Hơn 30 tỉnh/thành công bố kế hoạch năm học mới
Trước thông báo của 33 địa phương về khung kế hoạch năm học 2021-2022, Đài RFA ghi nhận rất nhiều độc giả bày tỏ ý kiến qua các trang fanpage của báo giới chính thống Nhà nước Việt Nam.
Những ý kiến quan ngại tập trung vào sự lo lắng về an toàn sức khỏe của học sinh và cộng đồng, cũng như việc đi lại trong khi còn thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó vào ngày 4/8, Bộ Giáo dục-Đào tạo ban hành khung kế hoạch năm học 2021-2022, quy định học sinh các cấp tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9 và riêng lớp một là vào ngày 23/8.
Bộ Giáo dục-Đào tạo, đồng thời, quy định ngày khai giảng cũng là ngày 5/9, tương tự mọi năm.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục-Đào tạo cho phép các địa phương xây dựng kế hoạch riêng và tuân thủ một số nguyên tắc chung để đảm bảo thời gian học tập của học sinh, theo quy định của Bộ này.
Báo mạng Thanh Niên, vào ngày 5/8, dẫn lời của ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo cho biết khung kế hoạch của Bộ Giáo dục-Đào tạo đưa ra là văn bản khung áp dụng cho toàn quốc.
Ông Nguyễn Xuân Thành giải thích rằng các mốc thời gian đưa ra là “sớm nhất” hoặc “muộn nhất”, không có nghĩa Bộ Giáo dục-Đào tạo yêu cầu tất cả các địa phương phải tựu trường và kết thúc năm học trong cùng một ngày.
Đại diện của Bộ Giáo dục-Đào tạo nhấn mạnh thêm rằng trong bối cảnh các địa phương bị tác động bởi tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì ưu tiên hàng đầu là vẫn phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, trong đó có học sinh và giáo viên.
Đài RFA, vào tối ngày 16/8, trao đổi với một giáo viên ở Đồng Tháp và được cho biết Sở Giáo dục tỉnh Đồng Tháp chưa có quyết định chính thức khi nào năm học 2021-2022 bắt đầu.
Cô giáo dạy học tại một trường trung học cơ sở ở một huyện, thuộc tỉnh Đồng Tháp, nói với RFA với điều kiện ẩn danh:
“Chưa có cho nhập học. Dự kiến có thể đến tháng 10 mới vô học. Còn không được nữa thì chờ tới đầu năm mới, tháng một học và tháng chín nghỉ. Giáo viên thì dù sao cũng được chích ngừa, còn các em học trò thì sợ ba mẹ không cho đi học”.
Đồng Tháp là một trong những địa phương có số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến trong đợt dịch thứ tư, xếp sau TP.HCM và Bình Dương.
Qua các trang fampage báo chí Nhà nước Việt Nam, nhiều ý kiến kêu gọi Bộ Giáo dục-Đào tạo cân nhắc kỹ lưỡng vì có thể dẫn đến hậu quả dịch bệnh càng lây nhiễm nghiêm trọng hơn.
Lo lắng của phụ huynh học sinh
Đơn cử, Bình Dương thuộc nhóm địa phương có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất hiện nay và Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh này chốt ngày tựu trường là ngày 1/9.
Một phụ huynh có ba cháu học lớp 10, lớp bảy và lớp một, lên tiếng với RFA vào tối ngày 16/8 rằng mặc dù dự kiến học sinh ở Bình Dương học trực tuyến hai tháng đầu. Thế nhưng:
“Nghe nói 1/9 thì bắt đầu đi học, mà dịch bệnh thì đang còn nguye hiểm quá. Ở đây bây giờ kiểm soát chặt chẽ dữ lắm. Không biết cho được học được không? Tôi cũng đang lo lắng. Không đi học được thì cũng rầu vì trễ một năm thì tội nghiệp cho tụi nhỏ. Còn đi học thì không biết có cho thiếu tiền học phí, đóng từ từ được không nữa? Tại vì tôi ở nhà trọ và đi làm thuê nên không có tiền để chuẩn bị đóng. Cũng không biết nhà trường có cho giảm học phí không?”
Lo lắng về không có khả năng đóng tiền học phí đầu năm là quan tâm hàng đầu của nhiều gia đình học sinh trên cả nước. Đặc biệt tại các địa phương áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt ở miền Nam Việt Nam trong gần hai tháng qua.
Bên cạnh đó, việc học trực tuyến cũng là một trở ngại lớn đối với học sinh và giáo viên ở các vùng thôn quê. Cô giáo không muốn nêu tên ở Đồng Tháp chia sẻ:
“Chắc là không có, bởi vì học sinh cấp hai và tiểu học còn nhỏ với lại không có đủ điện thoại và máy tính. Chắc là không thể học trực tuyến được. Giáo viên cũng được hướng dẫn cài đặt các chương trình dạy trực tuyến. Nhưng mà ở quê thì không thể thực hiện được.”
Giáo viên này chia sẻ thêm:
“Hồi cuối năm rồi, khi vừa nghe được tin ở chỗ khác bùng phát dịch bệnh là cho thi luôn. Giáo viên khỏi ôn bài, ôn vở gì hết mà giáo viên tự cho đề và tự cho thi. Như thế là hoàn thành một học kỳ. Không thôi phụ huynh nói nếu không thi xong thì cũng cho con em họ nghỉ học.”
Theo ghi nhận của RFA, hầu hết phụ huynh đồng quan điểm kiến nghị với Bộ Giáo dục-Đào tạo nên giảm chương trình học cho phù hợp với điều kiện về thời gian bên cạnh mục tiêu bảo vệ an toàn sức khỏe của học sinh và giáo viên.
VNExpress.net, vào đầu tháng 8 đăng tải ý kiến của giới chuyên gia trong ngành giáo dục liên quan kế hoạch khung năm học 2021-2022 của Bộ Giáo dục-Đào tạo ban hành.
Theo đó, nhà giáo Lê Ngọc Điệp-nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, thuộc Sở Giáo dục-Đào tạo TP.HCM đề xuất Bộ Giáo dục-Đào tạo nên đầu tư kỹ lưỡng, bổ sung và quyết định khung chương trình với những kịch bản cụ thể hơn. Còn theo ý kiến của TS. Lê Quốc Vinh, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP.HCM thì cho rằng Bộ Giáo dục-Đào tạo phải chuẩn bị nhiều kịch bản cho năm học mới 2021-2022; trong đó phải tính đến phương án tinh giảm chương trình.