Không loại trừ khả năng, một “thế lực thân địch” nào đấy dùng cách ấy để hạ uy tín vốn đang xuống dốc của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bởi vì, tuy Đảng vẫn nuôi một nhúm “hồng vệ binh”, nhưng có lẽ thời của “Mao tuyển” đã thuộc về dĩ vãng.
May mà bài viết “Đẩy lùi thói xu nịnh – ngăn chặn mối nguy hại khôn lường” đăng trên mục “Phòng, chống ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’” của báo Quân đội Nhân dân đăng cách đây đã khá lâu. Nếu bài viết ấy được post lên trên bất cứ tờ báo nào ở trong nước vào những ngày này, tuần này, chắc chắn nó đã bị gỡ xuống. Thậm chí sẽ còn bị quy kết, đó là tiếng nói của thế lực thù địch. Nhưng cũng không loại trừ khả năng, có một “thế lực thân địch” nào đấy dùng cách này để hạ uy tín vốn đang xuống dốc của đồng chí TBT Nguyễn Phú Trọng. Bởi vì, tuy Đảng vẫn nuôi một nhúm “hồng vệ binh”, nhưng có lẽ thời của “Mao tuyển” đã thuộc về dĩ vãng. [1]
Số là mấy hôm rày, truyền thông trong nước rầm rộ đưa tin về việc Nhà Xuất bản (chuyên nói sai) Sự Thật, hết hợp với tờ báo (không ai đọc từ) Nhân Dân, đưa tin rầm rộ về việc hai cơ quan này đã cho in và ra mắt ba quyển sách (rất đặc biệt): “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam “, “Niềm tin yêu của nhân dân và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” (“Tập 1” và “Tập 2”) . Cả ba “rác phẩm” này được thuộc cấp của TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng cho in, rồi tổ chức lễ ra mắt long trọng, với sự tham gia đưa tin cực kỳ hoành tráng của giới truyền thông, đặc biệt là hệ thống truyền thông “nâng bi” nội địa [2].
Nếu theo dõi phản ứng trên mạng xã hội về ba ấn phẩm ca ngợi ông Trọng được quảng cáo rầm rộ mấy tháng nay, ắt sẽ thấy, chẳng bao nhiêu người bận tâm đến nội dung cũng như chất lượng của ba ấn phẩm ấy. Thiên hạ chỉ bày tỏ sự bất bình vì ba lý do: Thứ nhất, tại sao cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lại xúm vào tâng bốc ông TBT Nguyễn Phú Trọng vào lúc này? Thứ hai, tại sao ông Trọng từng phát động phong trào chống… nịnh nhưng lại để điều tệ hại này xảy ra? Và thứ ba, tiền đâu (rõ ràng là tiền ngân sách nhà nước) mà mấy ông chi vô tội vạ như thế, trong lúc cả nước đang lao đao vì COVID?
Về câu hỏi thứ nhất, sở dĩ có chuyện “nịnh thối” xẩy ra lúc này là nhằm cứu vãn chút hư danh cuối cùng còn sót lại của đồng chí TBT. Với phương châm “còn nước còn tát”, các thuộc cấp TBT cảm nhận được rất rõ, kể từ khi Đại hội 13 đến nay, chưa bao giờ uy tín của TBT Trọng xuống thấp như hiện nay. Trước đây, nhờ phất ngọn cờ chống tham nhũng, ông Trọng vừa có thể ngồi xổm lên Hiến pháp (với tuyên bố Hiến pháp đứng sau Cương lĩnh của Đảng) và ngồi xổm lên cả Điều lệ Đảng (quy định các TBT không được làm quá hai hiệm kỳ). Nhưng nay công việc “đốt lò” của ông coi như đại bại. Một số nhà phân tích bình luận rằng, ngay cả “sự thanh minh” cho việc ông tiếp tục làm Tổng bí thư nhiệm kỳ ba cũng “không hợp lý và không thuyết phục”, “vi phạm điều lệ”, thậm chí “vi phạm pháp luật”. [3]
