Chống tham nhũng “không ngừng nghỉ”
“Phòng, chống tham nhũng thời gian tới phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, không ngừng, không nghỉ và chỉ có tiến lên”.
Đó là tuyên bố của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, diễn ra vào ngày 5/8 vừa qua.
Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trong sáu tháng đầu năm 2021, được nêu ra tại phiên họp, cho thấy ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 70 tổ chức đảng và hơn 8.000 đảng viên; trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.
Báo cáo cũng cho biết có 1.850 vụ án mới bị khởi tố liên quan đến tham nhũng trong sáu tháng đầu năm 2021; đồng thời, cũng đã xét xử kịp thời bốn vụ án tham nhũng trọng điểm: vụ tại Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ, Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam; vụ tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên; vụ tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM; vụ Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tại phiên họp, cho biết các cơ quan khẩn trương đưa ra xét xử năm vụ án trọng điểm khác trong năm 2021.
Trong vai trò chủ trì phiên họp lần thứ 20, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu công tác chống tham nhũng “phải làm mạnh hơn, quyết liệt hơn” và phải “nhân văn, nhân đạo, rất có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục”.
Trước đó, tại phiên họp đầu tiên kỳ họp 11 của Quốc hội diễn ra vào ngày 23/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng được triển khai quyết liệt và có hiệu quả, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răng đe, cảnh tỉnh lớn”.
Thật ra, công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam giống như là một công tác ‘quảng bá’ cho bản thân ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đúng hơn. Tại vì, khi ông Trọng buộc tội hoặc đưa vào tù những quan chức này thì sẽ ‘lấp’ về những quan chức khác. Thực sự, những quan chức khác đó có tốt hơn những quan chức cũ hay không thì lại là một vấn đề nữa. – Blogger Đỗ Ngà
Giới quan sát: “Hiệu quả chống tham nhũng là không hiệu quả”
Blogger Đỗ Ngà, một người theo dõi sát sao tình hình chính trị-xã hội Việt Nam, vào tối ngày 10/8, lên tiếng với RFA liên quan phát biểu cùng tuyên bố của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công cuộc chống tham nhũng do chính ông Trọng phát động từ năm 2016.
“Hiệu quả là không có hiệu quả. Bởi vì, xảy ra tham nhũng là bản chất của bộ máy công quyền này. Bản chất của một Nhà nước nào không minh bạch thì tạo cơ hội cho tham nhũng. Trong khi đó, tất cả những số liệu mà người dân yêu cầu minh bạch thì không bao giờ họ minh bạch. Bộ máy từ thời các Tổng bí thư trước đó cho đến bây giờ thì vẫn như vậy, có khác thì khác nhau về tham nhũng thôi.”
Blogger Đỗ Ngà dẫn chứng các vụ án tham nhũng được phanh phui và khởi tố ngày càng nhiều chỉ là bề nổi của tảng băng ‘tham nhũng” tại Việt Nam. Bằng chứng là các vụ án tham nhũng càng ngày càng nghiêm trọng, với quy mô lớn hơn và có sự tham gia, dính líu của giới chức lãnh đạo cấp cao như các cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến…
“Thật sự ra, chống tham nhũng không hiệu quả bằng phòng tham nhũng. Giống như chúng ta ở trong một căn nhà thì phòng cháy vẫn tốt hơn chữa cháy. Chữa cháy thế nào thì căn nhà cũng rụi rồi. Cho nên phải nói đến tận gốc rễ, nói rộng hơn là thay đổi thể chế còn hẹp hơn là thay đổi những cơ chế nhỏ trong đó. Cả hai lĩnh vực này thì bộ máy của Đảng Cộng sản Việt Nam đều chưa thực hiện được. Cho nên theo tôi nghĩ, chống tham nhũng xong thì bộ máy vẫn như xưa.”
Qua một lần trao đổi với RFA liên quan công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam, TS. Nguyễn Quang A, hồi hạ tuần tháng 4/2021 nói rằng để chống tham nhũng được hiệu quả thì Việt Nam phải cần xây dựng bốn thể chế quan trọng. Đó là “thượng tôn pháp luật, tư pháp độc lập, báo chí tự do và có các tổ chức xã hội dân sự hoạt động lành mạnh và sôi động”.
