Chuyện thánh rắc muối Nusret Gökçe dùng kiếm bén xiên một miếng thịt đút cho Bộ trưởng công an Tô Lâm trong một nhà hàng ở nước Anh khi ông này cùng đoàn Chính phủ Việt Nam đi dự Hội nghị biến đổi khí hậu tại quốc gia này đã làm dậy sóng các trang mạng xã hội. Sau đó video biến mất trên Tik tok, nhưng người ta vẫn lưu ở các trang Facebook và nhiều nơi khác. Hình ảnh làm nhớ đến chuyện rắc muối cho khỉ, một chuyện hài những lại cười ra nước mắt.
Chuyện kể rằng trong một chuyến xe của một người vận chuyển khỉ mặt chó từ Nam ra Bắc, đến đoạn đèo Ngang, tự dưng con khỉ mặt chó lớn nhất lăn đùng ra chết, như vậy số lượng thiếu mất một con. Người lái buôn nhanh trí vào trong các bản rợ để mua một con chó mặt khỉ thay vào, vậy là số lượng đủ để bàn giao bên nhận.
Khi bên nhận đến, việc đầu tiên là kiểm tra sức khỏe của khỉ bằng cách vứt một nắm trái cây, các con khỉ xúm vào tranh nhau ăn, riêng một con cứ ngồi thừ ra nhìn đám kia ăn, thi thoảng lại nhe răng hù dọa, nhưng tuyệt nhiên không ăn. Người nhận lấy làm lạ, hỏi bên giao tại sao có con không ăn, có phải nó gặp vấn đề về sức khỏe?
Người giao đang lúng túng, chưa biết trả lời sao thì liền sau đó, may mắn ghé tới, có một con khỉ ị ra sau khi ăn trái cây, con nãy giờ ngồi im chạy tới, ăn ngon lành chỗ vừa ị ra. Người giao hàng nhanh miệng, vui vẻ trả lời: “Đàn khỉ nào cũng có con đầu đàn, con đầu đàn thường quan sát, chỉ huy mọi con ăn, và thức ăn của nó bao giờ cũng đặc biệt, cũng khác thường, có con thích ăn dừa pha với đá, có con thích tìm tới mỏ vàng, tìm vàng trét vào thức ăn như thịt, trái cây mà ăn, có con lại thích ăn cứt, cứt này mà rắc thêm tí muối cho mặn nữa là nó thích lắm”.
Người nhận mừng ra mặt, gật gù: “Tốt quá, có một con đầu đàn biết hy sinh, phục vụ cho đàn vậy là tốt, chứ nếu con đầu đàn cứ ăn mấy món giống cả đàn thì chẳng bao lâu, cái chuồng khỉ sập mất, nhất là ăn vàng, kim loại trét vào thức ăn thì đi toi cái chuồng sắt! Rắc muối vào cứt thì dễ mà, tôi làm được!”.
Cuộc mua bán, trao đổi diễn ra nhanh chóng, vui vẻ, đôi bên cùng có lợi. Và nó cũng cho ra một kinh nghiệm nuôi khỉ mặt chó đầu đàn, chỉ nên nuôi những con biết ăn thứ những con khác ị ra, rắc thêm chút muối, vừa đỡ dọn chuồng, lại vừa khỏi phải lo chuồng bị phá hỏng, khỏi phải lo đàn khỉ phá bị tiêu diệt…
Nói tới chuyện ông Tô Lâm ăn bò dát vàng rắc muối, tự dưng lại nghĩ tới đàn khỉ mặt chó, nói tới đàn khàn khỉ mặt chó thì có liên quan gì tới ông Tô Lâm? Có mà không có, không có mà có.
Bởi giữa cái chuồng trại xã hội chủ nghĩa này, giữa người với khỉ có gì khác nhau? Giữa cái chuồng trại xã hội chủ nghĩa này, thân phận con người với thân phận con khỉ, con nào khá hơn con nào? Giữa cái chuồng trại xã hội chủ nghĩa này, những con khỉ đầu đàn có thực sự là khỉ mặt chó hay là giống chó mặt khỉ? Những câu hỏi ấy cứ day dứt!
