Trong phiên họp với Hội đồng Tiền lương Quốc gia vào chiều 28/3, Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam đề nghị tăng tiền lương tối thiểu cho người lao động, bắt đầu từ ngày 1/7/2022. Một số người lao động ở TPHCM cho rằng thay vì tăng lương tối thiểu thì chính phủ nên nghiên cứu giảm bớt gánh nặng thuế, phí cho người dân.
Theo lập luận của Tổng LĐLĐ, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá. Hiện dịch bệnh đang dần được khống chế hiệu quả và có khả năng phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022, do đó cần xem xét để tăng lương tối thiểu vùng, song mức tăng bao nhiêu sẽ cần thảo luận thêm.
Phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, là tổ chức đại diện cho chủ sử dụng lao động, cho rằng doanh nghiệp cũng chịu nhiều tổn thất sau nhiều tháng dịch bệnh bùng phát. Hiện nay, doanh nghiệp đang dần khôi phục sản xuất, nên nếu tăng lương thì cũng cần có thời gian và sự tính toán kỹ lưỡng.
Lương tối thiểu không đủ sống tối thiểu
Trong khi đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết kể từ ngày 1/4 sẽ tiến hành khảo sát 2000 doanh nghiệp ở 18 tỉnh trong vòng ba tháng, về mức lương và mức sống tối thiểu, để lấy thông tin, làm cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2023.
Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng đang áp dụng cụ thể ở vùng một là 4,42 triệu đồng/tháng; vùng hai là 3,92 triệu đồng/tháng; vùng ba là 3,43 triệu đồng/tháng và vùng bốn là 3,07 triệu đồng/tháng. Với mức lương tối thiểu này thì còn dưới mức sống thối thiểu 15%, và chỉ bằng 59% lương đủ sống, theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động.
Ông T, một công nhân ở Bình Tân nói rằng với mức lương tối thiểu hiện tại là không cách nào đủ để trang trải cho những nhu cầu cá nhân tối thiểu, hà tiện cỡ nào cũng không đủ:
“Một tháng tiền xăng, tiền điện, tiền nước rồi tiền ăn uống, tiền chợ thì gói ghém lắm cũng là năm triệu, đối với một người độc thân. Như vậy là tiện lắm rồi đó, là chưa tính tiền nhà trọ. Tiền nhà trọ là thêm một triệu rưỡi nữa.
Chắc chắn là không đủ. Bởi vì thí dụ bây giờ đi làm bảo vệ 12 tiếng đồng hồ thì lương tầm khoảng sáu triệu thôi. Vậy thì một ngày tính ra khoảng 200.000 thì làm sao mà đủ sống.”
Chị H, ở Gò Vấp cho rằng tổng thu nhập của một công nhân chỉ ở mức “vừa ráo mồ hôi là hết tiền”, tính toán chi li lắm mỗi tháng cũng phải chi tiêu hết năm – sáu triệu, không đủ để dành dụm phòng trường hợp ốm đau, khẩn cấp. Do đó, trong thời gian dịch bệnh phong toả, chị và cả xóm lao động đành phải lên mạng nhờ trợ giúp từ mạnh thường quân:
“Tôi nghĩ cũng phải năm – sáu triệu thì mới đủ để sống, tiền học, tiền ăn, tiền xăng…
Cũng khó khăn, nhưng mà bây giờ mình đã đi làm được rồi cũng có thể trang trải tốt hơn lúc bị phong tỏa không đi làm.”
Người lao động “kêu trời” vì lương tăng không kịp giá
Quay trở lại thị trường lao động sau nhiều tháng thất nghiệp, không được đi làm do dịch bệnh bùng phát, nhiều người lao động nói rằng họ “choáng váng” vì giá xăng tăng, kéo theo vật giá mọi thứ đều leo thang:
“Trời ơi khủng khiếp luôn. Bây giờ xăng nó lên 30.000/lít, mỗi lít thêm 5.000 thôi mà ở ngoài chợ đồ ăn nó lên lên gấp đôi, gấp ba, gấp bốn lần cái 5.000 đó luôn.
Nó lên khủng khiếp luôn, chi phí bây giờ là rất là khó khăn luôn, mua sắm, chợ búa, ăn uống bây giờ là phải hà tiện lắm!”
