Bất chấp những quan ngại về ô nhiễm môi trường, Trung Quốc tiếp tục tài trợ cho các dự án nhiệt điện than ở Đông Nam Á

Trong khi than đang bị dần loại bỏ ở thế giới phát triển vì những quan ngại về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, loại nhiên liệu này hiện vẫn là một lựa chọn năng lượng đang ngày một gia tăng ở nhiều nơi tại Đông Nam Á với vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Trong khi nhiều thị trường, bao gồm Mỹ, Châu Âu và Đông Á, đang tránh sử dụng than, các ngân hàng, các công ty xây dựng và năng lượng của Hoa Lục vẫn tiếp tục cam kết cung cấp tài chính và xây dựng hàng chục nhà máy chạy than ở Indonesia, Việt Nam, Campuchia và Lào.

Điều này diễn ra bất chấp những quan ngại về sự xuống cấp của môi trường, mức cung về điện vượt quá mức cầu, và ô nhiễm không khí. Than hiện được nhiều nơi xem là nguồn nhiên liệu hoá thạch bẩn nhất cho việc phát điện, với việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính cao nhất, cộng thêm là các vấn đề về chất lượng đất, nước và không khí rộng khắp do việc khai thác, đốt và chất thải từ than.

Bầu trời Hà Nội bao phủ bởi khói bụi hôm 27/9/2019. Hình AFP

“Rõ ràng là Trung Quốc là nhà đầu tư chính cho than ở Đông Nam Á”, Isabella Suarez, một nhà phân tích ở Philippines thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và không khí sạch (CREA) nói. “Nếu bạn nhìn vào hồ sơ đầu tư ở nước ngoài của than Trung Quốc, thì Indonesia, Việt Nam đứng thứ hai và thứ ba trên thế giới”.

Nhiệt điện than chiếm 56% năng lượng điện của Indonesia, 34,3% ở Việt Nam và 29,3% ở Campuchia.

Trung Quốc thống trị than ở nước ngoài

Trung Quốc là nước duy nhất ngày càng tích cực trong việc theo đuổi việc đầu tư vào các dự án than. Các tổ chức tài chính của Trung Quốc bao gồm Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, ICBC, và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc được xếp vào những tổ chức đứng đầu danh sách 11 tổ chức cung cấp tài chính cho nhiệt điện than và top 10 tổ chức cung cấp tài chính cho việc khai thác than. Đó là kết quả theo báo cáo có tựa Banking on Climate Chaos được công bố vào cuối tháng ba của một liên minh các tổ chức NGO quốc tế bao gồm Rainforest Action Network (Mạng lưới Hành động bảo vệ rừng), Sierra Club, và Oil Change International.

Báo cáo cho thấy trong tổng số vốn đầu tư, các ngân hàng Trung Quốc chiếm tới 244,7 tỷ đô la đầu tư vào lĩnh vực liên quan đến than kể từ năm 2016, nhiều hơn các ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada cộng lại.

Các dự án do Trung Quốc tài trợ ở Đông Nam Á bao gồm cơ sở 8 của trạm phát điện Baten Suralaya với công suất 625 MW và các nhà máy Bangko Tengah Sumsel 8 với công suất 1.200 MW ở Indonesia; nhà máy điện Vĩnh tân 3 với công suất 1.980 MW ở Việt Nam; trạm phát điện Botum Sakor 700 MW ở Campuchia; và trạm phát điện Dinginin 668 MW ở Philippines.

Các cộng đồng cư dân địa phương tích cực phản đối các dự án này vì ảnh hưởng lên môi trường và xã hội. Nhà máy Sumsel 8 ở Indonesia là một dự án đặc biệt gây quan ngại vì cơ sở khai thác than lộ thiên mà gần đó nhà máy nhiệt điện than được xây dựng.

“Khi các nhà máy này hoạt động, cộng đồng dân cư gần đó sẽ phải đối mặt với ảnh hưởng kép”, chuyên gia Pius Ginting – Giám đốc điều hành của tổ chức Akssi Ecologi Dan Energi Rakyat (AEER) ở Jakarta nói. Đây là tổ chức lên tiếng phản đối các dự án than của Trung Quốc. “Một là ô nhiễm nước và không khí từ nhà máy than, thứ hai là từ việc khai thác than, vì mỏ than cũng nằm cùng nơi”.

AEER (Năng lượng của người dân và hành động sinh thái) hôi đầu năm 2021 đã gửi một bức thư bày tỏ quan ngại đến nhà cung cấp tài chính chính là Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc, công ty đi đầu trong việc xây dựng dự án nhiệt điện này tại Indonesia, Tập đoàn Huadian của Trung Quốc, và Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta. AEER vẫn chưa nhận được phản hồi nào.

