Một học lớp chín tên H.N, học trường trung học cơ sở Minh Hạc, huyện Hạ Hoà, Phú Thọ, tử vong sau khi tiêm vắc-xin mũi thứ hai vào ngày 17/1. Nguyên nhân tử vong được gia đình cho biết là do sốc phản vệ. Trước đó hơn một tháng, cháu H.N đã phải cấp cứu sau khi tiêm mũi một.
Ông T, là bác ruột của nữ sinh này cho biết vào tám giờ sáng ngày 17/1, cháu H.N đến trường để tiêm vắc-xin COVID-19 mũi thứ hai, loại Pfrizer, theo yêu cầu tiêm chủng chung của nhà trường.
Sau khi tiêm 20 phút, cháu có hiện tượng co giật. Nhân viên y tế tại đó lấy bình oxy hô hấp tạm thời, trong khi chờ xe cấp cứu đến chở lên bệnh viện huyện. Lên đến bệnh viện huyện thì cháu H.N nôn ra máu, nên phải đẩy lên bệnh viện tỉnh, nhưng không qua khỏi:
“Biểu hiện của cháu là sau 20 phút cháu có hiện tượng co giật, thế là bác sĩ ra lấy bình oxy hô hấp tạm thời. Khoảng tầm 30 phút sau thì mới đưa được lên bệnh viện huyện thì cháu bị nôn ra máu, thế là phải chuyển lên tuyến tỉnh.
Bên công an điều tra, viện kiểm sát và pháp y đến thì cũng đòi mổ xẻ cháu, nhưng gia đình cũng xin tìm ra nguyên nhân chết của cháu kết luận là do tiêm vắc-xin bị sốc phản vệ, thế là không mổ xẻ nữa, chỉ khám tử thi bên ngoài thôi.”
Ông T, cho biết cháu mình vốn khoẻ mạnh, không có bệnh nền gì. Khi tiêm mũi một vào ngày 3/12, cháu H.N cũng bị co giật, phải cấp cứu ở bệnh viện huyện:
“Đợt một thì cấp cứu nhẹ cũng lên bệnh viện huyện rồi. Đợt hai hôm đấy tiêm thì cũng một số y bác sĩ ở đấy bảo là không cho tiêm, nhưng một số người lại bảo là nên tiêm, tiêm cho cháu rồi thì cháu bị hiện tượng đó.”
Trên các trang web chính thức, cũng như Facebook page của Trung tâm Y tế huyện Hạ Hoà không có một thông tin nào về vụ việc nữ sinh ở địa phương này tử vong sau khi tiêm vắc-xin COVID-19.
Phóng viên RFA gọi điện đến tất cả số điện thoại của Trung tâm Y tế huyện Hạ Hoà, được đăng công khai trên các trang web chính thức của bệnh viện này nhưng không ai nghe máy dù trong giờ hành chính.
CDC Việt Nam cập nhật hôm 11/1, khuyến cáo thiếu niên từ 12 tuổi trở lên nên tiêm vắc-xin COVID-19, theo liều lượng như người lớn.
Từ khi Việt Nam tiến hành tiêm vắc-xin COVID cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi, đã xảy ra một số vụ trẻ bị sốc phản vệ, qua đời sau khi tiêm. Ít nhất là ba vụ việc sau đây được báo chí Nhà nước đưa tin:
Nữ sinh lớp 9 ở Thường Tín, Hà Nội tử vong vào ngày 28/11/2021, chỉ một ngày sau một ngày tiêm vắc-xin COVID-19; Hai học sinh ở Bắc Giang sốc phản vệ nặng, cấp cứu nhưng một em không qua khỏi; Nam sinh 11 tuổi ở Bình Phước tử vong sau khi tiêm vắc-xin vào ngày 30/11/2021, và 86 học sinh ở Thanh Hoá phải nhập viện cấp cứu sau khi tiêm vắc-xin. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bất an.
Tiến sỹ ngành Sinh Học Phân Tử trong Y Học Nguyễn Hồng Vũ đưa ra lời khuyến cáo trong một video được đăng trên trang YouTube của ông hồi tháng 12/2021, nói rằng khi trẻ em mắc bệnh COVID-19 thì hầu hết chỉ bị bệnh nhẹ, khỏi nhanh và không có triệu chứng. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ là bị trở nặng hoặc tử vong, và phần đông các em đó có bệnh nền.
Tiến sỹ Vũ đề ra một “Tiến trình tiêm chủng trẻ em an toàn” với bốn điểm chính. Thứ nhất, nên dừng lại chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 cho cho trẻ em Việt Nam dưới 18 tuổi trên diện rộng. Bởi vì tỷ lệ bị phản ứng phụ mạnh và tử vong là quá cao. Chúng ta không thấy được lợi ích so với nguy cơ ở trong đó.
Thứ hai là chỉ nên tổ chức tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi có nguy cơ cao với bệnh COVID-19 như béo phì, tiểu đường, hoặc có các bệnh về hô hấp.
Thứ ba, bắt buộc phải tiêm chủng COVID-19 cho trẻ em ở bệnh viện hoặc trung tâm y tế có hệ thống cấp cứu sốc phản vệ. Vì trẻ em có phản ứng phụ xảy ra với tỷ lệ cao hơn người lớn.
Thứ tư là nên lập những nghiên cứu lâm sàng riêng để khảo sát liều lượng an toàn cho trẻ em Việt Nam, có nhóm đối chứng và có những nhóm đánh giá độc lập.