Người dân mong gì nơi Chính phủ trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư?

Vui vì các chợ truyền thống ở TP.HCM được mở trở lại

Sau 11 ngày thực hiện giãn cách xã hội tại TP.HCM, theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, đa số người dân Sài Gòn hài lòng về thông tin một số chợ được phép sinh hoạt trở lại để bán hàng thiết yếu ở 18 quận của thành phố.

Trước đó, nhiều chợ bị cấm đoán nghiêm ngặt, hoàn toàn không được mua bán như ở khu vực quận Gò Vấp. Người dân ở quận này có nhu cầu mua thực phẩm thiết yếu thì phải đến các siêu thị. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến phản ánh hàng hóa trong siêu thị bị nâng giá cao và không có đủ nguồn hàng để bán. Người dân đi chợ phải mất nhiều giờ đồng hồ xếp hàng và chờ đợi đến lượt mình vào siêu thị mua thực phẩm với giá gần như gấp rưởi đến gấp đôi.

Vào ngày 19/7, Đài RFA trao đổi với một số cư dân Sài Gòn và được nghe họ chia sẻ thông tin cần thiết mà họ lan truyền trong cộng đồng là các chợ được mở lại. Bởi vì trong hơn 10 ngày qua, không ít người bị ám ảnh có thể sẽ chết đói trước khi bị nhiễm bệnh trong hoàn cảnh thực phẩm khan hiếm “gạo châu, củi quế” như thế.

Bà Nguyễn Thị Ba, ở quận Gò Vấp cho biết hàng xóm trong con hẻm nơi bà cư ngụ vui mừng đón nhận thông tin về một số chợ được mở của sinh hoạt lại, bởi vì vừa thuận lợi cho người dân đi chợ và thuận lợi cho tiểu thương buôn bán. Bà Ba nói với RFA rằng cá nhân bà cùng với bà con không lo sợ nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch COVID-19 vì Chính quyền TP.HCM đã lắng nghe phản ánh của người dân và họ tin rằng các chợ sẽ được giám sát chặt chẽ và an toàn.

“Ví dụ có thể áp dụng chia theo từng cụm: rau xanh bán theo rau xanh, củ quả bán theo củ quả, thịt gia cầm bán theo thịt gia cầm, cá bán theo cá…từng ô một và cho từng tốp vô chợ chừng 10-15 người. Còn sạp bán thì ngăn cách bằng tấm ni-lông chắn tia nước bọt. Tại vì chợ bán mỗi ngày nên người đi chợ sẽ vào mua nhanh và đi ra, đi thẳng một đường vào mua rồi đi thẳng ra, không có đường hai chiều. Như vậy, mới có hiệu quả.”

Cách ly tập trung được an toàn trong đợt dịch nghiêm trọng?

Thông tin các chợ ở thành phố thương mại lớn nhất Việt Nam được sinh hoạt trở lại từ ngày 19/7 khiến cho người dân Sài thành phần nào được yên tâm hơn về cuộc sống bớt bị xáo trộn đột ngột.

Tuy vậy, nỗi lo sợ về dịch bệnh COVID-19 trong đợt bùng phát nghiêm trọng lần thứ tư càng nặng trĩu hơn mỗi ngày.

Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến tối ngày 19/7, trong ngày cả nước có thêm 4.195 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. 

Hiện tại, khoảng một phần ba dân số Việt Nam sinh sống tại 19 tỉnh, thành phố ở miền Nam bắt đầu từ 0 giờ ngày 19/7 phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tức ở nhà và chỉ ra ngoài trong trường hợp thật khẩn cấp.

Trong khi đó giới chức ngành y tế của Việt Nam đang phải cân nhắc, tính toán các giải pháp ứng phó trong bối cảnh hàng ngàn ca nhiễm gia tăng mỗi ngày.

Chị Trâm, nhân viên làm việc tại một chi nhánh ngân hàng ở tỉnh Đồng Tháp, địa phương có các ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến, hiện đang phải cách ly ở nhà 7 ngày. Chị Trâm được xác định là F1, bị ảnh hưởng từ một đồng nghiệp được phát hiện dương tính với virus COVID-19.

