Nhà nghiên cứu Trần Thị Bích gần đây có một bài bình luận với nhan đề “Không đánh đổi: Biden vừa có thể nâng cấp mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, vừa thúc đẩy nhân quyền”. Trong đó, bà nhận định rằng chính quyền Biden cần phải xây dựng niềm tin với đối tác chính quyền Hà Nội bằng cách tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam và phân biệt nó với sự khác biệt của chủ nghĩa ‘xét lại’ của Trung Quốc. Giang Nguyễn có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Bích để tìm hiểu thêm.
Giang Nguyễn: Thưa chị Bích, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngay từ đầu nhiệm kỳ đã nhấn mạnh chính quyền của ông sẽ đặt vấn đề dân chủ và nhân quyền làm trọng tâm của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Đối với Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ có khả năng thúc đẩy nhân quyền đồng thời thắt chặt quan hệ kinh tế và an ninh giữa hai nước, nhưng theo chị, để đạt được cả hai mục tiêu, Hoa Kỳ cần phân biệt giữa chế độ cộng sản của Việt Nam và của Trung Quốc. Vậy theo chị, đâu là sự khác biệt?
Trần Thị Bích: Theo tôi nghĩ, vấn đề quan trọng là khi chính quyền của ông Donald Trump đã chỉ ra rằng Trung Quốc là một nước theo ‘chủ nghĩa xét lại’ (revisionist). Khái niệm của một nước theo chủ nghĩa xét lại tập trung vào hành vi của nước đó trong quan hệ giữa quốc tế với nhau.
Chúng ta có thể thấy rằng trong những năm vừa qua thì Trung Quốc đã trở nên rất hung hăng hơn trong tranh chấp Biển Đông, như Đường lưỡi bò là một, hoặc thay đổi biến các đá trở thành đảo nhân tạo hoặc là bắt nạt những nước khác trong khu vực, thì đó là những hành vi của một nước theo chủ nghĩa xét lại.
Ông Trump và những quan chức khác trong chính quyền của ông liên tục gắn liền ‘chủ nghĩa xét lại’ với ‘chủ nghĩa cộng sản’. Chẳng hạn như ông Mike Pompeo từng phát biểu rằng ‘Cộng sản luôn luôn nói dối.” Khi mà ông ấy ‘gộp đũa’ như vậy, ông ấy không nghĩ rằng Việt Nam, một nước mà Mỹ đang rất là muốn củng cố quan hệ, cũng là một nước cộng sản. Khi có những lời nhận xét như vậy thì theo tôi nó không hề giúp cho việc xây dựng niềm tin giữa hai nước.
Giang Nguyễn: Tức là khi mà gom Việt Nam vào chung với lại cùng một chủ nghĩa xét lại như Trung Quốc thì Mỹ đã không xích gần được với Việt Nam trong các vấn đề khác, có phải ý của chị như vậy không ạ?
Trần Thị Bích: Cũng một phần. Ý chính của tôi là khi chính quyền Mỹ muốn chỉ trích Trung Quốc về những hành vi ở Biển Đông hoặc những hành vi ép buộc các nước khác, thì họ không nên dùng từ ‘chủ nghĩa cộng sản’ mà nên sử dụng các từ ‘nước theo chủ nghĩa xét lại’.
Giang Nguyễn: Trong bài bình luận của chị, chị nói là qua những gì chúng ta thấy trong thời kỳ của Tổng thống Barack Obama hay là trong thời kỳ của Tổng thống Donald Trump thì những sự phân biệt như vậy đã ảnh hưởng ít nhiều đến vấn đề nhân quyền?
Trần Thị Bích: Theo tôi hiểu thì dưới thời Tổng thống Obama họ không gắn liền từ ‘chủ nghĩa xét lại’ với các nước cộng sản, nhưng họ vẫn nói đến vấn đề nhân quyền. Họ không chỉ tay vào mặt như dưới thời Tổng thống Trump.
Giang Nguyễn: Như chị biết thì những nhà đấu tranh trong những năm qua đặc biệt bị đàn áp khắc nghiệt. Liệu chính quyền Hoa Kỳ có quyết liệt hơn về những đòi hỏi nhân quyền và liệu chính quyền Biden thực sự có khả năng thúc đẩy Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền?
Trần Thị Bích: Tổng thống Biden từ hồi mà ông ấy còn làm Phó Tổng thống dưới Tổng thống Obama thì hai người đã làm việc với nhau rất chặt chẽ về việc thúc đẩy nhân quyền. Trong vài tháng vừa qua Tổng thống Biden rất thống nhất trong các thông điệp của ông trong việc nâng cao nhân quyền trên toàn cầu.
