Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore trình làng cuốn sách có tựa đề tạm dịch là “Nghiên cứu về sự kiểm soát của Việt Nam đối với các nội dung chống Nhà nước trực tuyến” của tác giả, nghiên cứu viên Chương trình Truyền thông, Công nghệ và Xã hội Lương Nguyễn An Điền. Bản in sách này có thể mua được kể từ ngày 28/2/2022 tới đây.
Trong phần tóm tắt nội dung, tác giả cho biết trong hai thập kỷ qua, sự chú trọng vào các nội dung chống Nhà nước đã định hình cách mà các cơ quan chức năng Việt Nam triển khai nhiều chiến lược kiểm duyệt khác nhau với mục tiêu kép là tạo ra sự cởi mở ở bề ngoài nhưng vẫn duy trì kiểm soát chặt chẽ các cuộc thảo luận trên mạng.
Việt Nam học theo một cách có chọn lọc từ hệ thống kiểm duyệt trực tuyến của Trung Quốc. Phương thức hoạt động của các nhà chức trách trước tiên là dựa vào những gì mà họ cho là ‘mối đe dọa’ trên không gian mạng, cả trong và ngoài nước, đối với sự ổn định xã hội Việt Nam. Sau đó, ‘mối đe dọa’ này sẽ được sử dụng triệt để nhằm thực thi các biện pháp cứng rắn hơn, tương tự như những biện pháp được thực hiện ở Trung Quốc.
Nhưng Việt Nam không có khả năng cấm hoàn toàn các nền tảng mạng xã hội như Trung Quốc. Các nhà chức trách Việt Nam đã tìm cách hợp tác và sử dụng các công ty nền tảng mạng xã hội để hạn chế nội dung chống phá nhà nước trên Internet. Sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam cũng khiến cho Facebook và YouTube của Google chấp nhận các yêu cầu kiểm duyệt từ Chính phủ Hà Nội.
Cuộc đàn áp đối với các nội dung chống Nhà nước và sự kiểm duyệt dựa trên nỗi sợ hãi có thể sẽ tiếp tục định hình các biện pháp kiểm soát Internet của Việt Nam, ít nhất là trong tương lai gần.
Sử dụng nhiều nguồn lực để kiểm soát nội dung trực tuyến
Một nhà hoạt động về An ninh mạng, không muốn nêu tên, nói với RFA rằng vấn đề Việt Nam luôn cố gắng, sử dụng nhiều nguồn lực khác nhau để kiểm soát nội dung chống Nhà nước trên không gian mạng đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Các biện pháp kiểm duyệt nội dung chống Nhà nước mà Chính phủ Hà Nội thực hiện rất đa dạng. Nổi bật và hiệu quả nhất là sử dụng lực lượng dư luận viên trực tuyến và hợp tác với các công ty công nghệ nền tảng mạng xã hội như Google hay Facebook:
“Kiểm soát bằng cách sử dụng dư luận viên hoặc tạo sức ép với Facebook và Google.
Dư luận viên thường report (báo cáo) hàng loạt với nội dung là vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng. Còn một cách nữa là dư luận viên sẽ lái sự chú ý của dư luận qua những scandal khác. Ví dụ đang có các thông tin tiêu cực về Nhà nước thì dư luận viên, giống như bà Hằng, sẽ được chỉ thị ở trên xuống để lèo lái dư luận, hướng sự chú ý của mọi người sang một vấn đề khác.
Việt Nam cố học theo nhưng không làm được như Trung Quốc. Bởi vì về công nghệ là Việt Nam không bằng Trung Quốc, chặn Facebook và Google là Việt Nam không làm được rồi.
Có thời điểm Facebook mới vào Việt Nam thì Việt Nam cũng manh nha chặn và cho ra mạng xã hội Zing nhưng mà đâu có được. Người ta vẫn xài Facebook, công ty của Việt Nam không mạnh bằng nên không đẩy được Facebook ra.”
Hậu quả là có rất nhiều người bất đồng chính kiến bị chặn hoặc hạn chế tương tác các bài viết đăng trên mạng xã hội. Người này cho biết, đã nhiều lần liên hệ với các tổ chức trợ giúp về quyền kỹ thuật số như Access Now, nhờ can thiệp với Facebook hay YouTube để mở các hạn chế, nhưng những trường hợp được giải quyết là rất ít so với tổng số bài viết hay tài khoản bị chặn.
Ngoài ra, nhà hoạt động về an ninh mạng giấu tên cho biết đang tổng kết các vụ việc tương tự để gởi báo cáo cho các tổ chức nhân quyền quốc tế hay chính phủ các nước để họ chất vấn Việt Nam vì đã vi phạm quyền truy cập Internet của người dân.
