Vào cuối tháng 7, anh Trần Hữu Tài, một doanh nhân sống tại TPHCM phát hiện anh đã trở thành một trong hơn 150.000 người tại Việt Nam, bị lây nhiễm virus corona. Khi anh bắt đầu thấy triệu chứng như bị cảm sốt, anh đã lập tức cho cả gia đình gồm vợ, bốn đứa con nhỏ và cả bố mẹ anh đi xét nghiệm. Kết quả là cả ba thế hệ trong nhà đều dương tính với Sars-CoV-2.
Tình hình lây lan nhanh chóng mặt của virus corona và biến thể Delta trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam khiến số ca lây nhiễm cho đến ngày 17 tháng 8 lên gần 300 nghìn người, số ca tử vong gần 6,5 nghìn người. Cơ sở y tế, bệnh viện quá tải, dịch bệnh tác động tiêu cực đến hàng trăm ngàn, hàng triệu người dân và lao động bị mất thu nhập do giãn việc, mất việc.
Anh Tài đã may mắn khi cả gia đình anh sau nhiều ngày chiến đấu với con vi-rút ‘khủng khiếp’ đó đã vượt qua được cơn bệnh. Với kinh nghiệm sống còn, trong khi bao nhiêu người xung quanh vẫn bị dịch hoành hành, anh đã đi đến quyết định:
“Minh đã trải nghiệm hết 14 ngày chiến đấu với con vi-rút đó và mình đã vượt qua và mình đang chia sẻ và giúp đỡ cho rất nhiều người Việt Nam khác vì mình đã vượt qua rồi và mình đã có kháng thể, có hệ thống miễn dịch (immune system), mình đã có kháng thể rồi nên hiện không có ngại để mà đi giúp đỡ, đi cứu trợ, đi từ thiện đến các bệnh viện”.
Những cảnh bệnh nhân chồng chất, chết chóc, bác sĩ và bệnh viện quá tải đã làm anh xúc động. Anh cùng một vài bằng hữu đã thành lập ra tổ chức thiện nguyên với tên đặt là ‘Việt Nam Ơi! Cố Lên’.
“Nhóm của Tài hiện nay đang liên kết với hơn sáu nhà bếp ở khắp nơi và liên kết với gần hơn mười mấy bệnh viện. Mỗi ngày tụi tôi nấu hơn 3-4.000 phần ăn, nấu bữa trưa, buổi chiều, đem vào cho các bác sĩ để họ có thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng để họ ăn, để họ còn có thể làm việc nữa. Nhóm của Tài là chuyên về cái việc ấy, cũng như là khi mà bác sĩ mà có kêu thiếu khẩu trang, ví dụ như 3M, loại N95, thì cũng sẽ gửi cho họ. Đôi khi họ thiếu nước suối, dầu tấm.v.v rât tội nghiệp cho khâu tuyến đầu, những bác sĩ làm việc sáng trưa, chiều tối với số ca hiện nay rất đông.”
Tổ chức rất bài bản và hiệu quả, từ một nhóm nhỏ vài người nay đã trở thành một đội thiện nguyện viên lên hàng chục người. Anh Tài cho biết, nhóm được mạnh thường quân, kể cả người ở nước ngoài hỗ trợ tiền bạc, nhưng cũng có người nông dân, không bán được nông phẩm thì lại đóng góp cho nhóm, như một tấn bắp, 100 kg gạo, 50 kg khoai lang.
Riêng anh Tài có nhiệm vụ nhận, giao vật liệu. Qua đó, anh đã chứng kiến những hoàn cảnh vừa làm anh ‘nổi da gà’, vừa thương xót. Anh chia sẻ:
“Hàng ngày trước khi vào bệnh viện được thì phải đợi những chiếc xe cứu thương đi ra. Những chiếc xe cứu thương đi ra không phải là chiếc xe cứu thương bình thường. Bởi vì sau lưng đó là rất nhiều khói. Mình thắc mắc tại sao trong bệnh viện hút thuốc như vậy hơi kỳ lạ? Nhưng thật sự không phải là khói thuốc mà là khói nhang. Tại vì đó là những chiếc xe mà chở những xác người đã không may qua đời, và sau lưng là những người thân, không có nhiều như bình thường cho những dịp này, họ phải thắp nhang vừa đi vừa khóc phía sau”.
Ngoài đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, tổ chức ‘Việt Nam Ơi! Cố Lên’, cũng như hàng chục nhóm thiện nguyện tự phát khác đã giúp đỡ mang thực phẩm đến người trong hoàn cảnh khó khăn, không đủ lương thực.
