Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được công bố vào năm 2019 cảnh báo sẽ có khoảng 16 triệu người Việt Nam có thể sẽ không có lương hưu vào năm 2030, trừ khi Chính phủ có những chính sách hỗ trợ phù hợp.
Còn theo báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới của Liên Hiệp Quốc được công bố cùng năm, dự báo trong chín năm tới, khu vực ASEAN sẽ có hơn 109 triệu người trên 60 tuổi, chiếm hơn 15% tổng dân số. Đến năm 2050, con số này được dự báo sẽ tăng lên hơn 176 triệu, chiếm hơn 22% tổng dân số của khối ASEAN.
Báo Nhà nước dẫn nhận định của nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính, Giáo sư Nguyễn Hữu Tri rằng, con số 16 triệu người mà ILO dự báo là cho năm 2030, tức những người hiện nay đang ở độ tuổi 45-50. Thực tế có rất nhiều người ở độ tuổi trẻ hơn đang thất nghiệp, không có điều kiện đóng bảo hiểm xã hội. Nếu tính cả những người này thì đến năm 2030 và cả những năm sau đó, số người không có lương hưu của Việt Nam sẽ cao hơn nhiều.
Còn một đội ngũ nữa cần nói đến, đó là nông dân. Hiện nay tỷ lệ nông dân ở Việt Nam chiếm khoảng 60% dân số. Những người này họ không có lương hưu nhưng hiện nay chính chủ đang có chương trình người nông dân cũng được đóng bảo hiểm xã hội. Nếu họ đóng thì họ cũng có lương hưu. Chương trình này mới và bây giờ mới được khuyến khích. – Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nói với RFA về vấn đề này:
“Từ trước đến nay thì không phải ai cũng có lương hưu. Trước đây, chỉ những người làm nhà nước mới có lương hưu. Thời đó, kinh tế còn bao cấp nên làm nhà nước là chính, làm tư nhân thì đời sống rất khó khăn.
Nhưng làm tư nhân, nếu có ký hợp đồng là có lương hưu về sau vì theo luật, người sử dụng lao động phải đóng an sinh xã hội cho người lao động theo một tỷ lệ nào đó.
Còn một đội ngũ nữa cần nói đến, đó là nông dân. Hiện nay tỷ lệ nông dân ở Việt Nam chiếm khoảng 60% dân số. Những người này họ không có lương hưu nhưng hiện nay chính chủ đang có chương trình người nông dân cũng được đóng bảo hiểm xã hội. Nếu họ đóng thì họ cũng có lương hưu. Chương trình này mới và bây giờ mới được khuyến khích.
Tôi nghĩ rằng, để triển khai rộng rãi chương trình này thì còn lâu lắm vì nông dân cho chưa quen hình thức này.”
Theo đánh giá của một số người, cách trả lương hưu ở Việt Nam hiện không hợp lý bởi người nghỉ hưu thường đồng hành với bệnh tật, không có thu nhập khác, sức lao động cạn dần, mức sống bị giảm do đồng tiền bị trượt giá.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống về hưu được 20 năm, sau 50 năm làm việc chia sẻ chuyện lương hưu với RFA:
“Lương hưu thì tùy. Đối với những người lao động bình thường thì lương hưu hiện nay khoảng ba, bốn triệu đồng một tháng thì rất khó khăn. Còn với người lãnh năm, bảy triệu thì vất vả nhưng cũng tạm được. Còn loại cao cấp như tôi, thuộc hàng giáo sư – tiến sĩ 50 năm công tác thì lương hưu được khoảng chín triệu thì cũng tạm đủ, cũng sống một cách vất vả.
Nói tóm lại, cách trả lương hưu của Việt Nam theo tôi là chưa hợp lý, chưa thật công bằng. Tôi cũng đã đóng góp ý kiến nhưng thôi… Nói chung là nếu ai không có tiền dự trữ thì lương hưu là khó sống.
Người già có hai loại ‘lương’. Nếu ai trước đây có đi làm, có nộp bảo hiểm xã hội thì có lương hưu theo luật. Lương hưu không phải là an sinh xã hội. Còn loại thứ hai là người già nếu gặp khó khăn thì được hưởng một khoản an sinh xã hội. Khoản này ít thôi, chỉ khoảng ba, bốn trăm nghìn một tháng thôi.”
Cô Tuyết hiện ở Sài Gòn có bà mẹ già trên 80 tuổi cho chúng tôi biết mẹ cô không có một khoản tiết kiệm nào, con cái lo mọi chi phí, tiền nhà nước cấp hàng tháng không đủ để ăn sáng:
“Em không mua bảo hiểm gì cho má hết mà được nhà nước cấp cho những người lớn tuổi từ 80 tuổi trở lên mỗi tháng được 270 ngàn. 270 ngàn thì không thể đủ sống vì mỗi sáng ăn tiết kiệm lắm cũng hết 15 ngàn, tức một tháng hết 450 ngàn rồi, chưa tính ba bữa cơm trong ngày. Tết thì họ “lì xì” thêm một tháng. Và khi có bịnh hoạn hay nằm bệnh viện thì nhà nước chi trả 80%, mình chịu 20%.”
Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, già trước khi giàu. Rất nhiều người già ở Việt Nam không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu hoặc tiếp tục lao động mưu sinh. Trang danso.org thống kê chỉ sau 50 năm, độ tuổi trung bình của người dân Việt Nam tăng đáng kể, từ 18 tuổi vào năm 1970 lên 33 tuổi vào năm 2020.
Từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ người trên 60 tuổi tăng lên với tốc độ nhanh chóng. Tỷ lệ người cao tuổi phụ thuộc ở Việt Nam tính đến năm 2019 là 11,4% so với lực lượng lao động.
Để bảo đảm an sinh khi về già thì người lao động phải có việc làm, có thu nhập đủ để đóng bảo hiểm xã hội. Nếu người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội thì khi về già sẽ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng cho an sinh xã hội.
Nếu nhìn thực trạng chung thì vấn đề an sinh xã hội của Việt Nam hiện nay là một gánh nặng hay một món nợ lớn mà cả nhà nước và nền kinh tế đang phải gánh chịu. – Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Để giải quyết tình trạng này, ngoài chính sách khuyến khích những người công dân mua bảo hiểm xã hội, dường như chính phủ chưa có giải pháp tích cực.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nhận định với RFA rằng, mạng lưới an sinh xã hội của Việt Nam với khả năng tài chính hiện nay thì không có cách nào có thể bù đắp được. Bà nói:
“Nếu nhìn thực trạng chung thì vấn đề an sinh xã hội của Việt Nam hiện nay là một gánh nặng hay một món nợ lớn mà cả nhà nước và nền kinh tế đang phải gánh chịu.
Trên thực tế, nhu cầu của xã hội đối với vấn đề an sinh xã hội luôn lớn hơn khả năng thực tế mà nhà nước có thể đáp ứng. Nhưng nhà nước cũng đã chấp nhận cung cấp bảo hiểm cho các người nghèo để đảm bảo cho họ khi đau ốm thì cũng có thể đến bệnh viện để chữa trị.”
Để đối phó với tình trạng già hóa dân số nhanh kéo theo số người không có lương hưu tăng cao hiện nay, các nhà quản trị đất nước cũng đưa ra những giải pháp như chuẩn bị cho người cao tuổi không chỉ là lực lượng trí tuệ của cộng đồng mà còn tiếp tục là lực lượng sản xuất bằng cách tìm cách kéo giãn tuổi nghỉ hưu. Giải pháp này bị cho là không tích cực.