Một số người dùng mạng xã hội Tik Tok và Facebook ở Việt Nam đang tham gia vào một cuộc tranh cãi gay gắt về bản chất của cuộc Chiến tranh Việt Nam. Điều đáng chú ý là cuộc tranh luận này nổ ra chỉ vì một câu trong bài hát Gia tài của mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Trước đó, một vài người dùng mạng xã hội Tik Tok ở Việt Nam đã dùng bài hát Gia tài của mẹ để làm nhạc nền cho các video của họ, vì là những người có lượng người theo dõi cao nên việc sử dụng bài hát trên đã trở nên thịnh hành, kéo theo đó là lời của bài hát cũng được đem ra mổ xẻ.
Trong đó, câu “20 năm nội chiến từng ngày” được đặc biệt chú ý.
Nhiều người sử dụng mạng xã hội Tik Tok sau đó đã thể hiện sự đồng tình với quan điểm cuộc chiến tranh 1954-1975 là một cuộc nội chiến, trái với quan điểm chính thống mà Nhà nước đưa ra từ trước tới nay, vốn gọi đó là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Tranh cãi về tên gọi
Ngay sau đó, những trang Facebook được biết rộng rãi là tuyên truyền quan điểm của Nhà nước, điển hình như trang Tifosi đã đăng đàn chỉ trích những cá nhân sử dụng bài hát Gia tài của mẹ, và những người sử dụng từ nội chiến. Trang này cáo buộc họ là “xúc phạm lịch sử”, “không yêu nước”, và “thiếu hiểu biết”.
Hàng chục ngàn bình luận đã được đưa ra bởi những người phản đối việc gọi cuộc chiến 1954-1975 là nội chiến. Nguyễn Xuân Tài, một bạn trẻ sống ở TP. Hồ Chí Minh là một trong số đó. Trả lời phỏng vấn của RFA, Tài cho biết lý do anh không ủng hộ việc gọi cuộc chiến tranh Nam-Bắc là nội chiến:
“Tôi thấy là cái việc mà những người có tầm ảnh hưởng, có những cái nhận định là cuộc chiến này là nội chiến, đối với tôi đó là một quan điểm sai. Bởi vì trong suốt quá trình lịch sử Việt Nam có rất nhiều cuộc nội chiến như là 12 Sứ quân hay là Trịnh-Nguyễn phân tranh, nhưng mà Chiến tranh Việt Nam thì chưa bao giờ là nội chiến cả.
Và cái chính quyền Việt Nam Cộng Hoà ở miền nam nó không được thừa nhận bởi vì nó không phải là một chính quyền do nhân dân lập nên mà là do Mỹ lập nên. Và kể cả trong nhân dân miền nam thì cũng có một chính quyền được nhân dân ủng hộ, đó là Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền nam.”
Nguyễn Xuân Tài cũng cho rằng những người gọi cuộc Chiến tranh Việt Nam là nội chiến rất có thể đã đọc phải những thông tin do Mỹ đưa ra, hoặc thông tin đến từ những người có “tư tưởng phản động”.
Ở chiều ngược lại, cũng không ít người Việt Nam thuộc thế hệ trẻ đã có cái nhìn về cuộc chiến tranh trước năm 1975 thoát ra khỏi khuôn khổ sách giáo khoa. Anh Nguyễn Sơn đến từ Hà Nội cho RFA biết góc nhìn của anh về thời kỳ lịch sử này:
“Nó là một cuộc nội chiến nhưng mà cái tính chất của nó lại vượt ra ngoài một cuộc nội chiến thông thường. Nếu tính về chuyện tại sao lại là nội chiến thì nó đúng là vẫn trên cùng một vùng lãnh thổ là Việt Nam nhưng mà chia ra làm hai chính quyền, mỗi chính quyền ở một miền, và hai chính quyền xảy ra một cuộc chiến tranh với nhau để thống nhất.
Thì cái tính chất nội chiến của nó là do đây là cuộc chiến chủ yếu là giữa người Việt với người Việt.”
Anh Sơn cũng cho rằng Chiến tranh Việt Nam còn là cuộc chiến uỷ nhiệm giữa hai khối ý thức hệ đối nghịch nhau ở thời điểm bấy giờ là khối Cộng Sản và khối Tự Do.
Từ góc nhìn Công pháp Quốc tế
Cũng có ý kiến cho rằng các cuộc thảo luận về lịch sử ở Việt Nam mang nặng tính ý thức hệ, và có ít không gian cho việc thảo luận học thuật, phần là vì chính sách giáo dục và phần là vì chính sách kiểm duyệt.
RFA phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Tấn Trung, chuyên gia công pháp quốc tế, để tìm kiếm một góc nhìn khác nằm ngoài phạm vi ý thức hệ của các bên ở Việt Nam.
Ông Trung cho biết có sự khác nhau về cách gọi tên cuộc chiến ở các thời kỳ và góc độ khác nhau, nhưng trước hết thì cần phải xác định các bên tham chiến là những ai.
