Ngày 26 tháng 11, chính quyền tỉnh Bình Dương ra quyết định phạt hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng đối với YouTuber Long Ngô, sau khi ông này phát biểu trên video phát trực tiếp rằng “báo chí của cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng”.
Quyết định xử phạt trên được đưa ra sau khi Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử kết luận rằng ông Long đã “xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín” của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Một số kênh Youtube phỏng vấn ông Long sau buổi làm việc với chính quyền, ông này tiết lộ buổi làm việc thoải mái và không có gì nghiêm trọng:
“Buổi làm việc chỉ xoay quanh việc “lỡ lời” hôm đó thôi, chứ không hề liên quan đến hình sự hay là cái gì cả. Sau này các anh ấy cũng giải trình là lần sau nên phát biểu thận trọng, và hướng dẫn cho mình cái cách “chửi” cho nó tế nhị hơn. Nói chung là như vậy!“
Ông Long có một số kênh Youtube, trong đó đăng tải các video chỉ trích nhiều cá nhân khác nhau trong đó có giới nghệ sĩ. Ông này cũng đăng nhiều bài chỉ trích giới đối lập với chính quyền Cộng sản.
Bình luận về việc Sở TT&TT tỉnh Bình Dương ra quyết định xử phạt hành chính đối với người ủng hộ bà Nguyễn Phương Hằng, một luật sư nhân quyền từ Hà Nội nói với RFA với điều kiện giấu tên vì lý do an ninh, cho rằng:
“Thì theo điều 25 của hiến pháp 2013, thì công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội và biểu tình. Với những cái hoạt động của ông Long Ngô và bà Phương Hằng thì tôi cho rằng những người này đang thực thi cái quyền tự do ngôn luận.
Tuy nhiên là với những cái quy định dưới hiến pháp hiện nay của Việt Nam thì cái hành vi của ông Long Ngô và bà Phương Hằng có khả năng bị quy chụp là thông tin sai sự thật, hoặc là có những hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, điều mà nhà nước Việt Nam vẫn hay sử dụng để kết tội những người đấu tranh dân chủ, hoặc là đòi quyền tự do, quyền con người.”
Ngoài ra, vị luật sư này cũng bình luận về việc bản thân vợ của doanh nhân Dũng “lò vôi” cách đây không lâu cũng đã gọi người khác là phản động chỉ vì quan điểm trái chiều, nhưng nay chính bà lại đang có nguy cơ trở thành nạn nhân của những điều luật vốn trước nay được dùng để áp dụng đối với những người mà nhà cầm quyền cho là phản động:
“Bản chất của những cái điều luật này, được nhà nước Việt Nam thiết kế ra để hạn chế những tiếng nói tự do ngôn luận, hoặc là những tiếng nói của phía đối lập. Cái nguy hiểm của những điều luật này là bất kỳ ai cũng có thể quy chụp người khác là người ta lợi dụng cái quyền tự do dân chủ để có thể yêu cầu cơ quan nhà nước xử lý, can thiệp.
Ví dụ như là trường hợp của bà Phương Hằng, ban đầu thì bà ấy nói rằng những người như ông Trương Quốc Huy, khi ông Huy có những tiếng nói đối lập, phản biện lại nhà nước, thì bà ấy cho rằng ông Huy là phản động. Nhưng mà bà ấy không ngờ rằng là khi mà bà ấy có những tiếng nói đối lập với những người làm việc trong cơ quan nhà nước chẳng hạn, ở đây như là ông Nguyễn Đức Hiển, thì bà ấy lập tức bị quy chụp là lợi dụng quyền tự do dân chủ.”
Để kết luận, vị luật sư nhân quyền cho rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của những điều luật mà nhà nước thiết kế ra nhằm bóp nghẹt tự do ngôn luận.
YouTuber Long Ngô, tên thật là Ngô Thanh Long là một trong những khách mời tham dự buổi livestream trên, ông là người chỉ trích truyền thông và báo chí nhà nước vì đã cùng với giới nghệ sĩ và những tiếng nói bất đồng chính kiến với nhà nước chỉ trích bà chủ của khu du lịch Đại Nam.
Sau khi buổi giao lưu với khản giả trên được trình chiếu, nhiều đài báo ở Việt Nam đã đồng loạt đăng bài tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng và ông Ngô Thanh Long. Trong đó đáng chú nhất là việc ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP. HCM gửi đơn yêu cầu khởi tố nữ doanh nhân theo điều 331 của Bộ luật Hình sự vì tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ.”