1.001 loại giấy đi kèm
“Tôi lạy mấy ông bà Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục đường bộ, các sở ban ngành giao thông. Tôi xin thay mặt anh em tài xế ba miền lạy luôn vụ ‘luồng xanh’, lạy luôn cách làm việc của mấy ông bà, tôi chịu hết nổi rồi.
Mấy ông bà này làm việc mà cái đầu không có tư duy suy nghĩ. Đại dịch COVID người ta khốn khổ rồi mà còn bày ra đủ thứ, muốn làm gì là làm, muốn ngưng là ngưng, muốn bỏ là bỏ.”
Vừa rồi là ý kiến của một tài xế không muốn nêu tên bày tỏ bức xúc đối với những quy định liên quan đến giao thông vận tải trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Trong văn bản Bộ Giao thông Vận tải gửi ngày 27/7 đến Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành, chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải lập tuyến ‘Luồng xanh’, xây dựng phần mềm để cấp Giấy nhận diện có QR Code cho các phương tiện vận chuyển hàng hoá trong thời dịch.
Mục đích việc cấp QR Code được nói nhằm tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của doanh nghiệp được lưu thông đi, đến hoặc đi qua khu vực, địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16.
Tuy nhiên, trên thực tế, qua trao đổi với phóng viên RFA, một tài xế vận tải không muốn nêu tên, lại chỉ ra hàng loạt những loại giấy tờ khác đi kèm, ngoài QR Code mà các bác tài phải mang theo bên mình khi lái xe:
“Giấy luồng xanh nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh do Sở Giao thông Vận tải cấp.
Tổng cục đường bộ Việt Nam có mã QR, tới chốt nào người ta chỉ cần mã này hoặc dán hai bên hông xe và trước đầu xe, lấy điện thoại mở Zalo quét mã này là nổi thông tin đầy đủ tuyến đường nào được đi, được chạy, được về.
Tiếp theo là thẻ giao hàng, thẻ này mình tự đi làm, gặp Chủ tịch địa phương xin, họ cấp cho thẻ này dán hình, đóng mộc giáp lai đầy đủ thông tin tài xế, được vô địa phương đó giao hàng hoặc lấy hàng.
Kèm theo giấy xét nghiệm âm tính 72 giờ.
Tiếp tục là giấy đi lại, mọi người hay gọi là giấy thông hành.
Tiếp theo là giấy xác nhận doanh nghiệp, mình chạy hàng cho doanh nghiệp các mặt hàng kinh doanh sản xuất, họ phải cấp giấy cho mình đi, không có giấy này công an, chính quyền địa phương các chốt cũng không cho đi.”
Vẫn theo lời người tài xế này, dù đã mang đầy đủ những loại giấy vừa nêu, nhưng nhiều khi ông vẫn bị chặn tại các chốt kiểm dịch do yêu cầu xin giấy đi và giấy đến của hai địa phương khác nhau. Người này nói tiếp:
“Tại vì xin điểm đi dễ, là nơi mình tạm trú, thường trú, nhưng điểm đến mình đến nhiều chỗ chứ không phải giao hàng một chỗ nên cứ tới một nơi xin một giấy, mà không phải dễ dàng, khó xin lắm.
Nếu tài xế một ngày giao hàng rất nhiều lần thì xin hơi mệt, có nhiều người chịu không nổi, bỏ cuộc không làm là vậy.”
Qui định một đường, làm một nẻo
Trong văn bản Bộ Giao thông Vận tải gửi đi ngày 27/7 cũng quy định, trong trường hợp các phương tiện vận tải hàng hoá thiết yếu, vận chuyển công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp chưa được cấp kịp thời Giấy nhận diện phương tiện có mã QR, nhưng người điều khiển phương tiện này đã có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 trong vòng 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm, thì lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát cho xe lưu thông qua chốt.
Tuy vậy, một bác tài không muốn nêu tên cho hay thực tế lại không được như văn bản quy định:
“Tài xế, chủ hàng đang lưu thông đùng cái quy định xe ‘luồng xanh’ mới cho lưu thông, xe chở hàng chục tấn hàng thịt, cá, rau, củ, quả đủ thứ giờ không có mã ‘luồng xanh’, QR buộc phải quay đầu.”
Nhiều tài xế khẳng định văn bản Bộ Giao thông Vận tải đưa ra nghe thì có vẻ hợp lý nhưng khi áp dụng vào thực tế, nhất là trong đợt giãn cách xã hội như hiện nay, đã thể hiện tính không thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương.
Nhiều tài xế đã phải than trời khi vận chuyển hàng tại khu vực phía Nam, bao gồm cả TPHCM, vì với họ, chưa bao giờ việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh vào thành phố lớn nhất nước lại khó trăm bề, gần như bế tắc như bây giờ.
“Tài xế giờ chở đồ, mặt hàng thiết yếu mà bị đòi hỏi giấy tờ rắc rối quá. Nhiều giấy tờ lắm, giấy tờ công ty, test sức khỏe.
