại hình của hai tuyến nhân vật. Thằng cướp trông thế mà thật thà. Nó sợ người ta không nhận ra nó là cướp nên mặt mày phải cau lại cho thật bặm trợn, râu tóc phải thật xõa xượi bù rối, hai cánh tay lộ ra ngoài phải xăm kín mực không chừa chỗ nào, quần áo phải thật nhiều dây da lủng lẳng chỗ đai quần và gilet jean thật ngầu đạn (ấy cướp trên phim nó phải khác!). Anh công an thì xứng đáng đại diện cho sự chu đáo của tổ chức hậu cần phục vụ an ninh nước nhà. Anh đeo một cái bụng thật màu mỡ, làn da trắng hồng không tì vết, mái tóc chải in nguyên răng lược, còn bộ sắc phục thì mới tinh tình tình, còn rõ cả nếp gấp.
Trong phim truyền hình Sinh tử, nhân vật Phó Giám đốc công an tỉnh Việt Thanh được bắn tên giới thiệu lên màn ảnh là Phạm Duy Thông. Tương tự, biển tên của Viện phó Viện Kiểm sát là Phạm Văn Khôi. Sau đó, trên biển đeo áo, anh công an được đổi tên thành Đào Duy Thông. Còn anh kiểm sát thành Nguyễn Văn Khôi.
Đấy quả lại là chiêu tài tình che mắt địch của các nhà sản xuất phim Việt. Họ biết rõ công an và kiểm sát luôn luôn bị những kẻ tội phạm căm thù và tìm cách trả đũa, cho nên đã khéo léo cải trang, thay tên đổi họ đi như thế, nhằm che mắt kẻ gian. Xin một tràng vỗ tay!
Trong phim Tiếng sét trong mưa, bộ phim được giới thiệu “siêu phẩm truyền hình phóng tác từ kịch bản sân khấu “Lôi vũ”, là tiếng khóc ai oán của những phận nghèo bị dập vùi trong một kiếp nhân sinh, là uẩn khúc của cuộc đau tình chới với bên bờ ngang trái…” ngay tập 1, nhân vật chính Thị Bình bị một chiếc xe hơi đâm gần như trực diện, lăn ba vòng trên vệ ruộng rồi nằm im dưới mép ruộng lúa. Nhưng mái tóc chải bồng của cô vẫn bồng một cách kiêu hãnh, không một sợi tóc nào tuột ra. Gương mặt không một vết xây xát hay bụi bẩn. Chiếc áo lăn ba vòng trên cỏ gai nhưng không hề bị cào rách.
Đạo diễn của bộ phim đã cho khán giả sáng mắt sáng lòng, đề cao nhân nghĩa và ca ngợi tấm lòng sáng trong của nhân vật nữ chính. Thấy chưa, người nghèo luôn được trời thương đến nỗi tai nạn nặng như thế nhưng không hề bị dính chút bụi trần. Chỉ có trời mới làm nổi, chứ người làm gì có ai tài như thế?
Các cảnh trong nhà của nhiều bộ phim Việt cũng chứng tỏ diễn viên Việt vô cùng tôn trọng khán giả: dù có đang ngủ đi nữa thì nhưng mắt của các nhân vật nữ vẫn chải mascara đen nhánh cong vút, lông mày sắc nét, phấn đắp trắng tinh và môi son chói lóa. Và vì kinh tế dư dật, nên trong phòng khách nhà mình, bất cứ giờ nào, ngay cả khi không có khách, các mệnh phụ vẫn không quên mặc váy dạ hội quét sát đất, diện giày cao gót 10 phân đi đi lại lại. Các quan trên thì mặc com lê đầy đủ cả cà vạt và gi lê, dận giày da lộp cộp.
Trong phim Người phán xử, nền pháp luật công minh, nhân bản đã được tôn vinh xuất sắc. Đến nỗi, giấy ủy quyền của nhân vật Phan Hải cho cô luật sư được viết sai chính tả (chủ tịch thành chủ tịnh, không viết hoa các chức danh), không viết rõ chủ tịch công ty gì, địa chỉ mơ hồ không rõ ràng, không viết rõ các chi tiết nhân thân bắt buộc như ngày tháng năm sinh, giới tính, quê quán, số căn cước; không có nội dung ủy quyền, không có ngày tháng năm lập giấy ủy quyền, cũng không có cả chữ ký của người ủy quyền… thế mà dựa vào giấy ủy quyền này, cô luật sư vẫn cứu được nhân vật nam chính ra khỏi nhà tù. Đấy mới gọi là nền công lý phục vụ khỏi cửa khỏi dấu, hết mình vì dân chứ!
Còn ngôn ngữ trong (hầu hết) phim Việt thì khỏi nói. Thật là… đẹp! Các nhân vật nói bằng thứ ngôn ngữ văn bản hoa mỹ trong hầu như tất cả các tình huống chứ không thèm dùng lời ăn tiếng nói hàng ngày. Ngữ điệu của họ cũng lên xuống nhấn nhá như đang diễn kịch.
Xử lý tình huống trong (hầu hết) phim Việt cũng đặc biệt phù hợp với xu thế sống chậm đang được cổ súy trên thế giới. Trước khi thực hiện hành vi nào đó, nhân vật phải bóp trán, nhăn mặt, giậm chân, hoặc thuyết lý đủ 7×7=63 lần mới bắt đầu nhè nhẹ chân tay đi thực thi. Sống như thế thì tình người luôn bao la như biển Thái Bình dạt dào có phỏng? Việt Nam hạnh phúc hơn cả Bhutan chứ gì nữa?
Cho nên cái hàng ria mép của nhân vật chính do Trấn Thành thủ vai trong bộ phim trăm tỷ mà ông nhà báo Việt Hoàng ông ấy so sánh với cục sạn trong bữa cơm ấy mà, nó thực ra lại là cục vàng. Cục vàng đánh dấu một giai đoạn (quá dài) tư duy hời hợt, dễ dãi, xuê xoa, kém học hỏi, kém đòi hỏi bản thân nhưng rất giỏi chiêu trò và đánh bóng (ở đây hoàn toàn không nói về cá nhân người nào) của nền nghệ thuật (ôi nghệ thuật!) Việt Nam. Để đến vài chục năm nữa, khi đã hình thành nhiều hơn một lứa khán giả khác biết tự tôn trọng thị hiếu thẩm mỹ của mình để không dễ dãi thỏa hiệp với những món ăn còn sượng trân mà người ta dọn ra cho mình, thì nhiều “tác phẩm nghệ thuật” (lâu nay và) hôm nay sẽ là chứng cứ lịch sử để chúng ta nhìn lại về một nét chủ đạo trong tính cách người Việt.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.