Chưa chuẩn bị cho việc học trực tuyến
PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đại biểu đoàn Bình Định mới đây trả lời bên hành lang Quốc hội cho rằng trong giai đoạn hiện nay, khi chưa tiêm phủ vắc-xin cho trẻ em thì không nên mở cửa trường mà vẫn duy trì việc học trực tuyến với các cấp.
Học trực tuyến là giải pháp mà lãnh đạo ngành giáo dục đất nước hình chữ S đã triển khai suốt nhiều tháng qua tại các địa phương, cho mọi cấp học.
Giải pháp này được nói nằm trong kế hoạch mục tiêu kép trong phòng, chống dịch COVID-19 được Chính phủ Việt Nam thông qua. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều trăn trở cho phụ huynh, nhất là những gia đình thu nhập thấp, có công việc không ổn định, cộng với những khó khăn họ phải đối mặt trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Một số phụ huynh tại nhiều tỉnh, thành (không muốn nêu tên) nêu ra thực tế họ và con, em họ đã và đang trải qua:
“Khó khăn không có tiền mua sách vở con cái đi học, tiền đâu đóng rồi sách vở con đi học hằng ngày? Trước đó làm cho công ty xong bệnh dịch thất nghiệp 2-3 tháng nay.”
“Ở thành phố Cần Thơ rất khó khăn về học tập qua mạng, online, thành ra rất bất cập, làm ảnh hưởng đến tinh thần khó khăn về vật chất cũng như điện thoại.”
“Học máy tính thì mẹ không có máy tính, có hôm tôi mượn được, hôm thì không, hôm nào mượn được thì con học, còn không có thì các con chơi rồi tự cô giáo gửi bài thì làm cho hết bài đấy, xong tự đặt câu hỏi cho con làm. Nhưng không theo kịp bằng các bạn, khi làm bài kiểm tra con tôi chỉ được 4-5 điểm, các bạn toàn được 8, 9, 10.”
Nhiều phụ huynh chia sẻ do không đủ khả năng kinh tế để mua sắm thiết bị cần thiết cho việc học trực tuyến, nên họ đã quyết định cho con thôi học:
“Thằng lớn thì nghe người ta nói đi học điện thoại mà tôi không có tiền sắm điện thoại cho nó học nên cho nó nghỉ.”
“Tôi thấy không đủ điều kiện nhưng cũng (không) biết làm sao vì tôi không đủ khả năng để mua điện thoại.”
Nghỉ học vì …con nhà nghèo
Theo thống kê Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đưa ra vào trung tuần tháng 9 vừa qua, tính đến thời điểm bấy giờ, có 1,5 triệu học sinh ở 26 tỉnh, thành đang phải học trực tuyến nhưng chưa có máy tính.
Do đó, Bộ GD&ĐT cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động chương trình ‘Sóng và máy tính cho em’, với mục tiêu được nói nhằm kêu gọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ học sinh, đặc biệt những em đang ở vùng dịch, không có điều kiện học tập trực tuyến.
Mặc dù không có con số thống kê cụ thể nhưng số lượng học sinh nghỉ học do thiếu thiết bị đáp ứng cho việc học trực tuyến thời gian qua hẳn là không ít. Như lời một học sinh tiểu học ở Cần Thơ nói với chúng tôi:
“Con không có điều kiện nên không thể mua máy tính nên con rất buồn, mong nhanh (hết) dịch để con được đi học.”
Nỗi buồn mà học sinh không được đến trường là vậy, còn với phụ huynh, những người không đủ điều kiện kinh tế nên phải đưa ra quyết định cho con dang dở việc học hành lại càng khiến họ day dứt hơn:
“Thấy buồn nhưng cũng không biết làm sao, cũng để trong lòng, thấy người ta mua cho con người ta mình cũng nôn nao nhưng tại mình không có tiền mua.”
“Thấy như vậy rất buồn nhưng không biết làm sao vì trước tôi đi bán vé số.”
“Chỉ mong bây giờ con tôi có đồ dùng học tập, tôi cứ phải đi mượn cho con học để nó thoải mái, tối đến tôi giúp đỡ con học cho con học tự tin hơn. Lắm lúc đi mượn không được về con cứ ngồi tiu nghỉu ra bảo ‘hôm nay không có bài tập cho con à?’ rồi lại ngồi khóc. Mỗi lần con khóc tôi thương lắm.”
Dù việc học trực tuyến đem đến nhiều khó khăn như vừa nêu, tuy nhiên dưới góc nhìn một chuyên gia y tế, PGS. Nguyễn Lân Hiếu cho rằng cần phải tiếp tục việc giảng dạy trực tuyến cho học sinh đến khi học sinh được tiêm ngừa vắc-xin phòng COVID-19 đầy đủ.
Vẫn theo lời PGS. Nguyễn Lân Hiếu được truyền thông nhà nước trích dẫn, một số địa phương như Phú Thọ cho đi học lại nhưng trong lớp học chỉ cần vài ca nhiễm lại phải đóng.
Do đó, theo đề xuất của vị Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trường cấp 3 sẽ được mở cửa khi học sinh THPT tiêm chủng xong, còn học sinh THCS nếu số lượng gia đình được tiêm 60 – 70% thì trường cấp 2 có thể mở cửa.
Riêng đối với cấp tiểu học, ông Hiếu đề nghị có thể đi học trực tiếp trở lại sau khi thực hiện tiêm phủ cho các cấp học và gia đình.
Hiện các phụ huynh đủ điều kiện cho con tiếp tục việc học thông qua hình thức trực tuyến cũng đang chia thành hai luồng ý kiến trái chiều.
Trong ngày 27/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết bắt đầu từ 27/10, TP.HCM sẽ tổ chức tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi 12-17. Đây là nỗ lực nhằm mở cửa trường học sau hơn nửa năm đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy vậy, hiện lãnh đạo TP này vẫn chưa đưa ra ngày cụ thể dự định mở cửa trường học. Trong khi đó, lãnh đạo chính phủ VN mới đây thông báo đặt mục tiêu sẽ mở cửa trường học lại vào đầu năm 2022.