Vấn đề thí sinh quan tâm không phải là cơ hội trúng tuyển mà là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, ngành Khoa học- Xã hội-Nhân văn, Báo Chí, Ngôn Ngữ, đặc biệt môn Lịch Sử, sẽ chiếm ưu thế trong năm năm tới… là kết quả từ buổi tư vấn trực tuyến trên báo Tuổi Trẻ tuần trước.
Các bộ môn được chú ý trước mùa tuyền sinh 2022, và những năm tiếp đó nữa, là khối Khoa học Xã hội và Nhân văn gồm Ngôn Ngữ, Truyền Thông đa phương tiện, Lịch Sử ,Tâm Lý học.
Ngoài Ngôn Ngữ, tức tiếng Anh là cần thiết cho mọi thời, phần nhận định còn lại khá hồ đồ, nếu không muốn nói là ngớ ngẩn, về chuyện chưa xảy ra trong tương lai, là lời chuyên gia Đông Nam Á và Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp:
“Năm năm nữa Việt Nam mình rất cần sự phát triển mạnh về kinh tế, từ đấy mới ra được người ta cần cái gì. Ngay cả những người chỉ biết tiếng Anh thôi thì cũng không thể nào góp vào việc phát triển kinh tế được.
“Truyền thông đa phương tiện sẽ là một thị trường, lớn, nhưng thị trường ấy nếu muốn phát triển được, muốn làm ra tiền được, muốn mang lại giá trị tinh thần và vật chất cho từng cá nhân và từng nhóm người hay cho cả xã hội này thì nó lại có những tiêu chuẩn riêng mà buổi đánh giá này chẳng thấy nói gì cả.”
Đáng chú ý nhất là khi gợi nhắc môn Lịch Sử thì báo cũng không có sự đánh giá cụ thể, là tại sao môn học đó lại “đắt hàng” trong năm năm tới. Vẫn lời Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp:
“Nếu muốn nó trở thành một ngành nhiều người vào thì phải động viên người ta có sự nghiên cứu cho thật tốt, phải dũng cảm viết lên sự thật, dũng cảm nhìn vấn đề cũ sao cho vừa đúng với bản chất vừa có tác dụng mang lại bài học cho tương lai. Và cho hiện tại. Nói một cách tích cực thì sự hòa hiếu, hòa giải dân tộc từ 1975 đến nay thì chắc chắn phải viết lại”.
Và Tâm lý học lại càng không thể là món hàng ‘đắt như tôm tươi’ được bởi những lý do và bản chất phức tạp của nó:
“Thậm chí những chiều hướng nghiên cứu Tâm lý học theo lối cũ, dẫn đến cái tâm lý về chiến tranh hay những tác động về chính trị, tuyên truyền, thì nó sẽ càng ngày càng bị mai một đi chứ không phải là nó sẽ được phát triển. Tâm lý học cá nhân thì còn có thể nói được, chứ còn Tâm lý học của cả một cộng đồng, tức Tâm lý học Xã hội, thì nó tạo nên, nó hình thành cả hệ thống giá trị của một quốc gia. Cho nên tất cả sự đánh giá này chốt lại không đi đến đâu hết, hời hợt, nông cạn và linh tinh”.
Đối với Giáo sư Hà Tôn Vinh, Giám đốc Trường Đào Tạo Nhân Lực Stella Management ở TPHCM, những bộ môn Khoa học Xã hội mà báo cho là đắt hàng như Ngôn ngữ, Tâm lý học thì có thể đúng, duy chỉ môn Lịch sử thì không thể nói là đặc biệt và phổ biến được, và nên chăng cần hiểu là:
“Lịch sử ở Việt Nam thường là nói về lịch sử Đảng, lịch sử hoạt động cách mạng. Mà môn Lịch sử ở Việt Nam là một trong những môn yếu nhất. Thứ nhất là không được ghi chép đầy đủ, không được ghi chép khoa học, thí dụ như ngày 30/4/1975, ngày gọi là 2 miền Nam Bắc hợp nhất”
“Người được đào tạo bài bản để ghi chép lịch sử chính xác cho thế hệ mai sau là một nhu cầu của xã hội phải để ý tới. Chứ còn tiếng Anh thì dễ vì là ngôn ngữ quốc tế rồi, ai cũng cần phải học”.
