Ngày 20/3 hàng năm được gọi là Ngày Quốc Tế Hạnh Phúc (International Happiness Day) do Liên Hiệp Quốc khởi xướng, được tất cả 193 quốc gia thành viên ủng hộ.
Từ năm 2011, Đại Hội Đồng LHQ đã thông qua Nghị Quyết công nhận “ Hạnh phúc là mục tiêu cơ bản của con người”, kêu gọi “Một cách tiếp cận toàn diện, bình đẳng và cân bằng hơn về tăng trưởng kinh tế với tăng cường hạnh phúc và phúc lợi của tất cả mọi dân tộc mọi nơi, mọi nước.”
Năm 2012, Hội Nghị về Hạnh Phúc đầu tiên của Liên Hiệp Quốc diễn ra. Đại Hội đồng LHQ chỉ định Ngày Quốc Tế Hạnh Phúc vào ngày 20/3 hàng năm.
Ý tưởng cũng được thúc đẩy bởi Hành Động Vì Hạnh Phúc, một phong trào dân sự phi lợi nhuận của 160 nước, bên cạnh sự hỗ trợ hợp tác từ các tổ chức đồng chí hướng.
Năm 2013, lễ kỷ niệm Ngày Quốc Tế Hạnh Phúc tại Liên Hiệp Quốc nhắc lại thông điệp hạnh phúc là một trong những quyền căn bản đáng được ăn mừng, và nếu ngày đó mà bạn chưa cảm thấy hạnh phúc thì Ngày Quốc Tế Hạnh Phúc có thể tạo thay đổi, có nghĩa thái độ sống trong một thế giới tiến bộ phải là tăng cường phúc lợi cho dân chứ không chỉ tăng trưởng kinh tế cho đất nước.
Việt Nam có theo kịp yêu cầu của Ngày Quốc Tế Hạnh Phúc không. Hôm 5/3/2021, RFA dẫn tin các báo Nhà nước và báo mạng Việt Nam liên tục loan tải thông tin về “Chỉ Số Hành Tinh Hạnh Phúc” do tổ chức New Economics Foundation (NEF) của Anh công bố, trong đó Việt Nam đứng hạng 5 thế giới, vượt qua cả Bhutan là quốc gia mà người dân có cuộc sống hạnh phúc.
Thế nhưng, theo kiểm chứng của RFA ngay sau đó, thì đây là chỉ số mà tổ chức của Anh loan báo từ năm 2016 và đến giờ chưa cập nhật, trong lúc báo chí thân Chính phủ tìm cách đăng lại rồi lập lờ rằng New Economics Foundation vừa mới công bố.
Đương nhiên những thông tin như vậy không thể đánh lừa người am hiểu, là nhận định của blogger Tuấn Khanh:
“Con số thống kê bao giờ được kiểm chứng bởi những tổ chức xã hội độc lập thì mới là những con số đáng tin hoặc tin cậy ở mức tương đối.”
“Việt Nam nghĩ rằng hôm nay ta có ăn có mặc đã là hạnh phúc rồi. Hạnh phúc hôm nay bị san sẽ rất nhiều với sự cầm quyền và nền kinh tế gọi là yếu kém của nhà cầm quyền. Cho nên chỉ số hạnh phúc đó còn được bàn cãi rất nhiều”.
Đất nước chỉ thực sự hạnh phúc khi người dân được sống thật, nói thật, blogger Tuấn Khanh chia sẻ:
“Đó là một đất nước mà người dân tự quyết định được cuộc đời của mình. Nếu mà nói hạnh phúc trong tương lai thì có lẽ người dân mong mỏi rằng một ngày nào đó họ được bầu cử tự do, bỏ Điều IV Hiến Pháp, người lãnh đạo có trách nhiệm chứ không phải những trò chống tham nhũng loanh quanh.”
“Mỗi quốc gia trên thế giới đều có vấn đề của họ để nói không đạt được hạnh phúc tận cùng. Ở những quốc gia như Anh, Mỹ, Thụy Điển, Na Uy vân vân… con người được sống cuộc sống có giá trị. Họ không ngại không sợ Điều 117, Điều 331, chính quyền của họ không phải lúc nào cũng mong chờ không có ai lên tiếng chỉ trích chế độ hết.”
“Còn ở Việt Nam lúc này đừng trách vì sao có những quan chức, vì sao có những gia đình làm tất cả để giàu có rồi đến Mỹ, đến Anh, đến Canada…Đơn giản là vì họ muốn sống như một con người và nhìn thấy hạnh phúc thật sự của họ”.
Một đất nước hạnh phúc như Liên Hiệp Quốc mô tả thì phải như thế nào. Theo ca nhạc sĩ Mai Khôi, người tranh đấu nữ quyền cho Việt Nam, được giải nhân quyền Václav Havel năm 2018 và sắp tới, tháng tư năm 2022, sẽ lãnh giải Rosevelt The Four Freedoms Speech:
“Được đi nhiều nơi, Châu Âu, Châu Úc, Châu Mỹ, Mai Khôi thấy đất nước hạnh phúc nhất là Na Uy. Ở đó người dân được thở không khí trong lành, được uống nguồn nước trong sạch. Hệ thống chính trị của Na Uy tạo nên tất cả những quyền mà người dân có được trong một xã hội hạnh phúc”.
