Nhiều vướng mắc trong thủ tục
Việt Nam đã trải qua bốn lần dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng và đang loay hoay kiểm soát dịch gia tăng trong đợt 4 tái bùng phát từ ngày 27/4/2021 đến nay.
Nhiều lĩnh vực kinh tế đang lâm vào cảnh khó khăn khi Chính phủ áp dụng lệnh giãn cách xã hội nhiều lần nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Ngành du lịch theo đó phải dừng hoạt động khiến hàng chục ngàn HDV mất việc, gặp nhiều khó khăn về kinh tế.
Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng được ban hành ngày 7/7/2021 nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó do đại dịch COVID-19; trong đó có liên quan đến đối tượng nhận hỗ trợ là HDV du lịch có hợp đồng lao động trong thời gian có hiệu lực từ 1.1.2020 đến thời điểm nộp hồ sơ nhận hỗ trợ mất việc. Tuy nhiên nhiều HDV cho biết họ không đáp ứng được các yêu cầu đưa ra vì nhiều lý do khác nhau:
Anh A, một HDV Du lịch tự do ở Huế chia sẻ:
“Họ chưa nhận em. Họ đòi hỏi nhiều thứ quá anh chưa có đủ điều kiện đưa cho họ. Đòi hỏi một là phải có thẻ Hiệp hội HDV du lịch Việt Nam, hai là phải có hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội. Hợp đồng ngắn hạn thì anh có, đi tour tòan 3-5 ngày cả thì làm gì có bảo hiểm xã hội. Còn thẻ Hội viên thì anh chưa vào.”
Một HDV Du lịch tự do khác cũng ở Huế là anh C nói thêm những khó khăn khi nhận hỗ trợ:
“Đối với tôi, tôi thừa sức để kiếm được cái hợp đồng thông qua những công ty công tác đang tồn tại nhưng khi đi đến Sở Du lịch để nộp đơn xin trợ cấp thì người ta lại móc theo cái hợp đồng lao động này phải có đóng bảo hiểm xã hội thì tôi xin báy (thua-pv). Có công ty du lịch nào ký hợp đồng với HDV Du lịch tự do A, B, C nào đó mà kèm theo cái bảo hiểm xã hội đâu. Bảo hiểm xã hội mọi người đều biết, hợp đồng từ một tháng trở lên mới được đóng bảo hiểm xã hội, trong khi chúng tôi chỉ là những người đi tour đa số hợp đồng dưới một tháng, đóng bảo hiểm xã hội tự túc. Người ta móc vào những điều kiện như vậy khiến nhiều người phàn nàn.”
Không thể có hợp đồng hoặc bảo hiểm xã hội như chia sẻ của hai HDV du lịch tại Huế tuy nhiên, một nữ HDV du lịch tại Đà Nẵng đã nhận được hỗ trợ cho biết, còn một cách khác, đó là HDV du lịch tự do phải có thẻ Hội viên của Hiệp hội HDV Du lịch thì cũng coi như đủ điều kiện hoàn thành hồ sơ nhận gói hỗ trợ 3,7 triệu đồng.
Cô cho biết thêm:
“Cứ ai chụp hình thẻ Hội viên lên là đạt ngay lập tức và có tiền nhận liền 3 triệu 710 ngàn đồng, em đã nhận 3 triệu 710 ngàn đồng. Tất cả những người mà em được biết, đưa thẻ Hội viên lên đều được nhận tiền.”