Còn so sánh giữa Truyền thông đa phương tiện và Tâm ýl học thì Truyền thông đa phương tiện mới chính là món hàng đắt như tôm tươi trong thời đại công nghệ thông tin và một thế giới phẳng mà Việt Nam đang dần hội nhập. Giáo sư Hà Tôn Vinh khẳng định:
“Việt Nam có 98 triệu dân, khoảng 68 đến 70 triệu người có Internet. Người Việt lên mạng gần bảy tiếng đồng hồ/ngày. Đó là con số ấn tượng. Việt Nam bắt đầu đi sâu vào vấn đề số hóa, chuyển đổi số, Chính phủ số…Tôi nghĩ bốn ngành đó mà họ muốn đẩy mạnh để sinh viên nên theo đuổi cũng là có cái lý của họ”.
Và đây là ý kiến của doanh nhân trẻ, cô Thùy Vi, một CMO, giám đốc truyền thông và tiếp thị của TD Bank ở Hà Nội:
“Thật ra các ngành về kinh tế, ngoại thương vẫn là những ngành nóng.Tuy nhiên về các ngành Khoa học, Xã hội và Nhân văn, báo chí, ngôn ngữ là những ngành có cơ hội và tiềm năng phát triển cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt ngành có xu hướng hiện nay vẫn là ngôn ngữ Anh. Có thể nói 70 đến 90% các bạn ngành ngôn ngữ Anh đều có việc làm”
“Ngành thứ hai, truyền thông đa phương tiện, là một trong những ngành mới và hot của thị trường. Người trẻ được tiếp cận với truyền thông quốc tế và nền văn hóa đa phương tiện nên nó trở thành xu hướng của xã hội bây giờ”.
Riêng nhóm ngành về Lịch sử, sẽ là phố biến trong năm năm tới như báo đề cập, cô Thùy Vi nói cô cảm thấy băn khoăn vì nó không thật sự giúp sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp:
“Đó là ngành gọi là “hẹp”, chỉ có thể là ngành chuyên nghiên cứu tại các đại học hoặc một số chương trình giảng dạy, còn nếu gọi là phổ biến ra thị trường thì tôi không nghĩ đây là ngành sinh viên cần theo đuổi tại vì nó sẽ rất bó hẹp.”
“Riêng Tâm lý học thì tôi cảm thấy đây cũng là một xu hướng gọi là ‘đắt như tôm tươi’. Lý do vì sao? Theo nghiên cứu thị trường từ những công ty đa quốc gia thì thực sự Việt Nam đang khá là thiếu những người đi sâu vào ngành Tâm lý học. Tôi cảm thấy Tâm lý học sẽ là một xu hướng, đặc biệt thời buổi thị trường với rất là nhiều áp lực xã hội. Các bạn trẻ cũng chưa được chuẩn bị hành trang vào đời. Chính vì vậy Tâm lý học, chuyên gia tâm lý sẽ là hot trong năm đến 10 năm tới”.
“ Đặc thù và tổng quan hơn thì hiện nay các trang mạng xã hội và các trang báo mạng đều là online, và real time. Chính vì vậy tôi nghĩ năm 2022 là hướng đi lên của tất cả các ngành học liên quan đến khối Khoa học-Xã hội-Nhân văn. Ngoại ngữ cũng như các ngành về Tâm Lý học”.
Trong lúc chuyên gia Việt Nam Hà Hoàng Hợp hướng tới yêu cầu đổi mới trong Giáo Dục để có thể bắt kịp xu thế học trong tương lai, thì Giáo sư Hà Tôn Vinh nhấn mạnh Việt Nam cần đáp ứng nhu cầu nhân lực trước khi nói đến việc hướng dẫn sinh viên học sinh vào những ngành kỹ thuật cao cũng như mang tính nhân văn thiết thực như Lịch sử và Tâm Lý học mà buổi tư vấn trực tuyến đề ra để đánh giá.