Các đích đến trong chuyến công du của bà Harris

Truyền thông quốc tế vừa dẫn lại thông báo của Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho hay: “Chính quyền Mỹ coi châu Á là một khu vực cực kỳ quan trọng trên thế giới. Chuyến thăm của Phó Tổng thống sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết toàn diện và quan hệ đối tác chiến lược – những yếu tố quan trọng trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại của chính quyền chúng ta”. Chuyến đi được thực hiện dựa trên thông điệp của chính quyền Biden-Harris với thế giới: “Nước Mỹ đã trở lại!” Trở lại và ở lại, để cùng với Việt Nam và ASEAN sát cánh trong các cuộc đua cùng lúc về nhiều đích…

Chạy đua với tử thần

Cấp bách hàng đầu là cuộc đua đẩy lùi đại dịch COVID-19. Số người nhiễm COVID-19 ở Mỹ lên mức cao nhất trong sáu tháng, hơn 100.000 ca nhiễm ghi nhận hôm 4/8. Các chuyên gia hàng đầu cảnh báo, những tuần tới, số ca có thể tăng gấp đôi lên đến 200.000/ngày, vì biến thể Delta. Số ca nhập viện đang gia tăng trở lại và hoành hành khắp nước Mỹ, các trung tâm y tế trở lại tình trạng báo động. Trong khi đó, ở Việt Nam, đại dịch do biến thể Delta gây ra cũng khiến trên 170.000 người bị lây nhiễm kể từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 8 này.

Mặc dầu vậy, sau khi họp với Bộ Y tế Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vẫn quyết định viện trợ cho Việt Nam khoản kinh phí 4,5 triệu đôla nhằm hỗ trợ tiêm chủng vắc-xin và nâng cao năng lực hệ thống y tế trong phòng chống dịch. Về việc mua vắc-xin, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 31 triệu liều vắc-xin Pfizer và đang làm thủ tục mua thêm 20 triệu liều nữa. Tuy nhiên, phải tới quý tư 2021, 47 triệu liều vắc-xin Pfizer từ Mỹ mới về đến Việt Nam.

So với Campuchia (63,33 liều trên 100 người), Lào (24,43 liều trên 100 người) thì số người Việt Nam chính thức được tiêm vắc-xin là quá thấp: 4,53 liều trên 100 người, tính đến 22/7/2021. Vì vậy, liên quan đến chống COVID, cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin với phái đoàn của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tại Hà Nội hôm 29/7 có giá trị hơn một biểu tượng. Tin Việt Nam nhận năm triệu liều vắc-xin Moderna, cùng với 20 triệu đô la viện trợ chống dịch từ Mỹ được loan báo trước khi ông Austin đến Hà Nội.

Do dịch bệnh căng thẳng, kể từ ngày 9/7, TP. HCM giãn cách xã hội nghiêm ngặt, bao gồm cả lệnh cấm ra đường vào buổi tối kể từ ngày 26/7. Giữa lúc ấy, vào chiều 6/8, chính quyền thủ đô Hà Nội cũng tiếp tục giãn cách xã hội cho đến ngày 23/8. Trong khi Việt Nam đang khốn đốn vì đại dịch COVID thì truyền thông trong nước nhất loạt đưa lại Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, đích danh phản đối các cuộc tập trận liên tục của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt và không tái diễn các vi phạm luật pháp quốc tế.

Lô vắc-xin của hãng Moderna về sân bay Nội Bài, Hà Nội hôm 10/7/2021. Hình: ĐSQ Mỹ tại Hà Nội

Hành động quá khích của Bắc Kinh

Kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc là mục tiêu quan trọng trong chuyến công du của bà Harris. Không ngẫu nhiên mà tuần qua, Ngoại trưởng Antony Blinken đã tích cực tham dự qua cầu truyền hình các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của khối ASEAN (AMM-54). Nhà Trắng cũng đồng thời tái xác nhận chuyến công du của Phó Tổng thống Harris tại hai đối tác quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á là Singapore và Việt Nam từ ngày 22 đến 26/8. Việc người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ tham gia các cuộc Hội nghị marathon suốt tuần qua và tái xác nhận chuyến viếng thăm của bà Harris cho thấy quyết tâm mới của chính quyền Biden đối với sự hung hăng từ Trung Quốc.