Bởi lẽ, dù thế nào đi nữa, người ta cũng phải hiểu rằng ngay lúc này, Việt Nam đang lâm đại nạn, đang tứ bề thọ tử. Dịch kéo dài suốt ba tháng, gây chết chóc hàng chục ngàn người, làm điêu đứng hàng chục triệu gia đình và làm cho nền kinh tế quốc gia bị trì trệ, có hàng chục ngàn cơ sở sản xuất và doanh nghiệp phải đóng cửa vĩnh viễn vì thua lỗ, phá sản, có hàng triệu con người mất việc, có hàng chục triệu số phận đang đối mặt với tương lai đen tối, đời chưa biết về đâu… Trong khi đó, thiên tai càn quét, lũ lụt, ngập ngụa khắp ba miền và dịch bệnh vẫn đang rình rập.
Nợ công, nó như một thứ kim nhọn dưới ghế ngồi, có thể xuyên người làm đau đớn và nhiễm trùng bất kì giờ nào. Chỉ riêng đường sắt Cát Linh – Hà Đông không thôi, nợ đã nghe ngập mặt, ngập đầu. Rồi còn biết bao nhiêu thứ nợ, còn biết bao nhiêu công trình, dây chuyền sản xuất mua về bằng máu và mồ hôi của trăm triệu dân để cuối cùng trở thành đống sắt hoen gỉ như nhà máy lọc dầu Dung Quất – Quảng Ngãi… Có biết bao nhiêu thứ bất cập và gây đau khổ cho nhân dân trên đất nước này. Nhân dân đang đói ăn; nhân dân đang phải quì lạy để được về quê mà duy trì sự sống; nhân dân đang kêu gào vì oan ức và đau khổ; nhân dân đang từng ngày mò cua bắt ốc để tồn tại qua ngày; nhân dân đang ăn nhín uống nhịn từng bữa cơm, con cá để dành tiền mua sách vở cho con, để chịu đựng với nền giáo dục bóc lột một cách khôn khéo theo mọi nghĩa; nhân dân đang gồng mình chịu đựng sức nặng của nền y tế và thuốc men; nhân dân đang cõng trên lưng bữa ăn dát vàng của các lãnh đạo.
Bữa ăn trong nhà hàng ở Anh, chỗ ông Tô Lâm tới để thánh rắc muối Nusret Gökçe đút ăn là cái nơi xa xỉ nhất trong hàng xa xỉ. Bởi ngay cả giới thượng lưu, đại gia, doanh nhân ở các nước tư bản cũng đưa ra nhận định rằng ăn ở đây vừa đắt đỏ vừa kém ngon, phung phí tiền bạc. Hầu hết khách đến nhà hàng này là giới showbiz, các ngôi sao thể thao, những người có thể trong vài phút đã kiếm ra số tiền tương đương với bữa ăn đắt đỏ ở đây, họ có kĩ năng đặc biệt, họ có khả năng chi trả bởi trong kĩ năng đặc biệt của họ gánh rất nhiều may rủi của giới cá độ, giới kinh doanh thông qua quảng cáo hình ảnh… Và trên hết, việc họ tới đây ăn, cái chính là tạo ra hình ảnh đồng bộ về đẳng cấp trong thời đại thiên về thị giác và hình tướng này. Họ đến đây để sinh lợi chứ không phải để ăn.
Còn các lãnh đạo Việt Nam có kĩ năng gì đặc biệt? Có kĩ năng gì để sinh lợi cho giới cá độ cũng như giới doanh nhân thông qua hình ảnh? Và, giới lãnh đạo Việt Nam có mức lương bao nhiêu, lương của họ có bằng góc nhỏ nào mức lương của giới showbiz, của các ngôi sao thể thao? Việt Nam chúng ta giàu cỡ nào?
Trong khi đó, chúng ta đừng quên là ngay trong Hội nghị biến đổi khí hậu hay trong bất kì cuộc gặp gỡ quốc tế nào, lãnh đạo Việt Nam cũng đóng vai trò kẻ ăn xin, kẻ khất nợ. Chúng ta xin hết nước này đến nước nọ, chúng ta xin cả những liều vắc-xin của những quốc gia nghèo khó, chúng ta không ngần ngại mở miệng xin. Cái sự xin ấy trở thành đặc trưng của lãnh đạo Việt Nam khi sang các nước khác. Kể cả Cu Ba hay các nước nghèo như Lào, Campuchia, chúng ta cũng xin họ nhiều hơn là cho. Ví dụ với Cu Ba, tất cả những gì Việt Nam cho họ không bằng một góc nhỏ cái mà Cu Ba đã cho Việt Nam.
