“Không hề có quyết định đóng cửa thành phố Hồ Chí Minh trong 10 đến 15 ngày như thông tin lan truyền trên mạng xã hội từ chiều qua. Đây là khẳng định của Ban Chỉ đạo Phòng Chống Dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh. Những thông tin như là: Cho thành phố Hồ Chí Minh 36 tiếng đến 48 tiếng chuẩn bị để đóng cửa thành phố từ 0 giờ thứ ba ngày 7 tháng 7 hoặc 12 giờ thứ tư, ngày 8 tháng 7 đều là những thông tin giả mạo làm ảnh hưởng đến công tác chống dịch. Ban Chỉ đạo Phòng Chống dịch Covid-19 khuyến cáo người dân cần bình tĩnh tìm hiểu thông tin chính thống về dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và thành phố”.
Đó là thông báo từ đài truyền hình quốc gia đến người dân hôm 6 tháng 7 năm 2021, khi thông tin phong tỏa thành phố lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Người dân bán tin bán nghi đổ xô đi mua sắm khiến các kệ hàng trong siêu thị trống rỗng.
Một ngày sau, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng, Chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh vào chiều tối ngày 7 tháng 7 năm 2021, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thông báo áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 0h ngày 9/7/2021. Thời gian áp dụng 15 ngày.
Tôi theo dõi trên mạng thì tôi thấy đúng là chính quyền không nói sự thật ngay từ ban đầu cho nên làm cho đa số người dân thành phố cảm thấy mình bị lừa, bị sốc giống như bị knock-out vậy. Người ta nhắc lại chuyện đổi tiền hồi xưa và nhắc luôn câu nói của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là ‘đừng tin những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm’. – Một người dân Thành phố Hồ Chí Minh
Nguyên tắc thực hiện của chỉ thị này là gia đình cách ly với gia đình; thôn bản cách ly với thôn bản; xã cách ly với xã; huyện cách ly với huyện; tỉnh cách ly với tỉnh; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn; đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Cũng từ 0h ngày 9 tháng 7 năm 2021, khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tạm dừng bán vé số, dịch vụ ăn uống mang về, xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ… đồng thời sẽ xử phạt người ra khỏi nhà không đúng quy định, không có lý do chính đáng. Mức xử phạt theo nghị định 117 năm 2020 là từ một đến ba triệu đồng.
Nhiều người dân thành phố cho rằng, chuyện bị ‘lừa’ như vậy từng xảy ra, đặc biệt là những lần đổi tiền sau năm 1975, nhưng họ vẫn thấy sốc.
Một người dân Thành phố Hồ Chí Minh không muốn nêu tên bày tỏ suy nghĩ của mình với RFA vào tối ngày 7 tháng 7 năm 2021:
“Tôi theo dõi trên mạng thì tôi thấy đúng là chính quyền không nói sự thật ngay từ ban đầu cho nên làm cho đa số người dân thành phố cảm thấy mình bị lừa, bị sốc giống như bị knock-out vậy. Người ta nhắc lại chuyện đổi tiền hồi xưa và nhắc luôn câu nói của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là ‘đừng tin những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm’. Nói chung, niềm tin của người dân đối với chính quyền đã xuống tới mức thấp nhất rồi.”
Người ta còn nhớ, vào năm 1985, khi tin đồn đổi tiền được lan truyền trong dân chúng thì chính quyền cho cơ quan truyền thông phản bác và khẳng định nhà nước không có kế hoạch đổi tiền. Ngày 12 tháng 9 năm 1985, trang nhất báo Tuổi Trẻ còn khẳng định “Bẻ gãy thủ đoạn tung tin đổi tiền của gian thương…” nhưng hai ngày sau, 14 tháng 9 thì có lệnh thu hồi tiền cũ và đồng loạt thay tiền mới. Lý do đưa ra là để tăng cường lợi ích của dân lao động.