Nhưng, để có thẻ Hội viên thì các HDV Du lịch phải tham gia Hiệp hội HDV Du lịch và đóng phí hằng năm là 600 ngàn đồng. Riêng từ năm 2020 đến nay, vì tình hình dịch COVID-19 nên phí đóng giảm xuống còn 200 đến 300 ngàn đồng/năm. Tuy vậy, để có thẻ hội viên cũng không dễ:
Một HDV Du lịch Đà Nẵng cho biết:
“Đợt này là gói hỗ trợ cho tất cả HDV có thẻ HDV trước ngày 7/7/2021 nhưng điều kiện để mà nhận được gói hỗ trợ này thứ nhất là phải có Hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội hoặc là Hợp đồng lao động có thời hạn cho tới ngày 7/7/2021. Nhưng tất cả HDV bọn em, công ty du lịch của bọn em bắt đầu từ ngày 15/3/2020 đóng cửa hết, không thể nào bọn em kiếm được bất cứ cái hợp đồng lao động nào hết. Tiếp nữa là, bọn em là HDV Du lịch tự do không thể nào có hợp đồng lao động dài hạn mà có đóng bảo hiểm xã hội là điều không thể. Cho nên bọn em bắt buộc phải có thẻ Hội viên của Hiệp hội HDV Du lịch thì mới được người ta duyệt.”
Mỗi nơi qui định mỗi kiểu
Các HDV du lịch muốn tham gia Hiệp hội cũng không hề dễ dàng, nó tùy thuộc khá nhiều vào cách xử lý của từng lãnh đạo Hiệp hội. Đó là chia sẻ của một số HDV du lịch tại Đà Nẵng và Huế.
Họ đưa ra một dẫn chứng cụ thể về trường hợp của một HDV tên T. ở Huế rằng cô này đã bị từ chối cấp thẻ hội viên mặc dù có đóng phí nhưng do chia sẻ ý kiến về việc thu phí của Hiệp hội HDV du lịch tại Huế với các đồng nghiệp khác nên cô T. bị loại khỏi tên trong Hiệp hội. Kết quả cô T. không thể tiếp cận với gói hỗ trợ cho lao động bị mất việc theo Quyết định 23.
Một vài HDV du lịch tự do khác cũng ở Huế – không muốn nêu tên vì lý do an toàn cho biết thêm khuất tất trong qui trình thu phí tại các Hiệp hội:
“Muốn nhận được trợ cấp thì phải vào Hiệp hội HDV du lịch Huế hiện đóng phí là 300 ngàn đồng. Là một HDV Du lịch bình thường mình chẳng biết họ lấy số tiền 300 ngàn đồng ấy để làm gì? Họ nói là để dùng cho đám tang, thăm đau ốm nhưng mà nhiều HDV Du lịch chẳng biết đám tang của ai hoặc thăm ai đau ốm không thấy công khai, chỉ biết đóng như vậy thôi. Ví dụ 3,7 triệu bớt đi 300 ngàn đóng phí Hiệp hội thì còn lại được một ít. Lúc làm ra tiền thì họ thu 600 ngàn cũng bình thường mà giờ thì không làm ra đồng nào, nhận hỗ trợ của Chính phủ mà họ cũng thu 300 ngàn.”
“Những người không được vào Hiệp hội, ví dụ như lúc trước người ta chưa muốn vào, trả lời không muốn vào thì sau này muốn vào cũng không được. Vì Hiệp hội có người đứng đầu là Chủ tịch Hiệp hội có tính giống như thù dai.”
“Về cái chuyện Hiệp hội ấy A, B, C nào đó của ngành du lịch thì tôi không thích, tóm lại việc gia nhập Hiệp hội nó không được luật hóa, tôi thích thì tôi vào, còn không thích thì tôi không vào, một năm đóng phí khoảng 500-600 ngàn gì đó, đơn giản là tôi không thích thôi. Bây giờ người ta móc vào cái Hiệp hội đó để phát trợ cấp thì tôi thấy vô lý. Những chuyện không được luật hóa giờ bị đưa vào luật để giải quyết trợ cấp.”
“Có vài bạn gặp khó khăn lúc gia nhập Hiệp hội, những bạn trước đây có những phát ngôn không ủng hộ Hiệp hội thì bị người ta thu âm thu hình lại, người ta có chat với nhau rồi ghi lại đoạn chát đó đăng lên trang Cộng đồng HDV du lịch miền Trung thì bị ông Hiệp hội HDV du lịch ở Huế từ chối, bảo người ta ngày xưa có những phát biểu không vào Hiệp hội cái này cái kia nên họ không cho vào Hiệp hội luôn. Anh em HDV có phản đối ông Hiệp hội đó nhưng giờ họ đang nắm đầu cán mà.”
