Thực tế tăng trưởng và thách thức
Tổng cục Hải quan, vào ngày 9/8, cho biết Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong bảy tháng đầu năm 2021 đạt gần 9,6 tỷ USD.
Số liệu thống kê của cơ quan này cho thấy tỷ lệ xuất khẩu gỗ tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020. Và ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam được giới chuyên gia đánh giá có mức tăng vượt trội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trước đó vào ngày 8/8, Global Trade Magazine dẫn báo cáo của IndexBox cho thấy Hoa Kỳ nhập khẩu sản phẩm gỗ phòng ăn tăng 22% trong năm 2020. Trong đó, Việt Nam được cho là vượt qua Trung Quốc, trở thành nhà xuất khẩu sản phẩm gỗ phòng ăn lớn nhất vào Mỹ, gia tăng từ 224 triệu USD lên 487 triệu USD.
Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương, ông Điền Quang Hiệp, nói với báo chí quốc nội rằng các thị trường xuất khẩu gỗ của ngành chế biến gỗ tại Bình Dương đang tăng mạnh. Theo đó, thị trường Mỹ chiếm hơn 65%, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Hiệp cho biết thêm hiện tại một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Bình Dương đang thuê thêm đất mở xưởng để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu vào Mỹ.
Vào tối ngày 12/8, Đài RFA trao đổi với một nhân viên kinh doanh của Công ty Cổ phần Gỗ Đức Thành, trụ sở ở TP.HCM và được nhân viên ẩn danh này xác nhận rằng công ty nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu gỗ dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, nhân viên của Công ty Gỗ Đức Thành cho biết công ty và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ đang đối mặt với nhiều thách thức.
Vận chuyển đường biển bị đình trệ, vì do thiếu container nên giá cước phí tăng cao. Mặc dù đa số đơn hàng sản phẩm gỗ xuất khẩu bán theo giá FOB (giá giao hàng tới cảng xuất) và khách hàng trả cước phí vận chuyển, thế nhưng quá trình vận chuyển hàng bị chậm và đơn hàng bị treo, không thể thanh toán.
Hiện tại, không ít doanh nghiệp ngành gỗ gặp khó khăn trong khâu sản xuất khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát hồi đầu tháng bảy đến nay.
Hiện tại, gỗ mua từ nước ngoài cũng có nhưng tỷ lệ nhỏ thôi. Đa số còn lại thì công ty kết hợp với các công ty nguồn cung và họ đảm bảo đầu vào cho công ty. Nguồn gỗ đó là gỗ rừng trồng và các công ty cung ứng cam kết cung cấp cho công ty chúng tôi-Nhân viên Công ty Gỗ Đức Thành
Nhân viên của Công ty Gỗ Đức Thành chia sẻ:
“Hiện tại, khâu sản xuất bị hạn chế rất nhiều. Doanh nghiệp muốn sản xuất được thì phải có hai hình thức. Một là ‘3 tại chỗ’: công nhân ăn ở tại chỗ, sinh hoạt-ngủ nghỉ tại chỗ và làm việc tại chỗ. Hoặc là tổ chức cho công nhân di chuyển. Tức là một cung đường có hai nơi đến: công nhân được tịnh tiến đến nơi ở xa nơi làm việc một chút. Sau khi làm việc xong, công nhân không được tự do đi mà công ty phải tổ chức đưa rước họ về ký túc xá ở một nơi xa chỗ làm việc. Do đó, doanh nghiệp phải chịu chi phí rất nhiều. Đó là những khó khăn trong việc tổ chức sản xuất.”
Trả lời câu hỏi của RFA về nguồn cung vật liệu gỗ bị hạn chế hay không, khi ngành xuất khẩu gỗ của Việt Nam gia tăng vượt trội, nhân viên Công ty Gỗ Đức Thành chia sẻ thêm:
“Hiện tại, gỗ mua từ nước ngoài cũng có nhưng tỷ lệ nhỏ thôi. Đa số còn lại thì công ty kết hợp với các công ty nguồn cung và họ đảm bảo đầu vào cho công ty. Nguồn gỗ đó là gỗ rừng trồng và các công ty cung ứng cam kết cung cấp cho công ty chúng tôi.”
Nguồn cung gỗ ‘sạch’?
Ông B., một cựu cán bộ thuộc ngành lâm nghiệp ở Lâm Đồng, lên tiếng với RFA rằng các dự án trồng rừng tại Việt Nam không thể có kết quả như kế hoạch của Chính phủ Việt Nam đề ra.