Luật sư Đặng Trọng Dũng từ Sài Gòn nêu quan điểm của ông với tin phong tỏa TP.HCM:
“Ở xã hội này, những cái tin gọi là tin giả, tin không chính thức hay tin bên lề thì trước sau gì nó cũng trở thành tin thật hết. Điều đó nó gần như trở thành quy luật rồi. Có nhiều ví dụ để chứng minh những tin không chính thức sẽ trở thành chính thức, bởi vì những thông tin này bị rò rỉ từ những nguồn tin đáng tin cậy. Thành ra trước khi thông tin chính thức được loan ra thì người dân ùn ùn đi mua đồ. Cả thành phố rần rần tin như vậy.
Cái điều mà người ta mất niềm tin thì càng ngày càng diễn tiến theo diện rộng, nhưng đa số là trầm lặng. Số này nhiều lắm thế nhưng chuyện lượng biến thành chất thì mình không thể tiên đoán được. Chỉ có điều mình thấy cái nhân tâm nó rất đáng buồn. Mình cũng mong một đất nước ổn định để Mỹ họ nghĩ chơi với cộng sản cũng được vì Mỹ họ rất thực tế.”
Truyền thông Nhà nước dẫn lời ông Nguyễn Thành Phong khuyên người dân “bình tĩnh, tin tưởng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố”. Ông Phong khẳng định đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng nên người dân không cần mua tích trữ, không tập trung đông người. Ông mong người dân ủng hộ, cảm thông khi thành phố áp dụng biện pháp giãn cách, cách ly trên diện rộng.
Có lửa thì mới có khói. Phải có một quan chức, một cán bộ nào đó rò rỉ thông tin ra. Còn chuyện chính quyền phát ngôn bất nhất thì quá nhiều, quá thường rồi khiến người dân mất niềm tin, bị hụt hẫng. Chuyện này làm dân mất niềm tin thêm mà thôi. – Ông Đức
Ông Đức, người từng là sĩ quan chính trị trong quân đội từ những năm 90 cho rằng, chính những cán bộ có thẩm quyền trong chính quyền làm mất uy tín của tổ chức này khi liên tục có những phát ngôn bất nhất làm mất niềm tin của dân và chứng tỏ sự lúng túng của nhà nước trong đợt dịch bùng phát này. Ông nói:
“Có lửa thì mới có khói. Phải có một quan chức, một cán bộ nào đó rò rỉ thông tin ra. Còn chuyện chính quyền phát ngôn bất nhất thì quá nhiều, quá thường rồi khiến người dân mất niềm tin, bị hụt hẫng. Chuyện này làm dân mất niềm tin thêm mà thôi.
Nhà nước chính thức lên tiếng bác bỏ những thông tin trên mạng nhưng chưa đầy 48 tiếng sau lại xác nhận việc phong tỏa. Tôi cũng không hiểu cán bộ nhà nước họ nghĩ gì. Hình như họ xem dân là trẻ con, họ cứ nói cho đã miệng. Họ đang lúng túng, họ đang rối trong cách xử lý dịch bệnh này.
Chuyện những lời đồn trở thành sự thật dù chính quyền cố công thanh minh, cải chính từng xảy ra nhiều lần. Một trong những lần đó là trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh.
Ngày 2 tháng 1 năm 2015, trang Chân Dung Quyền lực thông báo ông Nguyễn Bá Thanh sắp về Việt Nam, và đưa ra chính xác ngày giờ về kèm theo thông tin rằng ông Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc phóng xạ. Tin đồn lan tỏa trở nên phổ biến tại Việt Nam. Các cơ quan đảng và truyền thông nhà nước đã đồng loạt lên tiếng bác bỏ, khẳng định các thông tin về sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh loan truyền trên mạng không hề có thực.
Ngày 5 tháng 1 năm 2015, truyền thông nhà nước đã xác nhận việc đưa ông Nguyễn Bá Thanh về Việt nam vào tối ngày 6 tháng 1 năm 2015 là chính xác.