Ngày 6/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc trong một cuộc họp với Ngoại trưởng các nước châu Á và các quốc gia đối tác. Phát biểu tại cuộc họp Diễn đàn Khu vực châu Á (ARF), tập họp hơn hai chục nước, ông Blinken cũng kêu gọi Trung Quốc ngưng các thái độ “khiêu khích” tại Biển Đông, đồng thời nêu lên những quan ngại nghiêm trọng về vi phạm nhân quyền đang diễn ra tại Tây Tạng, Hong Kong và Tân Cương.

Trong một bài viết trên The Bangkok Post ngày 3/8 mang tựa đề “Mỹ thúc giục ASEAN đứng lên chống Trung Quốc”, bỉnh bút Kavi Chongkittavorn, đã phân tích về tính khả thi của chiến lược được chính Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin nêu bật tại Singapore ngày 27/07. Ý tưởng xuyên suốt được ông Austin nêu bật là Hoa Kỳ muốn thấy ASEAN đứng lên chống lại Trung Quốc mà không cần phải chọn phe, cùng lúc với việc lôi kéo Trung Quốc cùng can dự với Mỹ trong các lĩnh vực có lợi ích chung.

Chính quyền Biden tin rằng các mục tiêu này có thể đạt được thông qua khả năng “răn đe tích hợp”, đòi hỏi các đồng minh và bạn bè phải cùng nhau tham gia bằng cách sử dụng các khả năng hiện hữu và triển khai tất cả các khả năng này theo những phương cách mới được kết nối với nhau. Tham luận của ông Austin tại Singapore không quá cứng rắn nhưng cũng không quá mềm mỏng đối với Trung Quốc, nhằm tránh gây phản ứng không hay ở một số nước Đông Nam Á không muốn “chọn bên” giữa Bắc Kinh và Washington.

Bảo vệ luật pháp quốc tế

Một viên chức cao cấp Nhà Trắng cho truyền thông biết hôm 4/8 rằng bà Harris sẽ tập trung vào vấn đề bảo vệ luật pháp quốc tế trên Biển Đông, bảo vệ trật tự dựa trên nguyên tắc và luật lệ, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Mỹ và mở rộng hợp tác về an ninh trong vùng. Viên chức giấu tên này nói, Washington tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực đối phó với thế lực toàn trị Trung Quốc. Trong quá trình này, Mỹ coi bang giao Mỹ – Việt là đối tác quan trọng của nhau, do vị trí địa lý, tầm vóc nền kinh tế và quan hệ thương mại.

Việt Nam thường có tiếng nói mạnh mẽ chống lại đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Các quốc gia khác trong khu vực cũng hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ, trong bối cảnh Bắc Kinh quân sự hóa các đảo nhân tạo, tàu tuần duyên và dân quân biển Trung Quốc tràn ngập vùng biển này. Viên chức Nhà Trắng nói trên Tuyên bố: “Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ nước nào thống trị khu vực, hoặc lợi dụng thế áp đảo để làm phương hại đến chủ quyền của các nước khác”.

Phó tổng thống Mỹ Harris sẽ nhấn mạnh đến tự do hàng hải trên toàn Biển Đông. Chuyến đi của bà Harris tiếp theo chuyến viếng thăm Hà Nội của Bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin vào hạ tuần tháng 7/2021, với mong muốn siết chặt quan hệ an ninh. Tuần qua, ngoại trưởng Antony Blinken cũng đã tham gia một loạt các cuộc họp trực tuyến của khu vực, nhằm chứng tỏ sự cam kết của Hoa Kỳ đối với ASEAN.

Tại Diễn đàn An ninh Aspen hôm 3/8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hoan nghênh các chuyến thăm cấp cao “rất có giá trị của Mỹ”. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ quan ngại trước tình trạng quan hệ Mỹ  Trung đang xấu đi. Phái đoàn thường trực của New Zealand tại Liên Hiệp Quốc đã gởi công hàm đề ngày 2/8 nhấn mạnh sự phản đối cái gọi là “quyền lịch sử” trên Biển Đông, vì nó không hề có cơ sở pháp lý, kêu gọi tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016.

000_9H62ZG.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang duyệt đội danh dự ở Hà Nội hôm 29/7/2021. Hình: AFP

Hy vọng kết hợp với Bộ Tứ

Một trong những yếu tố quan trong được nhà phân tích Kavi Chongkittavorn ghi nhận là vị trí mà Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ muốn dành cho ba nước Đông Nam Á – Singapore, Việt Nam và Philippines – trong cấu trúc tập thể về an ninh khu vực.  Cho nên không có gì ngạc nhiên khi Phó tổng thống Kamala Harris sẽ thăm Singapore và Việt Nam vào tháng tới để thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương. Theo chuyên gia Thái Lan, không thể bỏ qua khả năng Singapore, Việt Nam có thể hợp tác riêng với nhóm Bộ Tứ dưới hình thức nào đó. Tại hội nghị thường niên AMM-54, các Ngoại trưởng ASEAN đã thảo luận kế hoạch “Tầm nhìn ASEAN về Indo-Pacific” (AIOP) để đảm bảo sao cho kế hoạch này luôn là khuôn khổ chính của kiến trúc khu vực, bảo đảm “vai trò trung tâm” của ASEAN.

