Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội sáng ngày 31 tháng 12 tuyên án 5 năm tù giam đối với nhà báo công dân Lê Trọng Hùng chỉ sau khoảng hơn ba tiếng đồng hồ xử án.
Ông là người nộp đơn ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 tại Hà Nội và bị bắt không lâu sau đó với cáo buộc tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Hùng nói thêm về phiên toà:
“Phiên toà hôm nay bắt đầu từ tám rưỡi cho đến 12 giờ 15 thì kết thúc, thì toà tuyên án năm năm tù và năm năm quản chế”.
Ông cho biết phía đại diện Viện kiểm sát không hề trả lời các câu hỏi của luật sư, cũng như từ chối tranh luận về những cáo buộc mà cơ quan này đưa ra đối với ông Lê Trọng Hùng.
Đánh giá chung về diễn biến và kết quả của phiên tòa, vị luật sư của Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết:
“Tôi cho rằng hiện nay người ta vẫn dùng cái giám định về mặt quan điểm, thế nhưng mà người giám định thì không bao giờ đến toà để giải trình cái căn cứ giám định tại sao lại là chống nhà nước cả, cái điều luật 117 rất mơ hồ, người ta không bám vào các quy định hiện có nên người ta thường kết tội theo chủ quan là nhiều. Thì tất nhiên nó là một cái bản án oan!”
Theo luật sư Sơn, có bốn video clip được ông Lê Trọng Hùng đăng tải lên trang cá nhân bị Viện kiểm sát làm chứng cứ để truy tố gồm: “Đào tạo dân biểu 4.0 Bài 8 “Tại sao công dân trưởng thành có bổn phận tranh cử”; Trưa không ngủ ngày 17/5/2020 “Khi nền tư pháp đóng vai trò phá huỷ pháp luật thì phải ứng xử như thế nào với nó?”; Tại sao có quá nhiều công dân bị oan sai? Làm gì để giải quyết rứt điểm vấn nạn này? và Thư khẩn gửi Quốc hội yêu cầu khẩn cấp mở Toà Bảo hiến để xử về vụ Đồng Tâm.
Ông Hà Huy Sơn trình bày luận cứ trước tòa cho rằng, bị cáo không có hành vi phỉ báng chính quyền nhân dân mà ngược lại bị cáo đã tự bỏ tiền để mua hàng ngàn cuốn Hiến pháp 2013 để phổ biến và tặng cho hàng ngàn người; bị cáo đã thực hiện hàng trăm đoạn video phát trực tiếp phổ biến Hiến pháp 2013 và pháp luật trong thời gian nhiều năm trước khi bị bắt.
Về phía gia đình không hề nhận được giấy mời tham dự phiên tòa, thậm chí công an Hà Nội còn canh giữ trước cửa nhà nhằm ngăn chặn người thân đến toà án, và mặc dù sau đó đã cho người thân của ông Hùng được rời khỏi nhà, nhưng cuối cùng vẫn chặn lại ở đầu đường dẫn vào khu vực tòa.
Trả lời phỏng vấn của RFA, bà Đỗ Lê Na – vợ của ông Hùng cho biết suy nghĩ của bà khi nghe tin kết quả phiên toà xử chồng mình:
“Tôi chỉ có thể nói rằng là tôi rất thất vọng, đó là cảm nhận chung. Còn nếu để nhận xét về phiên toà hay bản án đối với chồng tôi, thì tôi có thể nói luôn rằng là tôi phủ nhận cái phiên toà này. Nó hoàn toàn không có ý nghĩa gì hết vì nó không tôn trọng một cái chuẩn mực nào về hiến pháp cũng như những giá trị phổ quát của nhận loại, cho nên là đối với tôi thì tôi xem phiên toà này không có giá trị.”
Khi được hỏi liệu gia đình có kháng cáo bản án mà toà đưa ra hôm nay, bà Na cho biết:
“Chồng tôi đã tuyên bố thẳng trước tòa là anh ấy sẽ kháng cáo. Tôi nói thật là gia đình tôi, bản thân tôi không còn tin tưởng vào hệ thống pháp luật này nữa, tuy nhiên là vì chồng tôi đã quyết định nên chúng tôi tôn trọng quyết định của anh ấy thôi.”
Ông Lê Trọng Hùng, sinh năm 1979, bị bắt vào ngày 27 tháng 3 năm 2021 không lâu sau khi nộp đơn ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 tại thành phố Hà Nội, và chỉ còn hai tháng trước khi cuộc bầu cử diễn ra.
Hai ngày trước phiên xử, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam nên hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích ứng cử viên chính trị độc lập Lê Trọng Hùng ngay lập tức.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng, việc bỏ tù các nhà hoạt động như ông Lê Trọng Hùng – người dám đứng ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập cho thấy các cuộc bầu cử ở Việt Nam đã bị dàn dựng đến mức nào.