Tiền trọ không được giảm
Dịch COVID-19 tái bùng phát lần thứ 4 kéo dài từ 27/4 đến nay đã khiến nhiều công nhân lao động và cả những người làm nghề tự do lâm vào cảnh túng quẫn.
Trước tình cảnh đó, hôm giữa tháng 8/2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ Việt Nam yêu cầu khẩn trương giải ngân gói an sinh lần 2 (theo Nghị quyết 68, trị giá 26.000 tỷ đồng) đồng thời đề nghị các địa phương miễn giảm tiền điện, nước và vận động chủ trọ miễn, giảm tiền thuê nhà với lao động mất việc làm, trong khu vực phong tỏa chống dịch COVID-19.
Tuy vậy, nhiều người lao động đang ở trọ tại tỉnh Bình Dương- một trong 23 tỉnh đang áp dụng qui định giãn cách xã hội, lại đang lâm vào cảnh nếu không đóng đủ tiền trọ, có khả năng phải ra ngoài ở.
Một người đang lâm vào tình cảnh éo le đó (không muốn nêu tên vì lý do an toàn) đã chia sẻ với chúng tôi như sau:
Ở đây là khu phố Bình Thuận 2, Thuận Gia, Thuận An, Bình Dương nè mọi người, giờ không có tiền đóng đòi đuổi ra ngoài, có ai như chủ trọ bên đây không? Không ai đi làm được mà đòi tiền hoài luôn, không đóng thì đòi cắt điện, cắt nước. Người già, trẻ em nhiều vậy nè mà giờ không có tiền đóng đòi đuổi người ta ra đường ở, chịu nổi không? Chủ trọ có tâm không, biết bao nhiêu người mà đòi đuổi ra ngoài ở.
Bình Dương là nơi có nhiều khu công nghiệp thuộc tốp đầu cả nước và là một trong 19 tỉnh thành phía Nam bị buộc giãn cách theo Chỉ thị 16 do tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Theo ghi nhận của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 30/8, toàn tỉnh có trên 6 ngàn ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm tính đến nay là 110.258 và 858 bệnh nhân tử vong.
Bên cạnh đó, theo thống kê được báo Nhà nước Việt Nam đăng tải vào cuối tháng 6, Bình Dương hiện có hơn 1,2 triệu công nhân lao động làm viêc tại 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp.
Trong đó, theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đưa ra vào ngày 30/7 cho biết toàn tỉnh đã có khoảng 600 doanh nghiệp với hàng chục ngàn lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bao gồm cả những nhà máy thực hiện ‘3 tại chỗ’.
Công nhân tiếp tục kêu cứu
Những công nhân, người lao động ở Bình Dương phản ánh rằng cuộc sống của họ hiện đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, phải tự gồng mình cứu lấy chính mình trong tình hình dịch bệnh đi làm không được, không làm ra tiền.
Thêm vào đó, chủ nhà trọ liên tục đòi tiền nhà một cách gay gắt, không cảm thông đã khiến họ như lâm vào đường cùng. Một công nhân dấu tên cho biết:
Đóng 600 bà không chịu, đòi đóng một triệu, mà còn đúng một triệu, 400 ngàn tiền mua gạo, còn 600 đóng mà bà không chịu. Bà kêu từ đây đến hết giãn cách đuổi ra đường, không cho ở nữa. (Tôi) nói cô đuổi thì con đi, ở đây một năm mấy, đóng 1,7-1,8 triệu muốn mạc luôn, có thiếu tháng nào đâu. Có tháng này vậy đó.
Còn đây là hoàn cảnh của một gia đình lao động khác:
Phòng tôi ở một triệu mấy, giờ tôi còn một triệu hai vợ chồng, đóng cho bà trước 600 ngàn bà không chịu, đòi đóng hết cho bà thì tiền đâu sống? Đuổi thì đi chứ sao giờ, từ đầu mùa dịch giờ chưa ai xin bà 1.000 (đồng) nào hết. Khi nào hết giãn cách tôi đi làm có lãnh tiền chứ không phải không đóng cho bà mà bà ép. Bà chưa cho dãy phòng trọ này 1.000 nào, cũng chưa bớt 1.000 nào hết.
Trả lời báo chí nhà nước trong cuộc họp báo ngày 17/8 vừa qua, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết lãnh đạo tỉnh đã thông qua gói ngân sách hỗ trợ đóng thay tiền thuê nhà trọ cho người lao động gặp khó khăn, với mức 300.000 đồng/người/lần, và hơn 42.700 người đã nhận được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ với số tiền giải ngân hơn 12,8 tỷ đồng.
Vẫn theo lời ông Tuyên, tỉnh còn chi trên 194 tỷ đồng để giải quyết cho hơn 162.000 hồ sơ lao động mất việc, và giải ngân hơn 193 tỷ cho hơn 75.000 lao động tự do.
Tuy vậy, nhiều công nhân tại khu công nghiệp lớn này cho hay đến nay họ vẫn chưa nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ phía chính quyền, nên họ mới bị chủ nhà trọ dọa đuổi ra khỏi nhà trong lúc dịch dã như hiện nay.
“Nhà nước lên danh sách hỗ trợ thì người có, người không chứ nhiều công nhân quá cũng không tới tay họ được, nhiều người cầu cứu đói khổ đăng lên tùm lum.”
Trong khi đó, thông tin đăng tải trên tờ binhduong.gov.vn cho biết, ngày 30/8/2021, tỉnh đã chi hỗ trợ cho 71.233 trường hợp, với số tiền là 43,556 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương cho 462 người với số tiền 957,835 triệu đồng (hỗ trợ thêm cho 73 trường hợp mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi); hỗ trợ người lao động ngừng việc do đại dịch Covid-19 cho 7 người với số tiền 7 triệu đồng; hỗ trợ tiền ăn cho 6.430 người là F0, F1 với số tiền 971,8 triệu đồng; 14.574 người là lao động không có giao kết hợp đồng lao động cũng được hỗ trợ với số tiền 21,861 tỷ đồng; đặc biệt tỉnh đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho 25.608 người lao động đang ở trọ với số tiền 7,682 tỷ đồng và đã chi hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho 24.152 người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ với số tiền 12,076 tỷ đồng.
Ngoài ra, cũng trong ngày 30/8/2021, UBND tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân 11 phường đang khóa chặt của TP.Thuận An và TX.Tân Uyên theo chỉ đạo khẩn của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Mặc khác, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao được truyền thông dẫn lời trong ngày 30/8 cho rằng, lãnh đạo tỉnh mong các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền đến tầng lớp nhân dân, người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp ‘ai ở đâu ở yên đó’ nhằm kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh trên địa bàn, đưa Bình Dương trở về trạng thái bình thường mới từ ngày 1/9.