Rất khó để dự đoán liệu có thành viên ASEAN nào sẵn sàng gia nhập Bộ Tứ hay không. Với việc Hoa Kỳ đang thúc đẩy cách tiếp cận theo hướng hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh và bạn bè trên toàn thế giới, các bên liên quan chắc chắn sẽ bàn thảo kỹ khả năng này. Bởi vì, theo chuyên gia này, bất cứ một thành viên ASEAN nào quyết định liên kết với Bộ Tứ theo bất kỳ công thức nào sẽ ngay lập tức có nguy cơ làm suy yếu cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn đầu.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã không đề cập đến “tính chất trung tâm” của ASEAN. Thay vào đó, ông lại dùng cụm từ “vai trò trung tâm của ASEAN” vốn được các nhà ngoại giao Mỹ thường xuyên sử dụng trong giai đoạn trước năm 2016, thời cựu tổng thống Obama, để mô tả ASEAN. Đối với nhà phân tích Thái Lan, ông Austin đang nhắm tới ảnh hưởng trong tương lai của Bộ Tứ đối với kiến trúc khu vực Đông Nam Á.

Cổ võ các giá trị phổ quát

Mục tiêu sau cùng là vấn đề dân chủ – nhân quyền, vốn là bộ phận cấu thành trong chính trị đối ngoại của Mỹ nói chung. Hôm 4/8, Thượng Nghị sĩ John Cornyn đã kêu gọi Ngoại trưởng Blinken có biện pháp mạnh mẽ về nhân quyền trong khi hợp tác với Việt Nam về an ninh và quốc phòng. Thượng Nghị sĩ Cornyn viết trong thư gửi ông Blinken: “Việt Nam chứng tỏ có giá trị chiến lược trong khu vực Indo-Pacific và vẫn là một đối tác được chào đón về mặt hợp tác an ninh. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam tiếp tục chứng tỏ các hành động đáng quan ngại về nhân quyền, tự do tôn giáo”.

TNS Cornyn yêu cầu Ngoại trưởng Blinken giải trình về những việc Bộ Ngoại Giao đang thực hiện để nâng vấn đề dân chủ – nhân quyền trong chính sách đối ngoại với Việt Nam. Vẫn theo thông báo của văn phòng bà Harris, trong các cuộc gặp cuối tháng này với các quan chức chính phủ, khu vực tư nhân và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự, Phó tổng thống Harris sẽ chia sẻ tầm nhìn của chính quyền Biden về một “Indo-Pacific tự do và rộng mở” (FOIP), nêu ra các vấn đề thương mại và an ninh, bao gồm Biển Đông, và thúc đẩy hợp tác kinh tế.

Các mục tiêu thượng dẫn không phải là duy nhất trong chuyến công du sắp tới của bà Harris. Tổng phổ của các khía cạnh chiến lược trong quan hệ Việt – Mỹ có được khẳng định để thành khuôn khổ quan điểm chung giữa hai nước hay không, giờ này chưa ai có thể xác quyết chắc chắn. Chỉ biết rằng, các chuyến thăm của các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ tới Việt Nam nhằm để thúc đẩy sự hiểu biết chung và từng bước tạo dựng lên lòng tin chiến lược ấy.

Theo tờ “Quốc tế” của Bộ Ngoại giao Việt Nam, “đối tác chiến lược Việt – Mỹ” phụ thuộc vào tính toán của mỗi bên. Quan hệ song phương Việt – Mỹ khá toàn diện, có những yếu tố mang tính chiến lược, có mặt còn hơn một số đối tác chiến lược khác. Định danh không phải là điều quan trọng nhất. Quyết định vẫn là tính thực chất, hiệu quả và sự bền vững của mối quan hệ. Điều đó đang được các bên thực thi và cam kết tiếp tục củng cố, phát triển. Tờ “Quốc tế” chốt hạ: “Cái gì cần, đúng thời điểm, nhất định sẽ diễn ra”.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts