Sự kiện diễn ra vào ngày 2-3-2022, khi nhà thơ Thái Hạo từ nhà của mình ở Thanh Hoá, đi ra sân bay để vào Sài Gòn nhận giải thường thơ của năm. Giải thưởng do Văn Việt tổ chức hàng năm, và đây là năm thứ bảy. Chủ tịch Hội đồng giải thưởng này là nhà văn Nguyên Ngọc.
Kể lại sự kiện trên trang Facebook của mình, nhà thơ Thái Hạo cho biết trước chuyến đi, ông nhận được nhiều lời “khuyên” của các nhân viên an ninh đến tận nhà, là không nên đi. “Nhưng tôi nói, đây là một chuyến đi chơi, tôi đã hẹn với những người bạn học và thầy cô của tôi ở SG, không thể thất hứa được. Một anh an ninh nói với tôi “anh không đi được đâu””. Ông Hạo viết.
“Ra cách nhà được khoảng 1km thì cảnh sát giao thông cùng cảnh sát trật tự (áo xanh) ra chặn lại. Tôi vừa bước xuống xe thì có hai người đàn ông lạ mặt mặc thường phục từ bên kia đường chạy qua, một người giữ, một người đấm liên hồi vào mặt tôi, vừa đấm vừa chửi thề, trước mặt rất nhiều công an. Sau khi bị đánh một hồi, mỗi lúc một thô bạo, tôi mới hướng vào những người mặc quân phục và nói lớn “Tại sao tôi vô cớ bị đánh mà các anh là công an lại không can ngăn hay hành động gì?” Lúc đó, công an mới vào gỡ hai người đánh tôi ra. Hai người đó lại di chuyển về phía bên kia đường, đứng nhìn, chốc chốc lại chực xông sang, miệng đe dọa và chửi thề. Khoảng 30 phút sau hai người đàn ông ấy mới rời đi. Mặt và quai hàm tôi còn đau đến hôm nay, nhai cơm khó khăn.
Sau đó, lực lượng cảnh sát giao thông và công an áo xanh tiến hành kiểm tra hành chính và lập biên bản việc điều khiển phương tiện giao thông của tôi, từ khoảng 8h30 – gần 11h trưa. Lúc này tôi đã trễ chuyến bay. Xe tôi bị đưa về đồn vì vi phạm luật giao thông (mất bằng lái, và có nồng độ cồn 0.04xmg – 0.06xmg… nhưng theo quy định thì nồng độ này không bị phạt). Sau gần ba tiếng, xong việc, tôi được người nhà tới chở về. Hủy chuyến đi chơi và nhận giải ở Sài Gòn.
Sự việc làm tôi hết sức bất ngờ. Không biết tại sao mình bị đánh, cũng không biết ai là người đánh mình và đánh vì lý do gì. Ban đầu tôi đã tự hỏi rất nhiều, rằng ai, tại sao…, Nhưng về tới nhà, yên tĩnh, bỗng một nỗi buồn không thể tả được xâm chiếm tôi. Mọi thứ như vỡ nát”. Ông Hạo thuật lại với bạn bè.
Tuấn Khanh phỏng vấn giáo sư Hoàng Dũng, thành viên của Hội đồng chấm giải Văn Việt, đồng thời là thành viên ban tổ chức, ông nói suy nghĩ của mình.
GS. Hoàng Dũng: Năm nay Văn Việt có ba giải thưởng cho văn (Trần Quốc Toàn), thơ (Thái Hạo) và giải phê bình nghệ thuật mà hiện nay phải tạm giấu tên để tránh những khó khăn cho người nhận giải lúc này. Cần phải nói là ở Việt Nam, chấp nhận cho đăng bài trên Văn Việt đã là một sự dũng cảm. Bởi họ bị “làm phiền” rất nhiều. Tôi biết rất nhiều người muốn gửi trực tiếp giới thiệu tác phẩm của mình trên Văn Việt, nhưng họ không dám vì cũng phải sống nữa. Trong trường hợp tác giả được giải nhưng [ngại] không nhận, Văn Việt sẽ công bố vào một thời điểm thích hợp]. Đó cũng là một cách nào Văn Việt muốn thông báo cho tất cả những người quan tâm biết rằng hoạt động của chúng tôi đang bị ngăn chặn, làm khó. Sự việc Thái Hạo bị chặn đường đánh đập chẳng qua là nằm trong các biện pháp nghiệp vụ đó của “cơ quan chức năng” mà thôi.
Tuấn Khanh: Áp lực của một người nhận giải từ Văn Việt như thế nào, thưa ông? Chẳng hạn với các tác giả năm nay?
GS. Hoàng Dũng: Thái Hạo đã gọi điện báo cho ban tổ chức biết từ một vài ngày trước, rằng an ninh sẽ đến nhà để làm việc về chuyện anh được Văn Việt trao giải. Cho đến khi trên đường đi ra nhận giải, anh bị ngăn lại giữa đường đánh đập rồi sau đó bị giải về nhà, thì anh mới thông báo cho Văn Việt biết anh không thể vào Sài Gòn nhận giải được.
Nhưng Thái Hạo chỉ là một trong những câu chuyện rất dài mà Văn Việt đã phải đối phó, về chuyện bị sách nhiễu trong hoạt động của mình lâu nay.
Chỉ trong năm nay thôi, một số thành viên của Văn Việt nhận được lời mời đến tham dự buổi phát giải, đã bị công an đến nhà chặn cửa không cho đi. Thậm chí có người còn được đến hai công an viên đứng trước cửa nhà, rất cần mẫn canh gác, không cho đi ra khỏi cửa.
Sáng ngày 3-3-2022 chúng tôi cà phê với nhau tại một quán ở quận 3, thì bàn sát cạnh là của nhân viên an ninh hờm sẵn. Khi tôi cầm hai tờ giấy A4, một ghi tên Trần Quốc Toàn và một ghi tên Thái Hạo, giơ lên để chụp ảnh, như một cử chỉ để nhớ hai tác giả lẽ ra đã có mặt hội ngộ với anh em, thì một nhân viên an ninh xông tới giật, xé toang hai tờ giấy và đem luôn tất cả các mảnh giấy vụn đi mất!
Ông chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc có mong ước là một ngày không xa, người Việt sẽ có giải Nobel văn chương. [Tôi tin rằng điều đó sẽ đến rất nhanh. Với những cách hành xử đàn áp như vậy mà nhà văn Việt Nam không có được những tác phẩm lớn thì mới lạ.
Những cách sách nhiễu lộ liễu như vậy, có phải diễn ra sau khi họ đề nghị Văn Việt phải dừng hoạt?
Chưa bao giờ xảy ra chuyện họ chính thức nói như vậy với Văn Việt. Thế nhưng họ lại hành động bằng cách đe dọa, ngăn cản, không cho đi, rồi gần nhất là vụ đánh đập một cách tàn bạo đối với Thái Hạo. Cá nhân tôi không nghĩ đó là chủ trương của Bộ Công an, mà là của những thành phần cấp dưới lúc nào cũng chứng minh mình là những người nhân viên mẫn cán. Ở Việt Nam, công an đánh người ít khi nào bị ra tòa, nên họ thoải mái đánh thôi.
Tuấn Khanh: Nhưng ngoài chuyện sách nhiễu người đến nhận giải, thì những người nhận giải vắng mặt có bị gì hay không?
GS. Hoàng Dũng: Rất nhiều. Những người đang làm công việc với Nhà nước thì sẽ bị chính cơ quan quấy rầy, hăm dọa. Còn không thì gia đình hay người thân của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí tác động họ từ chối giải thưởng. Tác giả thì thường phải nín nhịn, chìu theo gia đình.
Đây là năm thứ bảy của giải thưởng Văn Việt độc lập, và mỗi năm không?
Chúng tôi vẫn đi con đường của mình. Đàn áp như vậy vẫn kiên cường diễn ra năm này đến năm khác, Đã nhiều năm nay mà họ vẫn giữ trong đầu của mình quan điểm thù địch như vậy thì tôi không hiểu nổi. Có thể đây là một cách nhằm thúc đẩy cho giải Nobel văn chương mà ông Chủ tịch nước mơ ước, được đến thật nhanh chăng? Vì đàn áp càng nhiều thì tác phẩm lớn càng dễ ra đời thôi.
Tuấn Khanh: Thưa ông, những chuyện đàn áp kỳ lạ như vậy vẫn diễn ra lâu nay, nhưng có bao giờ Văn Việt có lên tiếng yêu cầu những người có trách nhiệm trên cao phải xét lại hành động và thái độ của họ?
GS. Hoàng Dũng: Tôi không tin là họ không? [“những người có trách nhiệm trên cao” không biết]. Và nếu những chuyện như vậy xảy ra hàng ngày mà không biết thì họ ngồi ở vị trí lãnh đạo để làm gì? Họ nên từ chức đi. Vì những hành động đàn áp người dân và giới trí thức như vậy nó hiệu quả vô cùng trong việc bôi nhọ nhà nước, mạnh hơn cả bất cứ thế lực thù địch nào mà chính quyền vẫn lo sợ. Ngăn chặn nhà thơ Thái Hạo giữa đường và đánh đập thì không có gì bôi nhọ chế độ một cách hiệu quả hơn cả [bỏ].
Tuấn Khanh: Cám ơn Giáo sư Hoàng Dũng
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.