Đối với câu hỏi tại Quốc hội về các gói hỗ trợ người dân do dịch COVID-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói:
“Sau bốn tháng, tôi có thể nói rằng trong các chính sách của chúng ta thực hiện còn điều này điều kia, nhưng cơ bản tôi xin nói là cái chính sách này đang đi đúng hướng và hiệu quả và được dư luận xã hội cũng như người thụ hưởng đồng ý. Tôi thấy được điều này…
Hiện nay trong tổng số ngân sách Nhà nước, mặc dù khó khăn nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp hạng đứng đầu khối ASEAN về đầu tư ngân sách cho an sinh xã hội, mặc dù còn rất nhiều khó khăn…
Cho đến nay thì cơ bản, các chính sách này đi vào cuộc sống… Cho đến giờ này, chúng ta đã giải ngân khoảng 60.000 tỷ, với hỗ trợ cho trên 40 triệu lượt người và trên 500 ngàn người sử dụng lao động. Và về cơ bản việc triển khai này là công khai, minh bạch, đúng đối tượng.”
Chính sách hỗ trợ “đúng hướng, hiệu quả”?
Nhận xét về phát lời báo cáo của người đứng đầu Bộ LĐTB&XH, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nói với RFA rằng cái chữ “cơ bản” trong câu trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung rất mơ hồ, ai muốn hiểu sao cũng đúng:
“Cái chữ “cơ bản” thì hiểu thế nào cũng được. Nếu 100 người cần mà chỉ có 51 người được thì kết quả nó là cái gì, chả là cái gì hết! Thế nên nói theo cái giọng ấy là không được!
Nhìn chung mà nói thì chính sách phải nói là nó đúng, nhưng cách làm thì cả địa phương và Trung ương đều có những chỗ bị chậm, chứ chưa nói gì đến chuyện minh bạch hay không.
Nhưng tôi có thể đảm bảo là người ta không ăn cắp tiền. Tôi không nghĩ là người ta ăn cắp tiền cứu trợ đâu. Nhưng mà có một chỗ phải nói là người ta cần nhiều nhưng anh không cho người ta được nhiều, vì Chính phủ nghèo mà người dân cũng nghèo, cứu trợ chỉ tượng trưng thôi mà lại chậm.”
Một thạc sỹ Chính sách công trong nước yêu cầu không nêu danh tính vì lo ngại an ninh, trả lời RFA rằng nếu chính sách an sinh xã hội của chính quyền tốt thì đã không có những cảnh người dân ồ ạt rời bỏ các thành phố về quê, cũng sẽ không có hiện tượng người dân kêu cứu, thiếu ăn, thiếu thuốc men như giai đoạn vừa rồi:
“Không có chính sách tốt nếu thực thi kém. Vì chính sách đã bao gồm trong đó lượng định phần thực thi luôn rồi. Chẳng hạn, nếu Chính phủ đưa ra chính sách hỗ trợ cho người dân mà cuối cùng tiền không đến được tay người dân thì đó là lỗi của Chính phủ, của chính sách chứ không thể đổ cho địa phương được.
Mục tiêu chính sách đề ra là phân phát kịp thời đến tay người dân, mà không đạt được thì chính sách thất bại.
Như vừa rồi, các địa phương có thể đưa ra lý do là thiếu người phân phát hoặc mất thời gian rà soát, thì chính sách phải tính tới những cách phân phát nhanh chóng hơn, bằng cách thông qua tài khoản ngân hàng chẳng hạn.”
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư vừa qua ở các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, Chính phủ tung ra gói hỗ trợ giá trị 26.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TPHCM cũng chi thêm ba gói hỗ trợ riêng dành cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trong báo cáo sơ bộ của Sở LĐTB&XH thành phố HCM, đến ngày 7/11 là thời hạn cuối cùng để các quận huyện chi trả số tiền trong gói hỗ trợ đợt ba, nhưng có đến hơn 1,4 triệu người chưa nhận được tiền. Phó chủ tịch UBND thành phố HCM Võ Văn Hoan cho biết thành phố sẽ cố gắng hoàn thành chi trả cho những trường hợp trên trước ngày 22/11 sắp tới.
VN xếp tốp đầu ASEAN về chi an sinh xã hội?
Về phát ngôn “Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp hạng đứng đầu khối ASEAN về đầu tư ngân sách cho an sinh xã hội”, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, từng làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nói rằng ông Bộ trưởng phát biểu như vậy nhưng chưa chắc ông ấy đã hiểu được lời ông ấy nói.
Bởi vì, theo ông, mỗi nước trong khối ASEAN hiểu an sinh xã hội theo một kiểu. Về hệ thống an sinh xã hội thì có nhiều loại. Một loại là của những nước không thu quá nhiều thuế, nên hệ thống an sinh xã hội nhỏ. Còn một bên nữa là gần với Cộng sản thì ngược lại, thu thuế rất cao, về mặt lý tưởng mà nói thì những nước thu thuế rất cao như thế thì người dân đi chữa bệnh, đi phương tiện công cộng hoặc các dịch vụ khác sau khi nghỉ hưu sẽ không phải đóng một khoản tiền nào hết:
“Việt Nam nói rằng họ thuộc về phía bên chủ nghĩa xã hội, nhưng mà ở trong ruột chả có cái gì hết. Thực tế nó là như thế. Cho nên là người ta cứ nói dối với nhau như thế thôi. Những cái từ đó là những cái từ mà bản thân ông Bộ trưởng, tôi nghĩ rằng cũng không hiểu.” – TS Hà Hoàng Hợp
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp giải thích các gói hỗ trợ người dân cũng như doanh nghiệp từ khi xảy ra dịch COVID cho tới giờ không nằm trong hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam, mà nó là thuộc các quỹ cứu trợ của Chính phủ, rót tiền xuống thông qua Bộ LĐTB&XH để phát cho người dân, nhưng về mức độ minh bạch giải ngân các gói hỗ trợ này thì không ai kiểm chứng được.
Trên Cổng thông tin chính thức của Bộ LĐTB&XH, trong phần “Công khai ngân sách”, chỉ có văn bản công khai dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 dành cho bộ này, chứ chưa có báo cáo về giải ngân các gói hỗ trợ COVID-19.
Kiểm tra trên trang “Cổng công khai ngân sách Nhà nước” thuộc Bộ Tài Chính, ở đây cũng chỉ mới đăng thông tin về “dự toán ngân chi ngân sách Nhà nước năm 2021”, chứ chưa có báo cáo về các khoản chi cho an sinh xã hội.
Tuy nhiên, báo chí trong nước đưa tin về buổi Tọa đàm “Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2022 – Khả năng đáp ứng mục tiêu về an sinh xã hội” diễn ra hôm 5/11 vừa qua, thạc sỹ Nguyễn Minh Thu từ Viện Lao động và Xã hội đánh giá rằng tổng các gói được ban hành trong năm 2021 chỉ chiếm chưa đến 1% GDP cả nước.
Theo bà, mức hỗ trợ một lần cho lao động tự do không đáp ứng mức sống tối thiểu, còn mức hỗ trợ lao động có hợp đồng lao động trong một số trường hợp không bằng tiền lương tối thiểu quy định của Nhà nước.