“Mình sẽ xác định bên tham chiến là những ai, đầu tiên là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hay còn gọi là Bắc Việt, anh thứ hai là Việt Nam Cộng Hoà hay Nam Việt, rồi chúng ta có Hoa Kỳ và các quốc gia Đồng Minh, và cuối cùng là một cái anh không có tư cách quốc gia giống ba anh còn lại, thì là Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền nam Việt Nam.”
Ông Trung cho biết, theo quan điểm quốc tế thì lực lượng Mặt trận được coi là một lực lượng phiến quân nằm bên trong miền nam Việt Nam, hoạt động với mục đích lật đổ hệ thống chính trị của miền nam Việt Nam, và trong thời kỳ chiến tranh chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã phủ nhận bất cứ sự liên hệ nào giữa họ với lực lượng Mặt trận.
“Trong pháp luật quốc tế, khi nói vế tranh chấp thì không sử dụng thuật ngữ kháng chiến hay là chiến tranh vệ quốc, hay là chiến tranh giải phóng, mà nó đưa ra hai khái niệm cụ thể; đầu tiên là xung đột vũ trang quốc tế và thứ hai là xung đột vụ trang phi quốc tế. Thì chúng ta dựa trên tư cách chủ thể của những bên tham chiến để xác định cuộc chiến này là chiến tranh như thế nào.”
Do vậy, nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đánh nhau với Hoa Kỳ hoặc Việt Nam Cộng hoà, thì đó sẽ là chiến tranh quốc tế bởi các bên đều có tư cách quốc gia. Còn xung đột giữa Mặt trân Giải phóng Miền nam Việt Nam với Việt Nam Cộng Hoà hoặc Hoa Kỳ thì đây là xung đột phi quốc tế, bởi Mặt trận không có tư cách quốc gia.
Như đã đề cập, trong thời kỳ chiến tranh thì Bắc Việt phủ nhận hoàn toàn bất cứ sự liên quan nào đối với lực lượng Mặt trận, thay vào đó diễn ngôn chính trị được đưa ra ở thời điểm đó là người “dân miền nam đứng lên lật đổ chế độ nguỵ quyền”. Do vậy, cuộc Chiến tranh Việt Nam, theo quan điểm quốc tế, có thể được coi là một cuộc nội chiến giữa các bên ở miền nam Việt Nam.
Người trong cuộc nói gì?
Chiến tranh Việt Nam chính thức kết thúc vào ngày 30 tháng Tư năm 1975, cho đến nay đã là 46 năm. Tuy nhiên, những cuộc tranh luận về đề tài này vẫn có sức nóng như thể nó mới xảy ra.
Thế hệ trẻ ở Việt Nam hiện tại đều sinh ra sau cuộc chiến, không biết chiến tranh là gì, nên khó tránh bị tác động bởi các chính sách tuyên truyền.
Một cựu sĩ quan tình báo giấu tên, thuộc Cụm tình báo A10 khét tiếng của Bắc Việt hoạt động tại Sài Gòn trong thời chiến, cho RFA biết quan điểm của ông về cách mà thế hệ trẻ nên tiếp cận các vấn đề lịch sử:
“Tôi bây giờ là tôi không đặt vấn đề là nhìn lại để nói trắng nói đen cái lịch sử ra nó là cái cuộc chiến tranh gì, tôi không đặt vấn đề đó! Không cần hai bên phải đi ký một cái điện bàn gì về quá khứ. Cái đó để cho quá khứ trôi vào dĩ vãng thế thôi vì bây giờ thực tế hai bên có thù hận gì nhau đâu.
Tôi đây này, nghĩa là một tiểu đội ba người thôi, đánh quân của Mỹ đổ bộ vô trong căn cứ của trung ương cục, người Mỹ chết, tụi nó khóc la rồi trên máy bay trực thăng nó xịt mưa xuống cho nó tắm rồi này kia, rồi pháo mình đánh. Nhưng mà cuối cùng bây giờ hai bên ôm nhau vui.
Theo tôi, quan niệm của tôi đối với lớp trẻ là hãy nhìn về phía trước. Nếu các em có học giỏi, có cơ hội, có điều kiện để đi Mỹ được, để đi du học được thì cứ việc đi. Qua đó học tập và nếu như cái ngành nghề đó mà không về Việt Nam phục vụ được thì cứ phục vụ ở bển, còn ngành nghề đó mà về Việt Nam được thì cứ về Việt Nam, tuỳ!”
Vị cựu sĩ quan này cũng cho rằng hiện nay Mỹ đang là quốc gia giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là trong nỗ lực chống lại dịch bệnh COVID-19 và vấn đề Biển Đông. Người trẻ Việt Nam cần tăng cường giao lưu với Mỹ để củng cố mối quan hệ giữa hai quốc gia.