Tuy Chính phủ và chính quyền các địa phương trong hai năm qua đã duyệt nhiều gói hỗ trợ cho người dân và người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng nhiều HDV du lịch cho biết do hồ sơ hỗ trợ có những ràng buộc không thể đáp ứng được nên họ đến lúc này chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào từ những gói hỗ trợ của nhà nước:
“Tuyệt đối không. Như tôi đây xếp vào hàng thất nghiệp rõ ràng mà thời điểm mới thất nghiệp khoảng vài tháng cũng có chính quyền đến nói làm hồ sơ xin trợ cấp. Họ có khuyến khích mình như vậy nhưng thực ra mấy ông khuyến khích là một đường, còn trợ cấp hay không thì biết làm sao. Đến gói trợ cấp lần này, gói 3 triệu 710 ngàn này là nó thiết thực nhất, có thông tin rõ ràng, đối tượng hưởng trợ cấp rõ ràng là HDV du lịch, nói thì rõ nhưng thực ra đến khi hỗ trợ thì gặp những chuyện như vậy.”
Giảm bớt thủ tục -gần thực tế hơn
Vào tháng 6/2021, lãnh đạo TP.Đà Nẵng đồng ý chủ trương của Sở Du lịch Đà Nẵng là cho người lao động trong ngành du lịch ở Đà Nẵng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, mỗi lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng trong thời gian 3-5 năm, lãi suất 7,92%/năm theo hình thức vay không thế chấp để người lao động chuyển đổi nghề nghiệp hoặc giải quyết các khó khăn. Tuy nhiên, nhiều HDV Du lịch ở Đà Nẵng chia sẻ với chúng tôi là việc lãi suất trả nợ trong hoàn cảnh khó khăn như vậy là quá cao nên họ không dám vay.
HDV Du lịch Đà Nẵng giải thích điều này:
“Lãi suất nó cũng ngang với lãi suất ngân hàng thì ai dại gì mà vay anh, đã thất nghiệp đói khổ mà còn vay vào chi nữa. Chứ có phải họ miễn phí đâu. Tính ra lãi suất cũng ngang ngân hàng mà.”
Theo thống kê của Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch Việt Nam hiện Việt Nam có khoảng 28.500 HDV Du lịch được cấp thẻ. Trong đó, 6 địa phương có số HDV Du lịch tập trung đông nhất là Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP.Hồ Chí Minh chiếm khoảng 70% số lượng HDV Du lịch được cấp thẻ của cả nước. Rất nhiều HDV Du lịch không thể trụ nổi với nghề trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang còn hoành hành tại Việt Nam nên phải chuyển sang làm những công việc lặt vặt khác để mưu sinh. Họ rất cần những gói hỗ trợ để giải quyết phần nào khó khăn trong cuộc sống nên thiết nghĩ Chính phủ, các Bộ-Sở-Ngành ở Việt Nam nên sớm gỡ bớt những rào cản để các HDV Du lịch tiếp cận những gói hỗ trợ được dễ dàng hơn.
“Mong muốn là họ sẽ sửa luật. Mình hy vọng thời gian anh em có ý kiến thì lãnh đạo người ta biết lắng nghe, biết đâu họ có điều chỉnh về luật cũng nên.”
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam tính đến ngày 24/8/2021, trong tổng số 3.027 hồ sơ của các HDV Du lịch gửi về các Sở Du lịch địa phương đề nghị nhận hỗ trợ thì có 2.741 hồ sơ hợp lệ, được duyệt hỗ trợ với số tiền 10,169 tỉ đồng tương đương mỗi trường hợp nhận khoản tiền hỗ trợ là 3 triệu 710 ngàn đồng.