Chị Trâm được đưa đi cách ly tập trung tại ký túc xá của Trường Chính trị, ở thành phố Sa Đéc trong 21 ngày. Thế nhưng, chị được cho về nhà tiếp tục cách ly sau hai tuần với hai lần xét nghiệm có kết quả âm tính.

Chị Trâm nói với RFA nơi tập trung cách ly được tổ chức tốt và chu đáo. Phòng ở thoải mái, ba bữa ăn đầy đủ và còn được cung cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu.

Thế nhưng, chị Trâm cho biết không muốn đi cách ly tập trung lần nào nữa khi trả lời câu hỏi giả định của RFA, trong trường hợp bị buộc phải tiếp tục trở lại nơi đó.

“Tôi sợ, không muốn đi nữa đâu. Tại vì lúc đi vô trong chỗ cách ly thì cũng lo sợ do có nhiều người ở đó xét nghiệm bị dương tính. Nói chung là phòng ở thì thoải mái, mọi cái đều ổn thỏa nhưng trong lòng vẫn cảm thấy lo sợ. Mình đụng tới cái cánh cửa thì cũng sợ nữa.”

Chị Trâm bày tỏ mong muốn được sớm tiêm vắc-xin phòng, chống COVID-19. Và mong muốn này cũng là nhu cầu của nhiều thành phần trong cộng đồng như người lớn tuổi, công nhân, các nhân viên làm việc trong những ngành nghề tiếp xúc nhiều.

Một ý kiến kêu gọi các cơ sở y tế tiêm vắc-xin ngừa dịch bệnh COVID-19 cần phải minh bạch thông tin rõ ràng đang được lan tỏa trên mạng xã hội ở Việt Nam những ngày qua và được cộng đồng hưởng ứng.

Vắc-xin rất quan trọng cho sinh mạng của một con người. Bởi vậy, khi chính vắc-xin thì phải cần biết xuất xứ, tên vắc-xin và các triệu chứng sau khi chích vắc-xin để còn biết cách ngừa. Do đó, mà những thông tin đó rất là cần thiết-Một cư dân ở Sài Gòn

Anh Tình, làm việc trong ngành hàng không, tại sân bay Tân Sơn Nhất và được tiêm mũi vắc-xin Astra Zeneca hai tuần trước đây. Anh Tình bộc bạch với RFA rằng anh được đọc các thông tin và chỉ dẫn khi tiêm ngừa vắc-xin Astra Zeneca. Anh Tình nói thêm rằng ý kiến trong cộng đồng về minh bạch thông tin cho người tiêm vắc-xin là điều rất cần thiết.

“Tại vì vắc-xin rất quan trọng cho sinh mạng của một con người. Bởi vậy, khi chính vắc-xin thì phải cần biết xuất xứ, tên vắc-xin và các triệu chứng sau khi chích vắc-xin để còn biết cách ngừa. Do đó, mà những thông tin đó rất là cần thiết.”

Theo ý kiến cá nhân, anh Tình cho là người dân được quyền từ chối tiêm ngừa loại vắc-xin mà họ không muốn.

“Nếu chích thuốc do Trung Quốc sản xuất thì sẽ từ chối. Tại vì thứ nhất là lo ngại chất lượng thuốc của Trung Quốc không tốt; thứ hai là những gì thuộc của Trung Quốc thì không muốn đưa vào trong cơ thể của mình. Lo sợ có tác dụng phụ, có thể diệt được vi-rút nhưng lại phát sinh những bệnh khác.”

Hàng hóa độc hại và thực phẩm tẩm hóa chất, có xuất xứ từ Trung Quốc gây ra sự sợ hãi đối với người tiêu dùng ở Việt Nam nhiều năm qua là cơ sở hiển nhiên khiến cho họ không tin cậy vào vắc-xin ngừa COVID-19, do Trung Quốc sản xuất.

Đài RFA cũng từng ghi nhận rất nhiều ý kiến của dân chúng tại Việt Nam phản đối tiêm ngừa vắc-xin của Trung Quốc.

