Đường phố ảm đạm
Mọi năm, khoảng đầu tháng 7 Âm lịch, không khí cho lễ hội Tết trung thu đã chộn rộn khắp các con phố trung tâm ở thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Những con đường như Nguyễn Huệ, Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương, Nguyễn Trãi .v.v.nhiều sạp bán bánh trung thu và đèn lồng đã được dựng lên, bày biện đủ màu sắc. Còn năm nay, TPHCM được nhiều người chia sẻ trên các trang mạng xã hội rằng, chốt kiểm dịch nhiều hơn hàng quán. Nhiều người dân TP không muốn nêu tên chia sẻ:
“Khu nhà tôi còn chưa hết vùng đỏ, vùng đỏ như tụi tôi thì còn lâu lắm, chưa thấy thông báo. Ở nhà tôi đặt hàng online họ cũng không giao được vì bị siết chặt rồi, tất cả các chốt cũng không cho mình đi ra đi vô.
Trung thu năm nay chịu thua rồi đó, phần nữa là cả tháng trời không làm ra gì, mặt bằng, tiền điện, tiền nước, tiền ăn cho con cạn hết, không dám nghĩ đến trung thu cho con. Nói nó năm nay dịch bệnh không có được, đợi xong dịch mẹ bù sau. Mỗi lần chi ra cái gì phải đắn đo dữ lắm vì tiền mình không có, hết rồi, chỉ dám để dành tiền mua ít đồ ăn và mua sữa cho con.”
Lãnh đạo TPHCM hôm 14/9 cho biết thành phố sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách đến hết tháng 9 để tập trung dập dịch. Sau 30/9 thành phố sẽ có những bước đi mới trong tình hình nới giãn hơn.
Điều đó cũng đồng nghĩa rằng Tết trung thu năm nay, rơi vào ngày 21/9, mọi người, mọi gia đình vẫn phải ở yên trong nhà, trừ 3 khu vực Quận 7, Củ Chi và Cần Giờ – nơi đã được nới lỏng giãn cách và đang bước vào giai đoạn “bình thường mới”.
Tiền ship đắt hơn tiền bánh
Chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ hội Tết trung thu hay còn gọi là Tết đoàn viên, nhưng nhiều đại lý phân phối bánh trung thu cho biết năm nay sức mua giảm hẳn, họ chỉ nhận đặt và chuyển hàng qua hình thức mua online và shipper giao tận nhà:
Một người cung cấp bánh cho biết:
“Em lấy bánh dưới Đồng Nai gửi lên bán cho mọi người cho vui. Hiện tại đơn người ta đặt em trên Facebook xong khi giao em sẽ lên đơn.
Dân cũng muốn có bánh ăn nên họ chịu khó trả tiền ship chứ thật sự bây giờ dân chỉ quan tâm tiền ship hơn tiền bánh. “Em ơi giờ chị ở chỗ đó bao nhiêu tiền ship?” chứ người ta không hỏi tiền bánh.”
“Bên em bán hàng online, tư vấn online, có đội ngũ giao hàng riêng, đăng ký test cho mấy bạn định kỳ. Bên em giao hàng xe tải chứ xe máy không đi được. Buổi sáng đi một vòng rồi về, trước khi đi nhân viên cách hai ngày phải test một lần (đối với) mấy bạn giao hàng, xe tải hay phụ tải.
Năm nay khách lẻ mua online nhiều, tăng lên nhưng số lượng đơn hàng của doanh nghiệp lại giảm xuống vì doanh nghiệp đang gặp khó khăn.”
Xác nhận tiện ích của việc mua bánh online để gia đình vừa có thể ăn bánh thưởng trà ngắm trăng mà vẫn hạn chế nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, một người dân cho hay:
“Mình muốn thì đặt bánh người ta đem lại chứ ai dám đi, giờ F0 ở ngoài tùm lum, không biết ai bệnh hay không bệnh rồi lây tùm lum nữa.
Năm vừa rồi khu phố cho mấy cái thẻ cho mấy đứa nhỏ đi, mình chủ yếu có bánh cúng rằm. Năm nay dịch vậy mấy đứa nhỏ không ra ngoài được thì đầm ấm gia đình ở nhà thôi chứ dịch đâu đi được.”
Tuy nhiên, khi đề cập đến tết Trung thu năm nay, vẫn còn nhiều gia đình cho rằng dịch bệnh khó khăn, miếng ăn còn lo chưa xong, thiếu thốn trăm bề khiến họ không còn quan tâm đến trung thu nữa.
“Chán muốn chết luôn trời ơi, ở nhà hoài không tiền bạc, bây giờ giăng dây không cho đi, nhà nước cũng không cho gì hết. Tình hình dịch bệnh hiện nay cũng đang căng thẳng, giăng dây vậy không đi đâu được thành ra không ăn trung thu được chứ không đi được mà tiền bạc đâu mua bánh trung thu. Năm nay xóa bỏ hết, đâu có vui vẻ gì mà ăn trung thu. Bây giờ nếu giãn cách tiếp tục thì càng khó khăn thêm. Giờ mình có đồ ăn thiết yếu hàng ngày là vui rồi, không dám nghĩ đến gì nữa.”
“Trong tình hình này tài chính không nhiều nên không đặt (bánh), phải bỏ thôi, chừng nào có thì ăn không có thì thôi. Thậm chí bây giờ lễ lộc hay cái gì nói chung là nhu cầu đó bỏ hết rồi. Trung thu thì ở nhà tắt cầu dao (điện) xuống, cho đốt đèn cầy chơi là xong trung thu rồi đó.”
Đèn lồng trung thu: thất thu
Rước đèn trung thu cũng là một phong tục mà trẻ em Việt thường trông chờ vào những dịp Rằm tháng 8. Chính vì vậy nhiều xưởng làm đèn lồng trung thu vẫn tồn tại bao đời qua và ăn nên làm ra.
Tuy vậy, năm nay các lễ hội cho thiếu nhi rước đèn, phá cỗ gần như vắng bóng.
Điều này cũng gây ảnh hưởng lớn đến làng nghề lồng đèn Phú Bình ở quận 11, TPHCM. Những doanh nghiệp kinh doanh ở đây cho hay họ gần như thất thu hoàn toàn, có thể nói đây là một năm thất bát nhất trong lịch sử làm nghề lồng đèn của họ:
“Năm nay do dịch, hiện tại bây giờ lồng đèn không tiêu thụ được.
Bây giờ bên chị không giao hàng cho khách vì trong thời giãn cách này mình không giao hàng được, không ra ngoài quận được, chỉ lưu hành trong quận. Thiếu nhi không được chơi, tụi chị ngưng rồi, còn ít hàng xếp chứ lồng đèn truyền thống bên chị ngưng hoàn toàn.”
“Sản lượng ít tại vì các trường họ không hoạt động, hầu hết do học sinh mua nên cũng giảm một phần lớn, thay vào đó bán những mặt hàng giá rẻ cho mạnh thường quân đi từ thiện lại hút khách.
Hiện tại chỉ ship được trong quận, những đơn lẻ ngoài quận hầu như câm lặng, không ship được nên phải hẹn người ta, nếu không được thì đành phải huy, còn người trong quận nếu đặt shipper thì vẫn ship cho người ta.
Năm ngoái 100% thì năm nay 10%, tình hình như vậy thì đâu ai cho tổ chức lễ hội, người dân cũng không ra ngoài được mà phân phối đi các tỉnh cũng không được.”