Nhà báo, blogger Nguyễn Tường Thuỵ thông báo với thân nhân rằng ông đã gửi hai lá đơn, một là đơn đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm gửi Viện kiểm sát Nhân dân cấp cao (VKSNDCC) tại TPHCM, hai là đơn tố cáo về những vi phạm của các cơ quan tư pháp TPHCM, gửi giám đốc Công an TPHCM.
Thông tin về việc gửi đơn tố cáo và yêu cầu giám đốc thẩm được ông Thuỵ viết trong một lá thư gửi cho vợ của mình là bà Nguyễn Thị Lân, trong chuyến thăm nuôi hôm 22/1/2022.
Hai lá đơn này được ông Thuỵ viết từ trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương), vào ngày 14/9/2021.
Đến ngày 19/10/2021, VKNDCC tại thành phố Hồ Chí Minh có gởi lại giấy biên nhận đã nhận đơn và xác định đơn thuộc quyền giải quyết của cơ quan này và báo cho người làm đơn biết.
Ông Thuỵ cho biết nội dung đơn xem xét giám đốc thẩm đề cập đến chín nội dung, trong đó có các nội dung chính là:
– Ngụy tạo vật chứng: Kết luận điều tra viết có thu giữ bộ tài liệu 13 trang liên quan đến vụ án khi khám xét nhà. Tuy nhiên, ông Thuỵ cho biết khi công an khám nhà, cán bộ không thu giữ được bộ hồ sơ nào. Tài liệu đó là do họ tự lên mạng tải về.
– Bản án phản ánh không đúng với diễn biến của phiên tòa: Theo bản án, Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thuỵ khai nhận toàn bộ hành vi, nhưng lại có đoạn Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thuỵ đề nghị trả hồ sơ điều tra lại. Theo ông Thuỵ, đây là hai việc mâu thuẫn nhau, vì đã khai nhận toàn bộ sao lại đề nghị điều tra lại.
Về đơn tố cáo, ông Thuỵ nói Cơ quan An ninh điều tra đã làm sai lệch nội dung các lời khai, nguỵ tạo vật chứng, gán ghép hành vi… Ngoài ra, còn có việc cưỡng bức lấy dấu vân tay, gây thương tật bên bàn tay trái.
Ngày 27/10/2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM gửi thông báo nói rằng đơn không thuộc quyền giải quyết của cơ quan này.
Bà Lân nói với RFA rằng cuộc thăm gặp diễn ra trong khoảng một tiếng, chủ yếu trao đổi về chuyện gia đình. Nếu đề cập đến việc khiếu nại bản án sẽ bị cán bộ trại giam dừng cuộc nói chuyện ngay.
Sức khoẻ của ông Nguyễn Tường Thuỵ hiện nay không được tốt. Ông thường xuyên bị đau đầu, đau lưng, đi ngoài liên tục nên mất sức, không viết nổi. Bà Lân cho biết
“Về sức khỏe thì bác Thuỵ không khỏe đâu. Bác ấy bây giờ bị bệnh đi ngoài. Bác bảo bây giờ rất là mệt không muốn viết nữa. Xong rồi đau đầu nữa, cứ đau đầu một lúc khỏi xong rồi lại đau đầu. Thế rồi bác còn bị đau lưng, nhưng đợt này cũng đỡ đỡ…”
Ngoài ra, bà Lân còn cho rằng Chính quyền đang làm mọi cách gây áp lực để ông Thuỵ nhận tội. Bà cho biết trước đây ông Thuỵ đã tính trước sẽ có ngày bị bắt, nên đã uỷ quyền cho vợ nhận lương hưu.
Đến nay giấy uỷ quyền đã hết hạn, phải làm giấy khác, nhưng buộc phải điền theo mẫu đơn có sẵn. Trong phần lý do uỷ quyền có nội dung “phạm tội gì”. Ông Thuỵ cho rằng mình không phạm tội nên đã hai lần tự viết giấy uỷ quyền không theo mẫu, nhưng không được chấp nhận. Do đó từ tháng sau, bà Lân không được nhận tiền hưu trí của chồng nữa:
“Bác Thuỵ có lương hưu. Bây giờ phải có giấy ủy quyền thì người ta mới cho lĩnh, nhưng mà giấy ủy quyền nó cứ bắt làm theo mẫu của nó có mục là “phạm tội gì”.
Bác Thuỵ không muốn ghi như thế. Hai lần rồi bác ủy quyền nhưng nó đều không cho, nhưng nếu mình điền vào mục “phạm tội” thì là mình nhận tội à!
Bây giờ không phải thi hành án là mình được yên đâu. Suốt ngày nó cứ gây áp lực để cho mình nhận tội.”
Nhà báo, blogger Nguyễn Tường Thuỵ, năm nay 72 tuổi. Ông bị bắt vào ngày 23/5/2020 và đang chịu mức án 11 năm tù giam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” trong phiên toà sơ thẩm vào ngày 5/1/2021, cùng với hai người khác thuộc Hội Nhà báo Độc lập là Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn. Ông Nguyễn Tường Thuỵ và Phạm Chí Dũng quyết định không kháng cáo.