“Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã tuyên bố rằng chúng ta đang ở trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu và chúng ta không có thời gian. Chúng ta đã thấy những người trẻ ở tuyến đầu trong hành động vì khí hậu, cho chúng ta thấy sự lãnh đạo táo bạo là như thế nào.”
Đó là phát biểu của bà Caitlin Wiesen, trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, mở đầu lễ công bố báo cáo đặc biệt với nhan đề “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” hôm 29 tháng 5 tại Hà Nội.
Đây là báo cáo đầu tiên phản ảnh tiếng nói của giới trẻ Việt Nam trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP26 sẽ diễn ra vào tháng 11/2021 tại Glasgow, Anh Quốc. Báo cáo đã được gửi đến Chủ tịch COP26 ông Alok Sharma và chính ông cũng đã có mặt tại buổi lễ công bố để trao đổi với các tham dự viên và các bạn trẻ.
Trong bản báo cáo dài 60 trang nhóm viết báo cáo gồm 20 thành viên khắp miền đất nước, ghi nhận:
“Thanh niên Việt Nam đã bắt tay vào tìm ra các giải pháp sáng tạo để giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Khi được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin, dữ liệu hơn, chúng tôi ngày càng cảm thấy có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội trong việc hành động vì khí hậu.”
Các bạn trẻ đã chỉ ra các nút thắt cũng như hướng giải quyết. Anh Nguyễn Hoàng Nam là một trong thành viên viết báo cáo, trong phần nói về những khó khăn mà thanh niên tham gia các lãnh vực thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu gặp phải. Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, anh cho biết các khó khăn tập trung vào bốn lãnh vực:
“Về phần khó khăn thì có những cái khó khăn chính như là về kiến thức, kỹ năng, tài chính, và về cả công nghệ. Về kiến thức thì rất nhiều bạn không được học hay tìm hiểu về biến đổi khí hậu một cách chính thức, chính thống qua trường lớp chuyên môn.
Nên các bạn góp nhặt những thông tin quan sát được trên mạng để cùng nhau cố gắng làm cái gì đó. Ví dụ đơn giản như là nhặt rác ở bãi biển hay là cố gắng tuyên truyền bằng các hình thức nghệ thuật để mọi người nhận ra tác hại của đồ nhựa hoặc là cùng nhau trồng cây. Đấy là một khía cạnh nhỏ về kiến thức.
Về kỹ năng cũng là một phần khó khăn. Bởi vì là lần đầu tiên các bạn ấy cùng nhau làm thì các bạn sẽ gặp khó khăn khi mà ngồi làm việc với nhau với tư cách là một nhóm thanh niên tự tập hợp nhau lại, làm việc với chính quyền hay làm việc với cộng đồng địa phương. Đó là những khó khăn về kỹ năng và còn cả kỹ năng triển khai dự án nữa.
Về tài chính thì các bạn chưa được tiếp cận về các nguồn quỹ, về các hỗ trợ hay chưa được đào tạo bài bản về kinh doanh, về việc xin vốn, gọi vốn hay là vốn cộng đồng (crowdfunding). Các bạn thường thường chỉ tìm vốn trên mạng, tự túc hoặc là có một người quen biết được nguồn vốn để xin để chạy dự án”.
Tại buổi lễ công bố báo cáo cô Hoàng Ngọc Xuân Mai, trưởng nhóm viết báo cáo đã tóm tắt các hướng giải quyết chung được thanh niên khuyến nghị:
“Để giải những nút thắt này trong các phần khác nhau thì có 10 hướng giải quyết chung mà các bạn đã nêu ra trong báo cáo. Tuy nhiên ở đây tôi xin nhấn mạnh ba hướng giải quyết. Đó là một cổng thông tin về biến đổi khí hậu dành riêng cho thanh niên Việt Nam. Cổng thông tin này sẽ rất cần thiết cho các bạn mà muốn hành động nhiều hơn và thích ứng vào mảng dựa vào thiên nhiên và những mảng mà các bạn chưa tìm được những nguồn thông tin chính xác trên online.
Tiếp theo là những mạng lưới để hỗ trợ các đội thanh niên nhỏ lẻ bởi vì hiện nay có rất nhiều đội nhóm thanh niên khác nhau nhưng các bạn chưa có đủ những cơ hội để nâng cao năng lực như là một tiếng nói chung.
Cuối cùng là một giải thưởng thanh niên có thể được tổ chức hàng năm để hỗ trợ những đóng góp, những sự sáng tạo trong biến đổi khí hậu cũng như các hoạt động khác”.
Những viên chức có mặt, từ Chủ tịch COP 26, ông Alok Sharma đến bà Caitlin Wiesen, trưởng đại diện UNDP và ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, đều bày tỏ sự cảm kích với bản báo cáo và nói, các cơ quan, bộ ngành mà họ đại diện sẽ hỗ trợ thanh niên trong hành động vì khí hậu.
Bà Wiesen, đại diện UNDP nhận xét (qua lời diễn tả của thông dịch viên):
“Đầu tiên cách tốt để cho chúng ta chia sẻ là có những nền tảng trực tuyến, website để chia sẻ thông tin. Từ phía UNDP chúng tôi đánh giá rất cao báo cáo này và tiến trình của báo cáo. Nó cũng là một phần trao đổi thông tin rất tốt. Một trong số các khuyến nghị của các bạn thanh niên là làm thế nào để thanh niên được hiểu và được lắng nghe tốt hơn bằng cách tạo ra một learning hub, một trung tâm học tập. Tầm quan trọng của learning hub này là để đảm bảo rằng thông tin của Việt Nam, cũng như thông tin ở cấp độ toàn cầu được chia sẻ, được thiết kế một cách thân thiện với người sử dụng để các bạn có thể tìm được những câu trả lời đơn giản cho các câu hỏi cũng như các thông tin kiến thức liên quan đến biến đổi khí hậu”.
Tuy nhiên anh Nguyễn Hoàng Nam quan ngại rằng thật sự số thanh niên Việt Nam quan tâm đến biến đổi khí hậu còn rất ít. Anh cho rằng các nỗ lực thông tin hiện nay từ Liên Hiệp Quốc hoặc từ các NGO, Đại sứ quán vẫn không thể đạt được quy mô cần thiết để thích ứng với mối đe dọa từ hâm nóng toàn cầu.
“Thường thường NGO là nơi mà triệu tập chung những nguồn năng lượng muốn cống hiến và muốn tạo ra sự thay đổi lớn nhất. Cái hạn chế của NGO là quy mô của những dự án của họ thường không lớn và sức lan tỏa của họ không to, không đồng bộ được bằng bên chính phủ”.
Vì vậy, anh nói, nỗ lực phải đến từ chính quyền để nâng mức quan tâm và hành động thích ứng:
“Về chính quyền thì em nghĩ đơn giản chỉ là giáo dục. Họ đưa được giáo dục về biến đổi khí hậu vào các tầng lớp phù hợp, ví dụ như là cho học sinh hoặc cho những người đã đi làm. Khi mà tất cả mọi người đều cùng chung một cái mối quan tâm và cùng biết là họ đều bị ảnh hưởng rồi thì sẽ rất dễ kết nối mọi người và dễ nói chuyện hơn là khi bắt đầu một chủ đề mà họ lại gạt đi và cho nó là không quan trọng”.