Kiểm soát ngày càng tinh vi
Một chuyên gia về công nghệ thông tin, ông Hoàng Ngọc Diêu từ Úc, nói với RFA việc kiểm soát nội dung trên Internet, cụ thể là các nền tảng mạng xã hội là một trong những nỗ lực bậc nhất của Bộ Chính trị cũng như Ban Tuyên giáo đảng cộng sản Việt Nam, và các phương pháp kiểm duyệt nội dung ngày càng tinh vi hơn:
“Tôi thấy rằng từ lúc mạng xã hội bùng nổ lên, càng về sau thì cái cố gắng để kiểm soát càng ngày càng tinh vi.
Thời gian đầu thì họ tìm cách vượt tường lửa, nói rằng ở bên Việt Nam bị đứt dây cáp đường dây dẫn ra Quốc tế, một năm xảy ra mấy lần. Đôi khi nó bóp băng thông cho mạng chậm lại, để người dân nản không muốn tiếp tục theo dõi.
Song song đó cũng có những sự đe dọa một cách kín đáo ở trong nước. Ví dụ, có những người bạn bè họ tương tác với tôi hoặc có một số bình luận ở trên Facebook, thì những người đó bị những người trong chính quyền tới nói chuyện, đe dọa.”
Ông Hoàng Ngọc Diêu nói đã có những trải nghiệm tồi tệ khi sử dụng Facebook. Các bài viết, hình ảnh do chính ông vẽ đăng trên Facebook cũng bị báo cáo hàng loạt là vi phạm bản quyền hay vi phạm các nguyên tắc cộng đồng. Những livestream dù rất nghiêm túc, vẫn bị biến mất một cách lặng lẽ mà không có bất kỳ một thông báo nào.
Tài khoản của ông liên tục bị chặn, hạn chế tương tác hay thậm chí là bị khoá trong một thời gian dài với lý do chung chung là “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”.
Thậm chí, ông đã nhờ đến tổ chức Access Now lập hồ sơ về trường hợp của mình để can thiệp với phía Facebook. Vài tháng sau, Facebook trả lại tài khoản cho ông nhưng vẫn hạn chế tương tác, mà không đưa ra được một lý do cụ thể. Facebook chỉ cho biết rằng đây là một “trường hợp phức tạp”.
Do đó, ông Hoàng Ngọc Diêu tin rằng có sự đồng thuận giữa nhà cầm quyền Hà Nội và các công ty công nghệ như Facebook, nhằm hạn chế các tài khoản thường hay bàn luận về các vấn đề chính trị:
“Tôi thấy rằng dường như là có một cái sự đồng thuận ngầm, dù tôi không có nắm một cách khoa học, nhưng mà từ suy luận của phần lớn tất cả các anh chị em lên tiếng phân tích, phê bình chỉ trích chế độ, thì tôi thấy rõ ràng là có một sự đồng thuận nào đó giữa Facebook và nhà cầm quyền Hà Nội để có một sự kiểm soát, ngăn chặn nào đó.”
Hồi tháng 8/2019, báo cáo của Chính phủ Hà Nội về lĩnh vực thông tin và truyền thông cho thấy theo yêu cầu của Nhà nước Việt Nam, Facebook đã gỡ hơn 200 link bài viết có nội dung bị cho ‘chống phá đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam.’
Tờ Washington Post ở Hoa Kỳ đưa tin hồi tháng 10/2021 rằng đích thân giám đốc Facebook đưa ra quyết định Facebook sẽ tuân theo các yêu cầu của Chính quyền Hà Nội.
Tờ báo này dẫn lời các nhà hoạt động ở Việt Nam cho biết Facebook đã tăng cường kiểm duyệt các bài đăng có nội dung “chống Nhà nước” ngay trước thềm đại hội đảng vào tháng một năm 2021, cho phép Chính phủ kiểm soát gần như toàn bộ nội dung trên nền tảng này.
Người phát ngôn công ty Facebook trả lời RFA qua email về những cáo buộc công ty này có “bắt tay” với Chính phủ Việt Nam để ngăn chặn các nội dung “chống Nhà nước” như sau:
“Chúng tôi đã công khai và minh bạch về các quyết định của mình trước sự gia tăng nhanh chóng các nỗ lực chặn các dịch vụ của chúng tôi tại Việt Nam. Như chúng tôi đã chia sẻ hồi năm ngoái, chúng tôi có hạn chế một số nội dung ở Việt Nam để đảm bảo rằng các dịch vụ của chúng tôi luôn khả dụng cho hàng triệu người dùng đang phụ thuộc vào nó mỗi ngày. ” – Người phát ngôn Facebook.