Ảnh minh họa. 100 phần quà “Bữa Cơm Nhân Ái” của Nhóm Fiat phát cho người lao động nghèo ở một số khu trọ tại hai quận Gò Vấp và Bình Tân, TP.HCM. Courtesy of Facebook Nguyễn Huyền Trang.

Chính quyền và cộng đồng gấp rút hỗ trợ

Một trong những đề xuất được dư luận đặc biệt quan tâm là sự hỗ trơ cấp thiết nhất từ chính quyền và cộng đồng dành cho những hoàn cảnh bị đợt dịch thứ tư gây tác hại nặng nề.

Ví dụ như bác sĩ Phan Xuân Trung tha thiết kêu gọi các nhà thuốc phát miễn phí các loại thuốc Paracetamol hạ sốt, Vitamin C, nước sút họng, rửa mũi, dịch truyền…cho các gia đình F1, F0 đang cách ly tại nhà để giúp họ tự chăm sóc bản thân.

Hay như nhà báo Ngô Nguyệt Hữu, đăng tải trên tài khoản Facebook, đề nghị khẩn khoản mong Thủ tướng Chính phủ xem xét cần có một đợt vận động các thành viên Chính phủ trích xuất lương trong hai tháng tám và chín. Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu nhấn mạnh việc làm này không phải là tiền mà chủ ý là nhằm để thể hiện tinh thần lan tỏa cùng đồng lòng chống dịch với người dân.

Đề xuất vừa nêu của nhà báo Ngô Nguyệt Hữu nhận được 260 bình luận trong một tuần qua, với không ít những ý kiến ủng hộ.

Trong tình thế như thế này thì việc cấp thiết cần làm là nhà nước giảm chi phí điện nước cho người dân 50% trong vài tháng. Bây giờ, tôi ghi nhận việc hỗ trợ cho dân chưa thấy nhiều, nhưng phạt dân thì thấy rất nhiều rồi đó-Một người dân ở Quảng Ngãi

Anh Đăng Quang, ở Quảng Ngãi, vào tối ngày 19/7 nói với RFA rằng anh nhận thấy Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc về đề nghị của nhà báo Ngô Nguyệt Hữu.

Còn theo thiển ý của anh Đăng Quang thì Chính phủ cần phải nghiên cứu đến những phương án quyết liệt hơn để hỗ trợ cho người dân. Chẳng hạn như tiền thuế của người dân đóng góp vào dành chi tiêu cho quỹ xã hội thì lúc này Nhà nước nên dùng khoản tiền đó giúp cho người dân. Hay như lâu nay Chính phủ kêu gọi người dân đóng góp cho Quỹ vắc-xin chống COVID-19 thì nên minh bạch số tiền người dân đã đóng góp được bao nhiêu, đã dùng bao nhiêu tiền mua vắc-xin và khoản còn lại nên dùng giúp đỡ cho người dân.

Anh Đăng Quang và một số thính giả Đài RFA ở Việt Nam mà chúng tôi được dịp trao đổi đồng loạt kiến nghị với Chính phủ Hà Nội:

“Trong tình thế như thế này thì việc cấp thiết cần làm là Nhà nước giảm chi phí điện nước cho người dân 50% trong vài tháng.”

Đề xuất là như thế. Tuy nhiên, họ không mấy hy vọng rằng yêu cầu mà họ cho là chính đáng này được Chính phủ Việt Nam đáp ứng. Vì lời kêu gọi của họ suốt từ khi đại dịch COVID-19 hồi đầu năm 2020 vẫn không được các cấp chính quyền lắng nghe.

Trong đợt dịch nghiêm trọng bùng phát lần thứ tư này, anh Đăng Quang tự hỏi không rõ giới lãnh đạo có nhìn thấy được những gì mà người dân đang phải đối mặt hay không?

“Bây giờ, tôi ghi nhận việc hỗ trợ cho dân chưa thấy nhiều, nhưng phạt dân thì thấy rất nhiều rồi đó.”

Related posts