Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, sau khi thăm Singapore, đến Việt Nam vào tối ngày 24 tháng 8. Đây là chuyến công du đầu tiên của một vị Phó tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng quân sự hóa khu vực Biển Đông, nơi có tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Một vấn đề không kém quan trọng đối với giới hoạt động, những nhà bất đồng chính kiến và thân nhân các tù chính trị tại Việt Nam là vấn đề nhân quyền sẽ được Phó Tổng thống Hoa Kỳ nêu ra với lãnh đạo Hà Nội thế nào?
Trong những ngày qua, hàng chục tổ chức nhân quyền, nhà hoạt động cũng như một số dân biểu Hoa Kỳ đã yêu cầu bà Harris thúc giục Hà Nội cải thiện tình hình nhân quyền, trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm và mở rộng không gian cho quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí.
Một trong những người đã ký vào một lá thư của gia đình của 35 tù nhân lương tâm Việt Nam gửi bà Harris là cô Đỗ Thị Thu, vợ của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương. Gia đình cô Thu hiện đang có ba thành viên đang bị giam vì đấu tranh đòi công lý cho dân oan. Đó là ông Trịnh Bá Phương, bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Tư. Cô Thu nói:
“Trong lá thư gia đình em cũng giống như tất cả các vợ và thân nhân các tù nhân lương tâm mong rằng bà Phó tổng thống Mỹ sẽ yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải thả các tù nhân lương tâm vô điều kiện trước làn dịch COVID-19 sắp tràn vào các nhà tù”.
“Trong lá thư gia đình em cũng giống như tất cả các vợ và thân nhân các tù nhân lương tâm mong rằng bà Phó tổng thống Mỹ sẽ yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải thả các tù nhân lương tâm vô điều kiện trước làn dịch COVID-19 sắp tràn vào các nhà tù”. -Cô Đỗ Thị Thu
Cô cho biết, theo thông tin từ luật sư, bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Tư hiện vẫn bị biệt giam khắc nghiệt tại trại tạm giam tỉnh Hòa Bình mà không rõ lý do biệt giam.
Thông tin từ Nhà Trắng ngay trước chuyến công du Singapore và Việt Nam cho biết trong chương trình nghị sự của Phó Tổng thống Harris tại Việt Nam sẽ có cuộc gặp gỡ với đại diện một số tổ chức xã hội dân sự vào ngày 26/8.
Về thông tin này cô Thu cho hay:
“Vấn đề Bà Phó Tổng thống sẽ gặp mấy người xã hội dân sự thì gia đình em không biết. Còn cách đây hơn một tháng, ngày mùng 9 tháng 7, thì gia đình em có gặp các Đại sứ quán trong đó cũng có Đại sứ quán Mỹ và gia đình em trao đổi với các Đại sứ quán về vấn đề tình trạng giam giữ tại trại giam tỉnh Hòa Bình mà Việt Nam đang biệt giam mẹ em và em trai em, là Trịnh Bá Tư”.
Theo lời thuật của cô Đỗ Thị Thu, cuộc tiếp xúc vào ngày 9 tháng 7, gồm có đại diện từ Đại sứ quán Hoa Kỳ, Anh, Úc và Hòa Lan. Về phía gia đình TNLT có thêm bà Bùi Thị Huệ, vợ của nhà báo độc lập Lê Văn Dũng, còn được gọi là Dũng Vova; và bà Đỗ Thị Lê Na, vợ của nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng.
Các đại diện Đại sứ quán không hứa hẹn liệu họ có can thiệp được gì không trong những trường hợp của các tù nhân lương tâm được nêu.
“Họ nói rằng họ không biết chắc được kết quả sẽ ra sao nhưng mà họ sẽ cố gắng hết sức.” , cô Thu nói
Từ Hà Nội, bà Phạm Thị Lân, vợ TNLT Nguyễn Tường Thụy cũng đã kiến nghị PTT Harris về trường hợp của chồng bà. Bà tâm sự rằng bà thực sự không kỳ vọng rằng chồng bà được chính quyền Hà Nội thả, nhưng ít nhất nếu có sự lên tiếng của bà Harris thì ông Thụy sẽ được đối xử nhân đạo hơn:
“Chị và gia đình cũng có ký vào đơn của Hội nhà báo, kêu gọi Bà PTT làm việc với chính quyền Việt Nam. Nguyện vọng của chị là muốn anh Thuy, vì cũng nhiều tuổi rồi và sức khỏe không đảm bảo, được Việt Nam phóng thích cho anh. Nếu không thì cho anh đi theo diện nhân đạo chữa bệnh sang bên Hoa Kỳ chẳng hạn”.