“Trước đến giờ tôi làm trong lâm nghiệp thì ghi nhận rừng trồng cũng bị phá nát luôn. Bây giờ gần như rừng trồng cũng không còn. Đơn vị kiểm lâm và các lâm trường nào cũng có đất của họ. Họ lựa chỗ ‘ngon’ để ‘thịt’ hết. Họ mướn người ta làm, cứ một đêm thì trả công từ 500 ngàn đến một triệu đồng/người để dọn sạch một-hai sào trong một đêm. Nói là dự án rừng trồng, chứ 1.000 héc-ta thì chỉ trồng khoảng 300 héc-ta thôi. Còn lại là họ lấy đất, ‘thịt’ cây rừng’…”
Ông B. tiếp lời rằng rừng ở Việt Nam bị trụi lủi từ hơn một thập niên qua. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gỗ ở trong nước chủ yếu lấy nguồn vật liệu từ Campuchia và Lào.
“Lấy toàn gỗ nước ngoài. Việt Nam bị cạn kiệt hết rồi. Chẳng qua còn lại rừng cấm, nhưng số lượng nhỏ thôi. Hiện tại gỗ ở Việt Nam là từ Campuchia. Gỗ Cẩm Lai, Gõ, Ván Hương…to bự đều đi đường lậu từ Campuchia vô Việt Nam. Đi đường này là của các doanh nghiệp lớn, liên quan đến khai thác lậu bên Campuchia đưa qua.”
Theo ghi nhận của ông B., một số doanh nghiệp gỗ ở Việt Nam còn qua đến Châu Phi để tìm mua gỗ. Ông B. có hai người cháu làm việc cho một doanh nghiệp gỗ Việt Nam, nhưng đang ở Cameroon để cùng những nhân viên khác khai thác gỗ và sau đó chuyển về Hải Phòng.
Đài RFA cũng tiếp xúc được với bà Mầm, ở Trị An, Đồng Nai. Gia đình của bà Mầm nhiều năm khai thác gỗ ở Campuchia và vận chuyển theo đường sông, xuôi dòng Mekong trong mùa mưa về Việt Nam.
“Đi thì phải chung chi cho phía Campuchia. Ví dụ như một nhân viên (kiểm lâm) đó trực thì phải cho tiền nhân viên đó và chờ tới phiên người đó trực thì mới lăn gỗ xuống được. Còn qua ca trực khác, nếu muốn nhanh thì phải chung tiền cho nhân viên mới nữa. Khi gỗ ‘trôi’ dưới sông thì không ai bắt hết. Một chuyến đi cả một-hai tháng. Trung bình một chuyến lời được 100 triệu đồng, sau khi chung-chi hết rồi đó.”
Bà Mầm cho biết về đến địa phận biên giới Việt Nam thì cũng phải “chung-chi” cho bộ đội biên phòng, công an…
Những chuyến đi gỗ dài một-hai tháng của gia đình bà Mầm từ Campuchia về, sẽ bán cho một công ty “đầu mối” gỗ ở tại địa điểm rừng của Việt Nam.
“Nguyên một bãi gỗ của họ ở trên rừng bên phía Việt Nam. Doanh nghiệp muốn mua loại gỗ gì thì lên bãi coi và họ ra giá bán. Nguyên một bãi gỗ chỉ có một số cây chính đã qua nhà nước kiểm nghiệm (có mọc, có thẻ) và chất ở phía trên. Còn phía dưới là gỗ lậu. Khi bán, họ rút những cây gỗ lậu để bán. Mua xong thì doanh nghiệp tự điều xe lên chở gỗ về. Bởi vậy trên đường vận chuyển, có những chốt phát hiện ra gỗ lậu thì bị bắt.”
Cựu cán bộ thuộc ngành lâm nghiệp ở Lâm Đồng, ông B. xác nhận thông tin qua chia sẻ của bà Mầm:
“Có đường dây hết. Mua bán trên rừng với nhau, liên quan nhiều khâu lắm. Ví dụ, bên quân đội thì lấy giấy (phép) của Bộ Quốc phòng, còn bên công an thì tương tự…Nói chung đa số là phá hết. Việt Nam không còn gì nữa đâu.”
Lấy toàn gỗ nước ngoài. Việt Nam bị cạn kiệt hết rồi. Chẳng qua còn lại rừng cấm, nhưng số lượng nhỏ thôi. Hiện tại gỗ ở Việt Nam là từ Campuchia. Gỗ Cẩm Lai, Gõ, Ván Hương…to bự đều đi đường lậu từ Campuchia vô Việt Nam. Đi đường này là của các doanh nghiệp lớn, liên quan đến khai thác lậu bên Campuchia đưa qua-Ông B., cựu cán bộ lâm nghiệp
Rủi ro và hậu quả
Hồi hạ tuần tháng 6/2016, ông Nguyễn Xuân Phúc, trong vai trò Thủ tướng, cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ đóng cửa rừng tự nhiên và quyết tâm ngăn chặn nạn phá rừng.