Một nhân viên văn phòng giấu tên, đang ở TPHCM cho rằng giá xăng tăng cao không chỉ khiến người dân thường khốn đốn, mà các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn:
“Hiện giá xăng tăng kéo theo giá cả tất cả các mặt hàng khác đều tăng, đó là một con số khổng lồ, gánh nặng đối với cả người lao động và các doanh nghiệp.”
Mạng báo VnExpress dẫn lời phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay, dự kiến trong tháng tư sắp tới, giá cả thị trường sẽ còn tăng nữa. Bởi vì, đến hết tháng ba, các doanh nghiệp sẽ hết hạn cam kết giữ giá bình ổn. Do vậy, giá cả sẽ bị điều chỉnh vào đầu tháng tư.
Các doanh nghiệp đề xuất tăng giá các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm vì chi phí vận chuyển tăng cao.
Tăng lương tối thiểu có cần thiết?
Theo mạng báo Lao Động, hàng năm Hội đồng Tiền lương Quốc gia đều họp để điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.
Tổng LĐLĐ đã nhiều lần đưa ra quan điểm rằng việc tăng lương tối thiểu vùng là để đảm bảo và nâng cao chất lượng đời sống của người lao động, phấn đấu để lương tối thiểu phải đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu.
Nhân viên giấu tên ở TPHCM nói rằng chỉ tăng lương tối thiểu vùng thôi là chưa đủ và thậm chí là không cần thiết, vì nó cũng không làm cho tổng thu nhập của người lao động tăng lên:
“Thực tế thì việc tăng lương không giúp thu nhập của bạn cao hơn. Hầu hết công nhân ở Sài Gòn đều có thu nhập sau khi công các khoản phụ cấp, tăng ca… là từ sáu – tám triệu, chứ không phải là chỉ hơn bốn triệu bằng với mức lương tối thiểu vùng.”
Ông Bùi Thiện Tri, chủ tịch Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU) lý giải rằng trên thực tế, việc điều chỉnh tăng/giảm mức lương tối thiểu chỉ có tác dụng đối với vùng có điều kiện kinh tế – xã hội thấp, như vùng ba và vùng bốn.
Ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển như TPHCM, Hà Nội hay một số đô thị khác thì mức lương do thị trường lao động tự điều tiết và thường cao hơn mức lương tối thiểu.
Vì vậy, khi tăng mức lương tối thiểu thì người lao động ở vùng ba, bốn sẽ được hưởng lợi trực tiếp, do mức lương thực tế mà họ đang nhận chỉ bằng mức lương tối thiểu.
Còn đối với người lao động ở vùng một, hai thì thậm chí thu nhập thực tế của họ còn bị giảm nếu lương tối thiểu tăng, do các khoản đóng bảo hiểm sẽ tăng theo mức lương tối thiểu.
Làm gì để cải thiện mức sống người lao động?
Theo nhân viên giấu tên đề xuất, thay vì bàn cãi tăng lương tối thiểu mà trên thực tế cũng không thay đổi được bao nhiêu, thì Chính phủ nên giảm áp lực thuế phí, giảm gánh nặng tài chính cho người dân, đặc biệt là dân nghèo:
“Việc tăng lương tối thiểu thực tế chỉ làm tăng các khoản tiền đóng vào các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Do đó, để nâng cao đời sống người lao động thì cần giảm gánh nặng tài chính, bằng cách giảm thuế phí xăng dầu, tăng phụ cấp cho hộ nghèo… còn hơn là tăng lương tối thiểu.”
Ông Bùi Thiện Tri cho rằng để cải thiện mức sống cho công nhân và người lao động thì vai trò của Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức đại diện của người lao động đều quan trọng.
Về phía Chính phủ thì việc ban hành và sửa đổi kịp thời các quy định của pháp luật về mức lương là rất cần thiết.
Các doanh nghiệp bên cạnh việc duy trì và tăng trưởng các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh thì cũng cần quan tâm hơn đến lợi ích hợp pháp và đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, đảm bảo sự hài hoà giữa các bên.
Ngoài ra, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các tổ chức đại diện của người lao động và vấn đề thương lượng tập thể. Hàng loạt vụ đình công của công nhân đòi tăng lương ở nhiều địa phương trong mấy tháng qua cho thấy tổ chức công đoàn không phát huy được vai trò đại diện cho người lao động trong việc thương lượng với người sử dụng lao động cũng như không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người lao động để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Chỉ khi đình công xảy ra thì công đoàn mới tham gia vào việc giải quyết hậu quả.