“Chị và gia đình cũng có ký vào đơn của Hội nhà báo, kêu gọi Bà PTT làm việc với chính quyền Việt Nam. Nguyện vọng của chị là muốn anh Thuy, vì cũng nhiều tuổi rồi và sức khỏe không đảm bảo, được Việt Nam phóng thích cho anh. Nếu không thì cho anh đi theo diện nhân đạo chữa bệnh sang bên Hoa Kỳ chẳng hạn”. -Bà Phạm Thị Lân
Theo Giáo sư Carl Thayer, nhà phân tích quốc phòng thuộc Học viện Quốc phòng Australia tại Canberra, vấn đề nhân quyền chắc chắn sẽ được và Kamala Harris đề cập trong chuyến này. Ông nhận định: “Tình hình nhân quyền tại Việt Nam, sự đàn áp các bloggers, đã trở nên tồi tệ hơn trong năm nay và có thể việc này đã là một trở ngại trong quan hệ song phương”.
Tuy nhiên, vẫn theo Giáo sư Thayer, vấn đề nhân quyền vô cùng tế nhị vì bà Harris vừa muốn đáp ứng đòi hỏi của công dân Hoa Kỳ, vừa không muốn làm mất mặt cho lãnh đạo Việt Nam.
Nhà báo độc lập Đỗ Cao Cường nói ông mong rằng PTT Harris sẽ đề cao quyền tự do biểu đạt, đặc biệt trên mạng:
“Tôi cũng chỉ mong muốn những người làm báo độc lập, những người phản biện ôn hòa không đi ngược lại với quyền lợi nhân dân, họ được trả tự do và được thế giới, người dân ghi nhận. Tất nhiên đây là một vấn đề rất khó vì nó phù thuộc vào nhiều điều.
Bản thân tôi bày tỏ quan điểm trên Facebook, một năm bị chặn ba tháng… Nói chung là tôi khá tuyệt vọng và cũng thấy khá cô đơn bởi vì số phận của người dấn thân, sống thật, những người muốn thể hiện quyền tự do báo chí, ngôn luận thẳng thắng, không lươn lẹo thì lại thua thiệt”.
Nhà nước Việt Nam trong thời gian qua đã siết chặt quyền tự do biểu đạt. Một loạt nhà báo độc lập được nhiều người biết đến đã bị bắt hoặc bị tuyên án nặng nề như Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn, v.v. Và còn những người không thuần túy hoạt động vì nhân quyền, nhưng đơn thuần bị bắt vì có những bài đăng trên mạng xã hội chỉ trích chính quyền.
Gần đây nhất, vào ngày 2 tháng 7, nhà báo Mai Phan Lợi và luật gia Đặng Đình Bách bị bắt và khởi tố về tội ‘trốn thuế’. Biện pháp này được cho là nhằm ngăn chặn tiến trình hình thành nhóm tư vấn xã hội dân sự.
Theo ông Cường vai trò của các nhà báo độc lập đã trở nên quan trọng hơn và cần thiết trong lục đại dịch COVID-19 bùng phát và người dân cần thông tin minh bạch, trung thực và kịp thời.
“Vô cùng quan trọng. Bản thân tôi có thông tin của người dân gửi tới, như người dân ở Kiên Giang đi mua rau bị phạt tiền, tôi đăng nhiều clip có hàng nghìn người chia sẻ. Đâm ra bảo vệ quyền lợi cho người dân, cập nhật tin tức mà báo đài nhà nước không đăng kịp thời, mình đây phản biện đưa ra quyền lợi sát sườn cho bà con đòi hỏi quyền lợi chính đáng, họ lại chặn”.
Họ dùng áp lực lên Facebook, còn Facebook thì thỏa hiệp để có quyền lợi kinh tế, làm ăn, quảng cáo, họ bóp nghẹt tiếng nói nhà báo độc lập và những người đưa tin tự do. Đây là một bi kịch và mối lo rất lớn vì nó đe dọa đến việc đưa thông tin đến người dân cần biết để phòng tránh”.
Tuy nhiên nhà báo Đỗ Cao Cường nhận định, trong lúc Hà Nội đang lúng túng trong việc đối phó với đại dịch, ảnh hưởng đến đời sống và cả tính mạng của người dân, thì việc đòi hỏi Hà Nội tôn trọng nhân quyền là một điều dường như bất khả thi.
Ông nói:
“Người dân Việt Nam đang trên bờ vực khủng hoảng, về lương thực cho tới tinh thần. Thì kỳ vọng kia tôi mong muốn nhưng nó rất xa vời”.