Đến trung tuần tháng 10/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc bấy giờ yêu cầu tiếp tục đóng cửa rừng và các địa phương phải xiết chặt kỷ cương, kỷ luật bảo vệ và phát triển rừng.
Ông B., cho RFA biết tình hình thực tiễn liên quan lệnh đóng cửa rừng của Chính phủ Việt Nam.
“Nghiêm ở một mặt nào đó thôi, chứ dân đi xẻ gỗ lậu thì có đường dây riêng của họ. Thêm vào đó, họ móc nối với ban kiểm lâm và cũng phe phái để ăn chia với nhau từ trong rừng cấm đó. Không bao giờ có chuyện nghiêm ngặt hoàn toàn ở một rừng cấm nào hết.”
“Có đường dây của kiểm lâm. Kiểm lâm nhắn tin là ngày đó, nhân viên kiểm lâm đó trực thì ‘Đi’. Họ chỉ cần nhắn tin ‘Đi’ hay “Ở’, chỉ vậy thôi, không nói nhiều. Sau đó thì buổi chiều trong ngày, hay nửa tháng-một tháng sau thì có người mang tiền đến cho nhân viên kiểm lâm đó.”
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin sau ba năm Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, Bộ Nông nghiệp-Phát triển & Nông thôn báo cáo tình trạng mất rừng có giảm nhưng các vụ vi phạm vẫn diễn ra.
Theo đó, tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép vẫn diễn ra ở một số địa phương với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Song song đó, một bộ phận cán bộ quản lý bị quy cho thiếu trách nhiệm, thậm chí còn tiếp tay cho phá rừng và buôn lậu gỗ.
Đài RFA ghi nhận nạn phá rừng trầm trọng không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà một vài doanh nghiệp của Việt Nam bị cáo buộc phá rừng tại hai quốc gia Đông Dương còn lại.
Đơn cử, Tổ chức Nhân quyền Global Witness, hồi năm 2013, cáo buộc Tập đoàn hoàng Anh Gia Lai có hành vi lấn chiếm đất đai, hủy hoại môi trường và xã hội ở Campuchia và Lào.
Không dừng lại ở đó, vào cuối tháng 5/2020, nhật báo South China Morning Post đăng tải bài xã luận nhắm vào tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, với nhan đề “ Một tập đoàn Việt Nam có liên kết với Ngân hàng Thế giới bị cáo buộc tàn phá đất đai của người bản địa ở Campuchia”.
Trước cáo buộc này, Tập đoàn tài chính Quốc tế (IFC), thuộc World Bank, cho biết đang tiến hành điều tra sự việc.
Nguyên một bãi gỗ của họ ở trên rừng bên phía Việt Nam. Doanh nghiệp muốn mua loại gỗ gì thì lên bãi coi và họ ra giá bán. Nguyên một bãi gỗ chỉ có một số cây chính đã qua nhà nước kiểm nghiệm (có mọc, có thẻ) và chất ở phía trên. Còn phía dưới là gỗ lậu. Khi bán, họ rút những cây gỗ lậu để bán. Mua xong thì doanh nghiệp tự điều xe lên chở gỗ về. Bởi vậy trên đường vận chuyển, có những chốt phát hiện ra gỗ lậu thì bị bắt-Bà Mầm
Trở lại thông tin Việt Nam xuất khẩu gỗ vượt trội trong năm 2021 dưới điều kiện hạn chế do dịch COVID-19, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, ông Bùi Chính Nghĩa cho báo giới Việt Nam biết kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 sẽ tăng mạnh vào thị trường Châu Âu cùng với các thị trường bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Hong Kong.
Ông Bùi Chính Nghĩa cho biết thêm rằng xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Mỹ tăng vượt trội bởi do sự dịch chuyển đơn hàng từ thị trường Trung Quốc, bị Mỹ áp thuế ở mức 25%.
Giới chuyên gia cho rằng mặc dù đây là một tín hiệu lạc quan của ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam, tuy nhiên đang tiềm ẩn những rủi ro do Hoa Kỳ sẽ gia tăng các biện pháp bảo hộ đối với những mặt hàng tăng trưởng đột biến.
Đồng thời, giới chuyên gia cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam cần phải cẩn trọng, tránh trở thành nơi trung chuyển hàng hóa cho quốc gia thứ ba. Trong trường hợp Mỹ ra lệnh trừng phạt ngành gỗ của Việt Nam thì xuất khẩu gỗ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.