Bên cạnh những tác động về môi trường, chuyên gia Ginting lo ngại là việc tài trợ từ Trung Quốc cho các dự án than sẽ khiến Indonesia khó có thể đầu tư vào năng lượng tái tạo.

tugboatcoal1.jpeg
Một tàu chở than ở sông Mahakam ở Samarinda, Indonesia hôm 2/3/2016. Reuters

Lo ngại ô nhiễm và tài chính

Một mối lo ngại nữa là ô nhiễm không khí. Các thành phố ở Đông Nam Á bao gồm Jakarta và Hà Nội thường xuyên bị xếp vào các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, và than là tác nhân gây ra tình trạng này do sự hiện diện của các nhà máy than do Trung Quốc tài trợ.

Theo một báo cáo vào năm 2020 của CREA, ô nhiễm qua biên giới từ các nhà máy nhiệt điện than ở các tỉnh láng giềng, như nhà máy do Trung Quốc tài trợ ở Baten, có thể dẫn đến ảnh hưởng đến sức khoẻ cao một cách đáng kể ở Jakarta. Tương tự, một phân tích vào tháng ba năm 2021 ở Việt Nam cho thấy 24 nhà máy nhiệt điện than đã được lên kế hoạch, phần lớn được Trung Quốc đầu tư, có thể khiến 70.000 người chết sớm.

Một nhân tố lớn là thiếu tiêu chuẩn về kiểm soát ô nhiễm.

“Các nhà máy than đang được xây dựng ở nước ngoài nhìn chung gây ô nhiễm nhiều hơn và ít hiệu quả hơn so với các nhà máy được xây dựng ở trong Trung Quốc”, Chuyên gia Suarez cho biết.

Một quan ngại nữa là những thoả thuận này đặt gánh nặng tài chính trong thời gian dài lên nước nhận đầu tư, bằng cách khoá chặt họ vào điều khoản thanh toán dài hạn ngay kể cả nếu như nhà máy đó không còn cần thiết nữa. Khi xem xét tuổi đời rất lâu của các nhà máy điện chạy than – lên đến 50 năm – các nước như Indonesia, Việt Nam, Campuchia có thể sẽ phải trả cho Trung Quốc vì năng lượng bẩn trong nhiều thập kỷ.

“Đối với Trung Quốc, đó là một trò chơi dễ dàng. Cung cấp vốn lưu động, xây dựng một nhà máy với lực lượng lao động của chính họ, rồi sau đó phía bên kia sẽ trả lại tiền, và thế là tôi đòi lại được tiền cho vay của mình”, chuyên gia Ghee Peh, một nhà phân tích tài chính năng lượng than ở Hong Kong thuộc Viện Kinh tế Năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), cho biết. Theo IEEFA, phần lớn các tài trợ than của Trung Quốc ở nước ngoài tận dụng nguồn lao động Trung Quốc là chủ yếu, bao gồm các nhà thầu Trung Quốc, công nghệ Trung Quốc. Điều này đặt ra câu hỏi nền kinh tế địa phương thực sự được lợi bao nhiều từ các thoả thuận này.

chinafinancingindex1.jpeg
Hình: RFA

Chờ đợi các lời hứa xanh từ Trung Quốc

Trong năm qua, những nhà cung cấp tài chính lớn thứ hai và thứ ba cho các dự án nhiệt điện than ở Đông Nam Á là Nam Hàn và Nhật Bản đã công bố kế hoạch giảm dần các khoản đầu tư vào than. Sau đó, vào đầu năm nay, Ngân hàng CIMB ở Malaysia tuyên bố ngân hàng này cũng loại bỏ than khỏi hồ sơ đầu tư chậm nhất đến năm 2040. Đây là ngân hàng đầu tiên ở Đông Nam Á làm như vậy.

Đã có nỗ lực nhằm đưa các nguyên tắc xanh và bền vững vào Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI), một chiến lược phát triển hạ tầng cơ sở do chính phủ Trung Quốc đầu tư đưa ra vào năm 2013 nhằm đầu tư vào gần 70 quốc gia khắp thế giới. Cũng đã có hy vọng rằng việc Trung Quốc thêm điều khoản “Văn minh sinh thái” vào năm 2018 là một phần của chương trình phát triển kinh tế bền vững sẽ đồng nghĩa với việc ít đầu tư hơn cho than.

Tuy nhiên, tại Đông Nam Á, hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ theo các nước láng giềng và ngừng xuất khẩu cũng như tài trợ rộng rãi cho công nghệ than gây ô nhiễm trong khu vực.

“Cho đến khi có được những hướng dẫn chính sách cho các tổ chức đầu tư, chúng tôi sẽ không nhìn thấy thay đổi nào, và đó là lý do một Sáng kiến Vành đai Con đường xanh vẫn chưa thực sự xảy ra”, chuyên gia Suarez nói. “Việc đầu tư ra nước ngoài thì tốt cho các tổ chức nội địa của họ (Trung Quốc) và giúp cho nền kinh tế của chính họ”

Related posts