166 ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt giữ vì đánh bắt cá trộm trong vùng biển của nước này vừa được trao trả cho Việt Nam hôm thứ hai, ngày 15/11/2021.
Một giới chức thuộc Bộ ngư nghiệp và các vấn đề trên biển của Indonesia cho RFA biết những ngư dân này đã rời đảo Batam, nơi họ bị giam giữ, trong một chuyến bay về nước.
“Việc hồi hương những người không phải đối mặt với pháp lý sẽ được tiếp tục theo các giai đoạn”, Đô đốc Adin Nurawaluddin, Giamd dốc phụ trách việc giám sát các tài nguyên biển và nguồn lợi thuỷ sản của bộ này cho biết trong một tuyên bố của bộ.
Hồi cuối tháng 9 vừa qua, Indonesia cũng trao trả cho Việt Nam 200 ngư dân khác từ đảo Batam trên một chuyến bay được Chính phủ Hà Nội thu xếp. Đô đốc Adin cho biết phía Indonesia vẫn đang làm việc với Đại sứ quán Việt Nam ở Jakarta để thực hiện các chuyến hồi hương cho ngư dân Việt Nam.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào tháng ba năm 2020, đã có khoảng 500 ngư dân Việt Nam bị kẹt lại tại Indonesia, một số người đã ở các trung tâm giam giữ hơn một năm.
Indonesia hiện vẫn còn giam giữ 132 ngư dân Việt Nam khác tại những nơi khác, theo ông Teuku Elvitrasyah, một giới chức thuộc Bộ ngư nghiệp nước này. Ông cho biết ông hy vọng những người này sẽ sớm được hồi hương.
Các giới chức Indonesia cho biết đại dịch đã ngăn cản việc hồi hương nhanh chóng các ngư dân về nước và Chính phủ Việt Nam đã không cố gắng trong việc sắp xếp các chuyến bay hồi hương cho ngư dân của mình.
Một số ngư dân Việt Nam bị giam giữ ở Indonesia cho RFA biết họ bị kẹt lại tại các trung tâm giam giữ nhiều tháng có khi hàng năm trời, trong khi điều kiện sinh sống gặp nhiều khó khăn, thiếu đồ ăn, thâm chí bị đối xử thô bạo. Họ cũng cho biết, họ không thể về nước vì không có tiền trả vé máy bay.
Phía Indonesia bác bỏ cáo buộc bỏ đói ngư dân Việt Nam tại các trung tâm giam giữ.
Kể từ tháng một đến tháng 10 năm nay, Indonesia đã bắt giữ 48 tàu các nước ngoài bị cáo buộc đánh cá trộm trong vùng biển của Indonesia, trong số này có 25 tàu Việt Nam.
Hiện Indonesia và Việt Nam vẫn còn một vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn chưa phân định gần quần đảo Natuna của Indonesia. Đây cũng là vùng nước mà một số ngư dân Việt Nam cho RFA biết họ bị bắt giữ.
Ông Abdul Halim, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biển của Indonesia cho BenarNews biết ranh giới trên biển không rõ ràng đã khiến các ngư dân Việt Nam đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Ngoài ra, ông cũng cho biết việc thiếu nguồn cá cũng khiến các tàu cá của ngư dân Việt Nam vào vùng biển của Việt Nam.