Báo chí Nhà nước Việt Nam hôm 17 tháng 8 đưa tin gần một nửa triệu người tại bốn tỉnh miền Nam thiếu ăn đang chờ gạo, chờ gói hỗ trợ từ chính phủ. Đó chỉ là con số được Ủy ban Nhân dân các tỉnh Bình Phước, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau yêu cầu Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ.
Cô Cao Vĩnh Thịnh, một người phụ nữ sống tại Hà Nội, cũng như nhiều người dân trên khắp nước đã tự phát bắt tay vào việc cứu trợ trong khi còn chờ đợi những gói hỗ trợ từ chính phủ.
Cô chia sẻ cô đã tận dụng mạng xã hội trong lúc Hà Nội vẫn còn bị phong tỏa, đầu tiên cô đăng thông tin trên trang Facebook cá nhân của mẹ cô ở TPHCM.
“Em ghi trên Facebook là tặng 100 suất, mỗi suất trị giá 5 kg gạo thôi. Mà không ngờ nhiều người cần giúp đỡ khẩn thiết đến như thế. Nhiều trường hợp sau khi nhận được 100.000 đồng tương đương với 5 kg gạo thì họ liên lạc, họ nhắn tin riêng, họ cảm ơn. Họ nói rằng là ‘Thực sự em tưởng em chết trong nhà trọ mà không ai biết’”.
“Em ghi trên Facebook là tặng 100 suất, mỗi suất trị giá 5 kg gạo thôi. Mà không ngờ, nhiều người cần giúp đỡ khẩn thiết đến như thế. Nhiều trường hợp sau khi nhận được 100.000 đồng tương đương 15 kg gạo thì họ liên lạc, họ nhắn tin riêng, họ cảm ơn. Họ nói rằng là ‘Thực sự em tưởng em chết trong nhà trọ mà không ai biết’”. -Cao Vĩnh Thịnh
Cô Thịnh nói, ban đầu cô ngại cứu trợ bằng số tiền mà cô cho là quá nhỏ. Sau khi thấy có quá nhiều người kêu cứu chỉ xin 100.000 đồng, hoặc 5 kg gạo, cô mới hiểu được tình trạng cấp bách của họ.
Ở Sài Gòn, cô và mẹ đã giúp được khoảng hơn 1.000 người theo lời cô kể, sau đó thì thấy nhu cầu ở Hà Nội lại tăng, cô chuyển sang địa bàn Hà Nội để cứu trợ, ngay cả lập trang Facebook để qua đó những ai cần giúp có thể inbox cho biết thông tin.
Trên Facebook những nhóm cứu trợ tương tự cũng xuất hiện như ‘Giúp Nhau Mùa Dịch’, ‘Hội Thiện Nguyện Sài Gòn’…
Trong trang cô Thịnh lập với tên ‘Miền Bắc – Tương Hỗ Trợ Nhau trong Mùa Dịch’, đích thân cô xem qua từng hoàn cảnh, từng lời kêu cứu và quyết định chuyển tiền qua ngân hàng, đặc biệt rất nhiều trường hợp những người yếu thế như người mù, người bị tàn tật, khuyết tật vốn đã khó khăn trong thời bình, lại càng khốn khổ khi nhiều nơi bị phong toả.
Việc làm này không khỏi ảnh hưởng đến tâm lý. Cô Thịnh tâm sự:
“Đối với cả hai miền thì đều có những cảm xúc khác nhau. Với Sài Gòn thì thực sự là em bị stress trong tuần đó vì số lương người xin quá nhiều mà em nghĩ số tiền 10 triệu mà mình có thì quá ít. Bởi vì cũng do cái tính bướng không thích đăng public trên tài khoản để kêu gọi gì cả, nên cứ hết tiền thì lại phải đi xin bạn bè hoặc người thân của em. Thường mọi người cũng cho. Em xúc động vì điều đấy. Việc thứ hai nữa là cảnh ở trong Sài Gòn, đa phần là những người lao động tự phát, tự do, không có tiền tích lũy. Khi bị phong tỏa, không có công ăn việc làm thì nhiều trường hợp họ bị bi quan. Họ bảo là một là chờ đến chết đói, hai là họ tự tử. Em nghe em rất sốc”.
Các thiện nguyện viên chia sẻ rằng khoảng thời gian phong tòa, giãn cách kéo dài nay đã hơn hai tháng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của nhiều người. Lĩnh vực này còn ‘bỏ trống’ chưa được quan tâm nhiều khi mà lương thực, thiết bị y tế, những nhu cầu căn bản vẫn chưa thể nào đáp ứng hết trong tình thế hiện nay.