Về câu hỏi thứ hai, có lẽ do Tổng bí thư đang “bí” thật trong những ngày này. Từ vụ làm thơ ca ngợi Lê Thanh Thản (Tập đoàn phạm pháp Mường Thanh) đến vụ gắn Huân chương Lao Động cho “Tập đoàn” ngoáy mũi Việt Á và cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao… chắc chắn đến lúc này, ông Trọng buộc phải giật mình. Sau bao vụ đại án trước và sau Tết, giờ đây, TBT Nguyễn Phú Trọng không thể rũ bỏ trách nhiệm người đứng đầu. Trước khi ký các Huân chương ấy, ông có cho kiểm tra không, hay ông hoàn toàn phó mặc cho Trợ lý. Vậy ông chọn Trợ lý thế nào mà để lọt những “con sâu bự” phá nát hệ thống như thế? Phó Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Thái Học từng đặt câu hỏi: “Vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế nhưng những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra đó?”. Ông Học cho biết đây là ý kiến của TBT Nguyễn Phú Trọng. [4]
Về câu hỏi thứ ba, trong khi cả xã hội lẫn nền kinh tế Việt Nam đang lao đao, Nhà xuất bản của Đảng và tờ báo của Đảng xài tiền thuế dân một cách vô tội vạ như thế. Hãy khoan bàn đến chất lượng về nội dung, khoan bàn đến… nhuận bút, ai cũng thấy, chắc chắn chi phí in ấn, phát hành, tổ chức ra mắt cả hai ấn phẩm vừa kể với sự tham dự của đại diện đủ loại ngành, cấp, thuộc cả hệ thống chính trị, lẫn hệ thống công quyền không nhỏ. Ai chịu những chi phí đó? Công quỹ! Ai tin những ấn phẩm đó có độc giả và quan trọng hơn, thật sự hữu dụng đến mức cần dùng công quỹ? [5]
Trong bài viết “Đẩy lùi thói xu nịnh…” nói ở đầu bài, tác giả đã nương theo ý kiến của ông Phạm Minh Chính, lúc bấy giờ là Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Tổ chức của BCH TƯ đảng CSVN, khẳng định: “Nịnh hiện đang là căn bệnh nan y! Nịnh đã biến tướng đa dạng và phát triển với nhiều hình hài, phương thức… Nịnh một cách tinh vi, thông qua nhiều kênh, nhiều phương tiện vật chất, cơ chế, chính sách… Không chỉ vậy, nịnh còn tác động trực tiếp đến chất lượng công tác cán bộ trong Đảng. Một số người được nịnh vì ưa lời ngon, tiếng ngọt, say sưa với cảm giác được “làm bề trên” nên sinh ra xao lòng, thiếu tỉnh táo, mất bản lĩnh, không đánh giá đúng thực chất cán bộ, thiên vị cho kẻ luồn cúi, không trọng dụng cán bộ tốt mà lại tạo điều kiện cho người xấu lấn lướt, lộng quyền, thăng tiến.” [6].
May cho ông Chính, ông phát biểu cách đây hơn hai năm. Nếu ông nói đúng vào những ngày này, tháng này, thì chắc chắn câu chuyện sẽ bị “xé ra to”. Ý kiến được giới thiệu trên tờ báo này về “bệnh nịnh bợ” nếu đem “soi” với các đợt PR một cách quá lố về ba cuốn sách vô bổ của ông Trọng thì quả là nịnh mà nghe dân chửi. Đúng như nhận xét của TS. Nguyễn Quang A đã giải thích yếu tố “nhân dân” trong những ấn phẩm tung ra để ca ngợi ông Trọng: “Họ lấy một số bài viết của người này, người kia và bảo đó là nhân dân. Nếu tổ chức thăm dò dư luận một cách nghiêm túc, ví dụ hỏi ngẫu nhiên khoảng một ngàn người trên toàn quốc, đừng buộc nêu danh tính thì bức tranh sẽ hoàn toàn khác, có lẽ sẽ có đến 99,9 % người Việt Nam không đọc và không muốn đọc sách viết về ông Trọng”. [7]
_____________
Tham khảo:
4. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-60172147
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.