Chờ giải pháp cụ thể
Theo thông tin vừa cập nhật từ truyền thông Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối ngày 6/5 đã có 19 tỉnh, thành ra thông báo cho học sinh nghỉ học để phòng ngừa dịch COVID-19 lây lan.
Trước thông tin này, thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên Trường Trung học Phổ thông (THPT) Thường Tín, Hà Nội cho rằng việc cho học sinh nghỉ học ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến việc dạy và học, nhất là khi học sinh sắp thi kiểm tra cuối kỳ.
“Kiểm tra trực tuyến thì chúng tôi chưa làm bao giờ nên chưa nghĩ ra biện pháp nhưng vì dịch bệnh nên có thể chấp nhận. Theo tôi người ta sẽ lui thời gian kiểm tra học kỳ xuống độ một tháng rồi kết thúc năm học muộn một chút. Như thế lại ảnh hưởng đến cả kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học nhưng có lẽ bây giờ sẽ phải chấp nhận điều động những cái đó trong một lúc nào đấy.
Cũng có một số giáo viên đã cho các em học sinh kiểm tra một số bài dự phòng, kiểm tra một số bài thường xuyên trước đó, thường thì giáo viên kiểm tra bài nhiều hơn mức yêu cầu nên cũng có thể có giải pháp lấy các bài đó đưa vào thay cho điểm kiểm tra học kỳ. Mà kiểm tra học kỳ cũng giống như bài cuối cùng, nếu không có thì lấy trung bình cộng của các bài trước cũng được. Đó cũng là một cách.”
Vẫn theo thầy Khoa, ông tin các lãnh đạo trong ngành giáo dục sẽ sớm có giải pháp phù hợp cho học sinh từng cấp để chương trình học của các em không bị xáo trộn vì đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam.
Ngoài thay đổi mới trong ngành giáo dục là học sinh phải nghỉ học tại trường thay vào đó học sinh một số tỉnh, thành sẽ học trực tuyến, thi học kỳ II online hoặc kết thúc chương trình học sớm, rút ngắn chương trình học.v.v. thì việc nhiều tỉnh, thành đã bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội khi số ca nhiễm trong cộng đồng đang tăng nhanh cũng là vấn đề được nhiều người lo lắng.
Nhận xét về tình hình bùng dịch lần thứ tư này, BS. Đinh Đức Long từ Sài Gòn nói với RFA vào tối 5/5 như sau:
“Bây giờ không có số liệu cụ thể nhưng tôi thấy tình hình lần này rất nguy hiểm, nguy hiểm lắm vì các nước xung quanh Việt Nam vỡ trận, Ấn Độ chết ai cũng biết, Campuchia bây giờ bị nặng, Lào bị nặng, các nước trong vùng đều bị nặng. Riêng Việt Nam người Trung Quốc nhập cảnh lậu mấy hôm nay bắt được rất nhiều.”
BS. Đinh Đức Long tỏ ra đắn đo khi trả lời câu hỏi liệu Việt Nam sẽ kiểm soát tốt được đợt bùng phát dịch lần này như những lần trước:
“Sau này chưa thể nói trước được vì cái này rất khó. Về phía ngành y chúng tôi lúc nào cũng hết sức mình, còn về phía cộng đồng người ta lơ là hoặc vi phạm quy định chuyên môn hoặc vì hám lợi dẫn đường cho một số người từ ổ dịch nhập cảnh lậu thì cộng đồng trả giá rất đắt.”
Cần ý thức của cộng đồng
Đồng quan điểm với bác sĩ Đinh Đức Long khi cho rằng một trong những nguyên nhân chính để dịch COVID-19 lây nhiễm là do việc nhập cảnh lậu, tuy nhiên, theo chị Lê Thị Thu Hồng, sống tại TPHCM, vẫn còn những nguyên nhân khác:
“Một số trường hợp nhập cảnh hợp pháp nhưng cách ly không làm đúng theo quy định: về sớm hoặc sau hết thời gian cách ly ở chỗ tập trung về nhà thêm 14 ngày nữa nhưng ý thức những người đó kém, về xong đi tùm lum nên bị.
Cũng phụ thuộc phần lớn ý thức người dân, nếu người dân cứ ăn nhâu, tụ tập thì cũng nằm ngoài khả năng kiểm soát của họ (nhà nước), vượt quá năng lực của họ.”
Ngoài tâm tư về việc ý thức cộng đồng quá kém đã vô hình chung khiến sau nhiều tháng Việt Nam tưởng chừng đã có thể trở lại cuộc sống “bình thường mới” thì giờ người dân lại phải lo lắng vì đợt dịch lần thứ tư đã bùng phát. Nhiều dịch vụ đã phải tạm đóng cửa, cuộc sống của những người lao động tự do lại bước vào giai đoạn khó khăn vì đại dịch.
“Đợt trước dịch thì bắt nghỉ hết mà nhà nước không hỗ trợ được mà đợt này dịch bùng phát lại nặng hơn tất nhiên phải lo lắng, nhưng lo xong có ai hỗ trợ đâu, cũng phải tự mình đứng lên, nên giờ dịch bùng phát nữa chắc chết đói.”
Đó là tâm sự của chị Thanh, bán vé số tại TPHCM nói với phóng viên RFA trong ngày 5/5. Chỉ một ngày sau đó, Bộ Y tế VN công bố số ca mắc mới trong ngày 6/5 đã tăng nhanh với 60 ca trong đó 56 ca ghi nhận trong nước, bốn ca nhập cảnh, nâng tổng số ca bệnh ở Việt Nam lên 3.090.
Trước đó, hôm 5/5, Bộ Y tế Việt Nam đã ra quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung đối với những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh dương tính với virus SARS-CoV-2 và các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam là 21 ngày thay vì 14 ngày như trước đây.