Nói như vậy để thấy rằng chúng ta, trước thế giới là một quốc gia nghèo, tuy có phát triển nhưng chưa bao giờ thoát khỏi bầu vú viện trợ của các nước, bằng cách này hay cách khác, chúng ta luôn xin. Cái sự xin này trở thành đặc trưng của một dân tộc khi đi ra bên ngoài và vô hình trung, nó cũng trở thành đặc tính đối nội. Hở cái là xin, Nhà nước xin nhân dân thông qua các mạng truyền thông để cứu trợ, cứu hộ những vùng thiên tai, dịch họa; nhân dân ngửa tay, há miệng chờ từng đồng của Nhà nước rót xuống, nhân dân cũng dần dà thấy việc nhận của ai đó thứ gì là chuyện bình thường, chuyện đương nhiên và chẳng cần suy nghĩ nhiều. Nếu có suy nghĩ chăng, thì nhân dân (đại đa số) sẽ suy nghĩ tại sao nhân dân kia có mà nhân dân mình không có, người nọ có mà ta không có… Mọi thứ suy nghĩ đều xoay quanh trục thắc mắc về quyền lợi chứ chưa bao giờ là sự thắc mắc hay phản tỉnh về giá trị con người trong xã hội.
Nói như vậy để thấy rằng, lãnh đạo của Việt Nam, dù như thế nào đi nữa, cũng cần nhớ tới lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “… danh dự con người mới là quan trọng”. Chúng ta tuy là quốc gia đi xin, lãnh đạo quốc gia tuy là những người đi xin, nhưng ăn mày cũng có cái danh dự của ăn mày, chỉ có những ăn mày trá hình mới giảo hoạt, mánh lới, trí trá và trơ tráo thôi, chứ còn ăn mày thực tâm, họ có lòng tự trọng cũng như danh dự của họ.
Chỉ có loại ăn mày trá hình mới sáng đi lăn lóc đầu đường xó chợ, băng tay cột chân để đánh vào lòng thương xót của người khác, tối về tắm rửa sạch sẽ, dắt gái đi nhà hàng ăn uống, chơi bời đú đởn. Còn những ăn mày chân chính, cho dù ngày đó trúng mánh cỡ nào thì họ cũng im lặng mà cất giữ, mà dè sẻn chi tiêu, mà phòng khi trái gió trở trời, có giỏi lắm cũng lặng lẽ ăn thêm miếng thịt, cái trứng trong dĩa cơm là cùng. Chẳng có ăn mày chân chính, có lương tri nào dám đú đởn ăn chơi, ngoại trừ loại tráo trở chuyên nghiệp.
Nói như vậy để thấy, sự xa hoa, hưởng lạc, bất chấp của các lãnh đạo Việt Nam đã đến lúc phải xem lại, phải tu bổ về nhân cách, phẩm cách và đạo đức, cho dù đó chỉ là hình thức. Bởi chúng ta chưa thôi thân phận ăn mày, hoặc giả chúng ta đã đủ giàu những chưa bỏ được thói quen ăn mày, thì hỡi các ngài lãnh đạo, xin các ngài chịu khó hoặc là bỏ thói quen ấy đi, và khi nào bỏ hẳn thói quen xin xỏ, khi nào thấy mình đủ tư cách cũng như trách nhiệm và tiềm lực, thì hãy ung dung bước vào nhà hàng, hãy ung ung hưởng lạc khi mà các ông chủ Nhân dân của các ngài thấy điều đó là hợp lý, là hợp lẽ trời.
Và lúc đó các ngài cứ ung dung mà ăn chơi, chẳng phải lo xóa video gì cả… Còn bây giờ, chúng ta bước trước đi xin, bước sau ăn chơi đú đởn như vậy thật là khó coi, nhục nhã. Nhất là khi các lãnh đạo những quốc gia từng cho chúng ta, họ sang chúng ta cũng chỉ ăn những món bình dân, rẻ, mang hồn cốt văn hóa, còn chúng ta, những kẻ cúi mặt ăn xin lại lén lút vào những chỗ cao lương mỹ vị, vung tiền như nước!
Làm như vậy vừa tổn hao tiền bạc của quốc gia, vừa tổn hao danh dự quốc gia, quốc dân và xấu mặt lắm lắm, ê chề lắm lắm!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do