Việt Nam thì không có cửa vào một thế giới có niềm tự hào 20/3 Ngày Quốc Tế Hạnh Phúc, là vì:
“Mai Khôi đọc ở “đâu đó” rằng Việt Nam nằm trong danh sách những đất nước hạnh phúc nhất Châu Á và đứng hạng thứ 5 hạnh phúc nhất thế giới. Sống và lớn lên trong một đất nước không hề có tự do biểu đạt, một xã hội bảo thủ và có nhiều định kiến như vậy thì hạnh phúc ở Việt Nam không có thật. Bởi vì tất cả mọi người đâu ai dám nói lên sự thật về cuộc sống không hạnh phúc. Có phải vì chưa hài lòng với các chính sách của Nhà Nước, vì xã hội còn nhiều bất công, phụ nữ có lương thấp hơn đàn ông, thỉnh thoảng còn bị chồng đánh chửi nữa…”
Muốn được coi là một đất nước hạnh phúc thì Việt Nam phải cho dân được hưởng tất cả mọi quyền cơ bản của con người:
“Chẳng hạn quyền bầu cử tự do, quyền được nói lên sự thật. Xã hội thì không có định kiến giới, bất bình đẳng giới. An sinh xã hội tốt, cơ sở hạ tầng tốt, hệ thống giáo dục tốt, chưa kể người dân phải được thở không khí trong lành nữa. Mình rất mong Việt Nam phấn đấu đến một quốc gia hạnh phúc thật sự.”
“Với tư cách một ca sĩ và một người sáng tác nhạc, Mai Khôi ước ao rằng trong tương lai hệ thống kiểm duyệt của Việt Nam, vốn hạn chế hạnh phúc sáng tác của người nghệ sĩ, sẽ không còn tồn tại, để nghệ sĩ được tự do sáng tác, được tự do ca hát, và những người thưởng thức âm nhạc sẽ được nghe những bài hát mà trước đây bị cấm. Chắc lúc đó mọi người sẽ rất hạnh phúc”.
Việt Nam có hạnh phúc nhưng là thứ hạnh phúc tưởng tượng và rất kêu trên giấy tờ, khẳng định dứt khoát của nhà báo tự do, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh, từng bị đánh đập khủng bố vì lên tiếng bảo vệ tự do tôn giáo:
“Quốc hiệu “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đi kèm “Độc Lập- Tự Do-Hạnh Phúc” đều là biểu tượng dối trá từ đầu.”
“Trước đây Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu rồi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay đều khẳng định chưa hoàn toàn biết Xã Hội Chủ Nghĩa là cái gì. Nguyễn Phú Trọng còn bảo ‘đến cuối thế kỷ này chưa chắc đã có Chủ Nghĩa Xã Hội’. Rõ ràng quốc hiệu Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam: Độc Lập-Tự Do-Hạnh Phúc thì cũng đi kèm với sự tưởng tượng nên nó hoàn toàn không có thật”.
Bà Đặng Bích Phượng, tự ra ứng cử Quốc Hội năm 2014 và đã gặp rất nhiều khó khăn, cho rằng hạnh phúc chung của con người không tự dưng có mà phải tranh đấu, đòi hỏi nó:
“Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc nhưng chưa chắc người đó đã hiểu được quyền của họ đâu. Phải hiểu được thì mới có sự so sánh.”
“Đất nước Việt Nam từ cổ đại kiên cường như thế nào thì đến giờ cái đấy hình như đã mai một đi. Người dân trả qua quá nhiều đau thương mất mát rồi nên bây giờ không muốn hy sinh nữa, không muốn chiến đấu nữa, họ cam chịu lắm. Thấy cái gì mà chỉ cần nói chứ chưa cần hành động thì mình đã cảm thấy rất cô đơn rồi.”
“Bảo là để chiến đấu chống lại một thể chế đang tước đoạt cái hạnh phúc gọi là cơ bản của con người thì Việt Nam cần một khoảng thời gian rất dài nữa người ta mới dám nói và dám hành động. Bởi vậy muốn cho dân mình, bạn bè mình, người chung quanh mình được hạnh phúc thì gần như là bất lực. Có muôn vàn trở ngại, chướng ngại phải vượt qua để tồn tại và mưu cầu hạnh phúc”.
Đạo diễn Trần Văn Thủy, tác giả bộ phim nổi tiếng một thời về những bất công trong xã hội có tựa ‘Chuyện Tử Tế”, cho rằng hạnh phúc đi liền với sự tử tế, có nghĩa chính quyền đối xử công bằng phải lẽ với dân, ngược lại dân có quyền tin hay không tin vào thể chế. Ông nói:
“Bài toán không dễ dàng! Tôi làm những bộ phim Hà Nội Trong Mắt Ai và Chuyện Tử Tế vì tôi nghĩ đất nước phải bắt đầu giai đoạn đối xử tử tế. Tử tế với truyền thông, với khoa học-xã hội, với văn học –nghệ thuật, với trí thức.”
“Mặc dù không có gì quí hơn độc lập tự do thật, nhưng đường đến hạnh phúc xã hội của đất nước ta quá gian nan”.
Ai cũng thấy đất nước Việt Nam cần một bộ máy cầm quyền thật tốt, thật trung thực và tận tụy. Còn không thì hướng đi cho hạnh phúc Việt Nam mãi vẫn là con đường tù mù như bao lâu nay. Đạo diễn Trần Văn Thủy kết luận như vậy.