Trong cùng thời điểm hạ tuần tháng 4/2021, TS. Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm của ông với RFA rằng chống tham nhũng ở Việt Nam phải kết hợp nhiều hoạt động. TS, Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh một trong những hoạt động quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của các bên liên quan; trong đó có người dân, hướng họ tới sứ mệnh phụng sự đất nước.
Theo ghi nhận của truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong thực tiễn có không ít những trường hợp tố cáo tham nhũng lại bị trù dập, trả thù.
Đơn cử, trường hợp thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một giáo viên được biết đến như là tấm gương chống tiêu cực trong ngành giáo dục, hồi trung tuần tháng 3/2021 đã chia sẻ với RFA:
“Tôi có thể thấy mặc dù chủ trương của chính quyền là bảo vệ khen thưởng người tố cáo, nhưng việc trả thù, trù dập người tố cáo diễn ra thường xuyên và chưa bao giờ chấm dứt. Chưa bao giờ người trả thù, vùi dập người tố cáo ấy mà bị xử lý thích đáng. Họ bao che bưng bít nhau, và tôi cũng thấy hiếm khi nào người đứng đầu quốc gia lên tiếng trừng phạt những người chuyên quyền đã vùi dập người đấu tranh tố cáo. Như trường hợp của tôi bị hiệu trưởng cũ vùi dập bảy năm không nâng lương, thuê xã hội đen đánh mình, làm đủ trò mặc dù mình là người được quan chức cả nước biết đến nhưng ông ấy vẫn thách thức, không hề bị xử lý.”
Như trường hợp của tôi bị hiệu trưởng cũ vùi dập bảy năm không nâng lương, thuê xã hội đen đánh mình, làm đủ trò mặc dù mình là người được quan chức cả nước biết đến nhưng ông ấy vẫn thách thức, không hề bị xử lý-Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Ông Trọng quyết tâm chống tham nhũng để “đánh bóng” tên tuổi?
Blogger Đỗ Ngà đưa ra nhận định của ông về quyết tâm chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ nhằm mục đích “đánh bóng” tên tuổi:
“Thật ra, công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam giống như là một công tác ‘quảng bá’ cho bản thân ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đúng hơn. Tại vì, khi ông Trọng buộc tội hoặc đưa vào tù những quan chức này thì sẽ ‘lấp’ về những quan chức khác. Thực sự, những quan chức khác đó có tốt hơn những quan chức cũ hay không thì lại là một vấn đề nữa.
Rõ ràng từ trước tới giờ qua các thời Tổng bí thư thì ông Trọng chống tham nhũng quyết liệt nhất. Tức là thành tích của ông Trọng, thành tích để tô hồng cho bản thân ông Trọng rất là ấn tượng. Nhưng mà sau khi ông Trọng chống tham nhũng thì bộ máy được sạch hơn hay không. Đó mới là vấn đề quan trọng, trong khi hầu hết người dân không quan tâm đến vấn đề sau chống.”
Đài RFA ghi nhận một số nhà quan sát tình hình Việt Nam nhận định công cuộc chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động, thực chất là các cuộc “thanh trừng” phe nhóm nội bộ lẫn nhau.
Tiến sĩ-Bác sĩ Đinh Đức Long, người tuyên bố từ bỏ Đảng CSVN từ năm 2014, nêu lên quan điểm của ông với RFA hồi cuối tháng 12/2020 rằng:
“Một khi cương lĩnh chính trị của Đảng là cao nhất, hơn cả Hiến pháp, thì mọi hành vi chống tham nhũng dưới bất kỳ hình thức nào, bất kỳ thời gian nào cũng chỉ là để bảo vệ lợi ích của Đảng, chứ không phải là bảo vệ lợi ích của Dân.”
Một báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng toàn cầu năm 2018, đã xếp Việt Nam hạng 117/180. Hạng này tụt 10 bậc so với năm trước đó. Tuy nhiên, chỉ số này năm 2020 của Việt Nam tăng lên 104/180. Tổ chức Hướng tới Minh bạch (Towards Transparency) nhận định Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) của Việt Nam có xu hướng cải thiện khá tích cực, cho thấy Việt Nam đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng nhưng cần phải quyết liệt và mạnh mẽ hơn.