Tăng phí không đúng thời điểm
Nhiều tài xế (yêu cầu không nêu tên vì lý do an toàn) trong ngày 3/5 nói với RFA rằng việc tăng phí trong thời điểm này là hoàn toàn không phù hợp:
“Lúc đang khó khăn, hàng hóa thiếu thốn, tăng phí thì khó khăn là đúng.
“Trạm thu phí lạm dụng tăng phí quá đôi khi cũng bức xúc cho người dân thật”.
Bức xúc mà cánh tài xế muốn nói đến đó là một xe chở khách phải chi gần 100 ngàn đồng cho một chuyến (cả đầu vào và ra) và trong một ngày đi nhiều chuyến thì phí càng tăng trong khi đó phí đường bộ họ vẫn đóng hàng năm.
“Mấy ông bày ra thu phí này, như hồi trước tôi thấy còn hợp lệ, như này tôi thấy cũng hơi khó chịu”, tài xế tên H.N.K cho biết.
Kể từ 0h ngày 1/5 vừa qua, trạm thu phí Bắc Hải Vân đặt ở Thị trấn Lăng Cô-Thừa Thiên Huế đã tăng phí dịch vụ đối với các xe qua hầm Hải Vân nối từ Thừa Thiên Huế đến Đà Nẵng.
Mức phí qua trạm BOT Bắc Hải Vân thấp nhất 110.000 đồng/lượt (với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng).
Xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet phải trả phí 280.000 đồng/lượt.
Với mức phí tăng cao như vậy, tài xế H.N.K nói thêm:
“Xe em trọng tải 4-10 tấn, mới đầu 75 ngàn, đợt vừa rồi tăng đến 140 ngàn, là gấp đôi, bây giờ đến 200 ngàn đồng. Ví dụ em muốn chở một chuyến hàng từ Đà Nẵng đến Lăng Cô lúc trước 75 ngàn, bây giờ tăng 200 ngàn đồng rõ ràng đi qua đi về mất 400 ngàn tiền phí”.
Ông Phan Ngọc Thọ – chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế – trả lời với truyền thông Nhà nước Việt Nam cho biết tỉnh đang tìm giải pháp tối ưu để đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân và doanh nghiệp trong vụ việc này.
Việc tăng giá ngay giữa lúc Việt Nam và cả thế giới đã và đang chống chọi với đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay khiến không chỉ giới tài xế, doanh nghiệp mà hàng triệu người dân đều bị ảnh hưởng.
Một tài xế tại Đà Nẵng than thở:
“Mấy tháng covid không làm ăn gì được mà bây giờ thu phí tăng, cái gì cũng tăng”
“Covid này chạy đâu được bao nhiêu, ảnh hưởng rất nhiều thứ. Kể cả bọn tôi chạy cũng phải hạ mức lương cho chủ có thu nhập mà giờ tăng nhiều thứ cũng thiệt thòi cho doanh nghiệp”
Cần giải pháp hợp lý
Hầm Hải Vân hiện có 2 hầm, gồm Hầm Cũ (Hầm Hải Vân 1) dành cho các phương tiện từ phía Bắc vào Đà Nẵng và Hầm Mới (Hầm Hải Vân 2) dùng để phương tiện lưu thông ngược lại từ Đà Nẵng ra Bắc.
Ông Nguyễn Quang Huy, tổng giám đốc Công ty CP đầu tư hạ tầng Đèo Cả trong một trả lời với truyền thông Nhà nước VN vào ngày 27/4/2021 cho hay các xe hiện nay có nhiều sự lựa chọn để lưu thông, không bắt buộc phải chọn trả phí qua hầm Hải Vân mà có thể đi đường đèo hoặc di chuyển cao tốc La Sơn – Túy Loan sắp đi vào vận hành.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc lựa chọn cũng không phải là điều dễ dàng cho cánh tài xế:
Tài xế L.A ở Huế cho biết:
“Tránh thì có leo đèo Hải Vân mà xe này leo đèo biết chừng nào tới”.
Hoặc như giải thích của tài xế H.N.K thì đi đường đèo rất nguy hiểm vì đường hẹp, thêm vào đó với những loại xe tải trọng lớn đôi khi gặp tai nạn vì đường đeo nhiều khúc cua ngặt.
Trước thực trạng vừa nêu, tài xế tại Đà Nẵng và Huế đều bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng và nhà đầu tư điều chỉnh giá hợp lý:
“Bây giờ quay về như lúc đầu nhẹ nhàng ví dụ như xe dưới 4 tấn 35 ngàn, xe trên 4 tấn, 8 tấn 70 ngàn thì tôi thấy hợp lý hơn”.
“Cục quản lý đường bộ nên tham khảo nhiều người để đánh giá mức độ chung để doanh nghiệp có thu nhập, như bây giờ thì căng quá”.
Trước đó, vào cuối năm 2019, nhà đầu tư trạm thu phí Bắc Hải Vân đã tăng phí gần gấp đôi với lý do thu phí gộp cho cả đường hầm Phước Tượng và Phú Gia. Việc tăng giá này cũng đã vấp phải phản đối của nhiều tài xế lúc bấy giờ nhưng tình trạng tăng giá không thuyết phục vẫn cứ tiếp diễn.
Một tài xế ở Đà Nẵng bức xúc nói:
“Họ làm ra cái hầm để cho người dân an toàn lưu thông nhưng làm ra độc quyền nên muốn lấy bao nhiêu thì lấy”.
“Thất nghiệp, ế ẩm, sống trong đất nước độc tài này đợt trước tăng giá anh em cũng phản đối bị nó mang xe cẩu tới đòi cẩu, cưỡng chế. Anh em nhỏ lẻ không làm gì được”.