Giờ khó lắm, đi phải xin giấy phép, trình mã QR tùm lum hết, giấy phép con, giấy tờ trình tới trình lui phức tạp, dễ lây bệnh vì mỗi lần xuống trình nguy hiểm lắm.
Bỏ mấy giấy phép con đi chứ giờ rắc rối cho mấy anh em nhà xe, tài xế. Nhiều khi đòi giấy tờ nhiều quá cũng mệt cho anh em tài xế, rút gọn lại bớt.”
Cùng hoàn cảnh như những tài xế vận chuyển hàng hoá khác bị “hành” vì các loại giấy tờ, một tài xế ở miền Tây cho biết, ông mong các quan chức lãnh đạo trong ngành vận tải cần phải suy xét kỹ trước khi ban hành một văn bản nào trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay, tránh gây ‘khó chồng khó’ cho các bác tài:
“Mấy ông bà thử ra ôm vô-lăng làm tài xế trước khi lên làm lãnh đạo là mấy ông bà hiểu cảnh anh em tụi tôi khi ôm xe chạy ra đường đủ thứ vấn đề.
Trước khi muốn phổ biến vấn đề, muốn đưa ra quy định gì thì phải nghiên cứu, lắng nghe người dân. Trước khi đưa xuống để triển khai thực hiện thì phải phổ biến cho các sở, ban, ngành kế hoạch xe luồng xanh là thế nào, phổ biến cho các sở giao thông, ủy ban thành phố, các tỉnh, sau đó đưa thông tin đầy đủ lên báo đài để tài xế, các đơn vị vận tải, hợp tác xã, những hộ buôn bán kinh doanh vận tải nắm hết, biết hết những quy định đó rồi mới đưa vô áp dụng ngày mấy bắt đầu xe phải đăng ký ‘luồng xanh’ mới vận tải vận chuyển được.
Người dân đói do lương thực không tới nơi, thêm thiệt hại kinh tế tài chính, ai sẽ chịu những trách nhiệm này?”
Cải tiến hay cải lùi?
Trước đó, việc đăng ký ‘luồng xanh’ lần đầu được nói cũng đã gây xáo trộn nhiều không chỉ cho những người trong ngành vận chuyển, mà ngay cả nguồn nhân lực tại các chốt kiểm soát lúc bấy giờ.
Tuy vậy, không bao lâu sau, việc phải đăng ký lại ‘luồng xanh’ và QR Code mới khiến các tài xế không khỏi bất bình vì ngoài những quy định từ trên đưa xuống tới các địa phương, mỗi nơi hiểu, điều chỉnh và thi hành mỗi khác, khiến giới tài xế càng thêm nhiều áp lực.
‘Luồng xanh’ này chỉ chạy ngoài đường, còn gặp chốt nào hành thì ráng chịu, một là vài lốc nước, hai là dừng lại nhờ cấp trên giải quyết, ba là nghỉ luôn, nếu cảm thấy chiều ý họ được thì làm, còn không chiều được thì mình nghỉ.”
Theo thống kê từ Bộ Giao thông Vận tải, tính từ ngày Bộ ban hành văn bản (27/7/2021) đến cuối tháng 8/2021, các cơ quan chức năng đã cấp giấy nhận diện ‘luồng xanh’ vận tải có QR Code di chuyển tại các tỉnh thành bị giãn cách cho gần 45.000 xe. Tuy nhiên, con số này được nhận định vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Được biết trong ngày 13/8 trả lời truyền thông Nhà nước về vấn đề làm thế nào để luồng xanh vận tải hoạt động hiệu quả, không tái diễn ùn tắc, những giải pháp tới đây sẽ được Tổng cục Đường bộ VN triển khai như thế nào, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ VN cho biết, Tổng cục Đường bộ VN sẽ nâng cấp phần mềm thẻ nhận diện phương tiện để có thể kết nối với cơ sở dữ liệu của Bộ Y tế (về việc cung cấp thêm thông tin lái xe đã được xét nghiệm, tiêm phòng) phục vụ công tác truy vết và quản lý.
Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ bổ sung luồng xanh của các địa phương vào hệ thống luồng xanh trên cả nước để thuận lợi cho đơn vị khi được cấp thẻ nhận diện lựa chọn tuyến đường. Đồng thời, Tổng cục làm việc với Bộ Thông tin & Truyền thông để mã hoá cấp thẻ nhận diện để đồng bộ với mã QR xét nghiệm, mã QR tiêm vắc-xin.
Bởi lẽ theo bà Hiền, khi có mã QR xét nghiệm, vắc-xin, cũng như mã QR nhận diện ưu tiên, các lực lượng chức năng có thể dễ dàng kiểm soát, kiểm tra, xử lý vi phạm, nếu các lái xe không thực hiện quy định phòng chống dịch.