Từ ngày 7/2/2022 đến nay, dù chỉ một số đền chùa tại Hà Nội được phép mở cửa đón du khách, nhưng dịp đầu năm vẫn đón hàng trăm người dân đến dâng hương, hành lễ.
Thậm chí có chùa đóng cửa vẫn có rất đông người trên đường vào chùa, cúng bái trước cổng chùa. Đơn cử như chiều 7/2, hàng trăm người đổ về phủ Tây Hồ đi lễ, dù nơi này đã treo biển thông báo đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19.
Hay tại chùa Trấn Quốc, lượng lớn người dân Hà thành cũng có mặt để thắp hương, cúng bái… khiến khu vực sân chùa chật kín.
Cô Thu, một người sinh sống ở Hà Nội, nói với RFA hôm 9/2/2022:
“Nhà tôi thì không mê tín lắm, chỉ thắp hương ở nhà, không đi chùa. Chỗ khu tôi thì bình thường mọi người đi chùa xa… Nhưng bây giờ dịch bệnh thì họ chỉ đi chùa gần nhà. Dù dịch bệnh thì mấy ngày Tết chùa vẫn đông, giờ thì vắng hơn…”
Đây là dấu hiệu cho thấy có sự bất an nào đấy trong xã hội, đa phần người ta dựa vào tín ngưỡng để củng cố sự an tâm cho họ trong cuộc sống và tương lai.
-Tiến sĩ Xã hội học – Phạm Quỳnh Hương
Dù một số đền chùa đóng cửa để đề phòng dịch bệnh COVID-19 như phủ Tây Hồ, nhưng ban quản lý chùa vẫn đặt lư, hòm công đức, ghế bày đồ cúng… trước cổng chùa… với lý do để người dân thuận tiện cho việc dâng hương ngày đầu năm. Việc làm không hợp lý này khiến hàng trăm người tụ tập đông đúc trước cổng chùa, không thể tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Trả lời RFA từ Nha Trang hôm 9/2, nhà báo Võ Văn Tạo, cho biết ý kiến của mình:
“Trong Tết Nhâm Dần này mà người Hà Nội vẫn kéo đến các đền chùa để cúng sao, cầu xin, giải hạn… thì tôi thấy rất nguy hiểm, bởi vì đang dịch như vậy không thể chủ quan, khi suốt một tháng qua Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm COVID-19. Tôi nghĩ dù chính quyền có nhắc nhở thì không khí lễ hội khi đến đó không ai mà ngăn được, thế nào cũng tiếp xúc gần, đông đúc, có người đeo khẩu trang, có người không đeo… Chúng ta đều biết khẩu trang chỉ hạn chế một phần, tốt nhất là không nên tập trung đông người. Nhưng tư tưởng bà con mình cứ chủ quan.”
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, Nhà nước đáng lẽ phải giải thích ở những chỗ chùa chiền, rằng cũng không bổ ích gì, chỉ phục vụ những ai mê tín tin vào cầu khấn. Ông Tạo nêu dẫn chứng:
“Ngay ông Trần Đại Quang ngày xưa lâm bệnh, thì vợ chồng ổng và thuộc hạ bay sang tận đất Nepal để đi chùa đắc đạo, làm thủ tục cầu xin… mà có thoát được đâu? Ông Quang còn cúng dường cho Chùa Vĩnh Nghiêm cặp lư hương 16 tỷ đồng… rồi cũng bị đột tử thôi vì bệnh rất lạ khi tuổi còn trẻ. Tôi nghĩ rằng những cái đó thì nhà nước cần tuyên truyền để dẹp những tệ nạn không thực tế, hại nhiều hơn lợi, tốn tiền… chính chùa đó năm ngoái đã lợi dụng tập tục của nhân dân làm tiền rất nhiều.”
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, người dân phải được tuyên truyền, nếu không có dịch bệnh thì hãy đi viếng cửa chùa, du xuân… chứ đang dịch giã như vậy đi chùa là nguy hiểm. Theo ông Tạo, nhà nước chưa làm tốt chuyện này.
Nạn mê tín dị đoan tồn tại từ rất lâu ở Việt Nam, không thể xác định từ khi nào? Rất nhiều chính phủ đã nỗ lực thực hiện việc chống lại nó, như là chống đói nghèo lạc hậu. Xã hội nhiều thời kỳ cũng góp sức cùng chính quyền trong việc vạch trần những mánh lới của các nhà bói toán lừa đảo. Nhưng vì sao đến nay vẫn không thuyên giảm?
Tiến sĩ Xã hội học – Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khi trả lời RFA hôm 9/2, nhận định:
“Chuyện người dân Việt Nam đi lễ chùa thì xưa nay vẫn thế, cho dù có dịch hay không thì nhu cầu đi đến chùa cúng lễ vẫn còn đó. Và dịch này cho chúng ta thấy nhu cầu đi đến cầu cúng cao lắm. Nó cao đến mức kể cả dịch bệnh người ta cũng không e ngại, e sợ nữa.”
Tôi nghĩ rằng những cái đó thì nhà nước cần tuyên truyền để dẹp những tệ nạn không thực tế, hại nhiều hơn lợi, tốn tiền… chính chùa đó năm ngoái đã lợi dụng tập tục của nhân dân làm tiền rất nhiều.
-Tiến sĩ Xã hội học – Phạm Quỳnh Hương
Một nguyên nhân nữa theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, do tình hình dịch bệnh có dấu hiệu giảm bớt mức độ khắc nghiệt… dù số ca lây nhiễm cao, nhưng số người bị nặng, chết không cao nữa và hiện tỷ lệ tiêm chủng đã cải thiện.
Về nạn mê tín dị đoan ngày nay ở Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng một khi có sự bất an trong xã hội, thì người ta tìm chỗ nương tựa khác:
“Người ta vẫn nói rằng khi xã hội có tính chất bất an, ít ổn định, hoặc niềm tin giảm đi thì người ta phải dựa nhiều vào tín ngưỡng dân gian hay tôn giáo. Đây là dấu hiệu cho thấy có sự bất an nào đấy trong xã hội, đa phần người ta dựa vào tín ngưỡng để củng cố sự an tâm cho họ trong cuộc sống và tương lai. Tuy nhiên nó là cuộc sống thôi nên chúng ta chỉ biết quan sát như thế. Nếu những bất an đó giảm đi bằng những chính sách an sinh xã hội nào đấy, sẽ làm cho người dân an tâm hơn. Khi đó người ta sẽ bớt lo lắng, bới dựa vào những thứ tâm linh bên ngoài để làm cho người ta an lòng.”
Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, nếu một xã hội an toàn hơn thì mức độ cầu cúng của người dân chắc sẽ giảm xuống.