Tôi nghĩ rằng khi cơ hội đến để Tổng thống Biden và những quan chức trong chính quyền của ông có cơ hội tiếp xúc với các lãnh đạo Việt Nam thì họ sẽ nhắc đến nhân quyền và chắc chắn sẽ thúc đẩy Việt Nam trong việc nâng cao nhân quyền ở Việt Nam.
Mỹ có rất nhiều cách để giúp Việt Nam củng cố được nhân quyền.
Cách thứ nhất là trực tiếp nói về nhân quyền qua đối thoại song phương. Trong bài viết, tôi có đề cập đến đối thoại đa phương. Như trong trường hợp của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Mỹ và Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận riêng để đưa ra một lộ trình rõ ràng để Việt Nam có thể củng cố nhân quyền. Mặc dù việc chính quyền của ông Trump rút ra khỏi TPP khiến cho thỏa thuận song phương đó bị vô hiệu lực, nhưng trong quá trình đối thoại thì Việt Nam đã có những tiến bộ trong vấn đề nhân quyền. Một ví dụ, đó là Việt Nam đã tham gia vào Công ước (của Liên Hiệp Quốc) chống tra tấn. Hoặc là chính quyền Việt Nam cũng đã đồng ý thả một số tù nhân chính trị và hứa rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thay đổi luật trong nước để mà thống nhất với luật pháp quốc tế. Đó là cách trực tiếp.
Ngoài ra thì có những cách gián tiếp mà Mỹ có thể thực hiện để giúp Việt Nam củng cố vấn đề nhân quyền. Ví dụ như là tăng cường quản lý của nhà nước, giảm thiểu tham nhũng ở trong nước. Khi tham nhũng giảm thì dân sẽ cảm thấy hài lòng với chính quyền hơn, điều đó sẽ dẫn đến ít các cuộc biểu tình hơn và khi mà ít biểu tình hơn thì sẽ ít có cơ hội cho chính quyền đàn áp các cuộc biểu tình đó. Như vậy sẽ là một cách gián tiếp để củng cố nhân quyền.
Ngoài ra còn một cách nữa đó là Mỹ có thể giúp Việt Nam củng cố hệ thống pháp luật để họ có thể xét xử đối tượng ở trong nước một cách công bằng hơn.
Giang Nguyễn: Mới đây thì Tổng thống Biden đã gặp với Tổng thống Vladimir Putin của Nga. Cuộc gặp gỡ đó có cho chúng ta thấy điều gì về cách thúc đẩy vấn đề nhân quyền không ạ?
Trần Thị Bích: Đó là một ví dụ rất tốt. Vì nhiều người nói rằng việc Tổng thống Biden gặp Tổng thống Putin có phải là một dấu hiệu cho thấy Mỹ không quan trọng vấn đề nhân quyền nữa hay không? Nhưng thực ra theo tôi nghĩ, Tổng thống Biden gặp Tổng thống Putin không phải vì hai nước đồng quan điểm với nhau mà chính vì hai nước khác nhau. Cho nên họ mới cần gặp mặt để mà thẳng thắn đối thoại.
Theo tôi đó là một phong cách của Tổng thống Biden. Ông sẽ rất thẳng thắn để đối thoại những vấn đề rất nhạy cảm với những nước mà theo ông là quan trọng.
Giang Nguyễn: Liệu chúng ta thấy mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được nâng cấp lên thành một quan hệ chiến lược trong nhiệm kỳ của ông Biden?
Trần Thị Bích: Những quan chức của bên Mỹ và những quan chức của bên Việt Nam đều nói rằng nội hàm của mối quan hệ đối tác toàn diện của Việt Nam và Mỹ hiện tại đã đạt đến mức chiến lược rồi. Thế nhưng tôi cũng tự hỏi rất nhiều lần vậy tại sao chính thức vẫn chỉ là quan hệ đối tác toàn diện? Tôi cũng như rất nhiều người theo dõi Việt Nam cũng đang rất mong chờ hai nước đồng ý chính thức nâng cấp mối quan hệ này lên mức đối tác chiến lược. Bởi vì theo tôi việc chính thức nâng cấp đó sẽ giúp cho hai nước có một cái khung vững chắc hơn đề tiếp tục nâng cao quan hệ hai bên.
Nhưng hiện tại thì không rõ khi nào hai bên sẽ chính thức nâng cấp quan hệ bởi vì trong suốt hai năm qua mọi người đã mong chờ giây phút đó mà nó vẫn chưa xảy ra. Có thể là do những điều kiện khác chưa đạt cho nên họ không thể thống nhất được.
Giang Nguyễn: Cảm ơn chị Trần Thị Bích rất nhiều.