Từ đầu tháng ba, hầu hết các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc ở tỉnh Lạng Sơn đều đang tạm ngưng thông quan, dừng xuất khẩu cho đến khi có thông báo mới. Nguyên nhân một lần nữa, lại là do phía Trung Quốc thực hiện chiến lược Zero COVID, nên ngừng nhập khẩu để kiểm soát dịch.
Điều này khiến cho người dân Việt Nam, đang làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến xuất khẩu hàng hoá qua thị trường Trung Quốc chịu rất nhiều thiệt hại về kinh tế.
Chủ hàng, tài xế đều thiệt hại
Theo báo chí nhà nước đưa tin, hiện nay ở tỉnh Lạng Sơn, chỉ còn mỗi cửa khẩu phụ Tân Thanh là vẫn còn thông quan, xuất hàng qua Trung Quốc. Tất cả các cửa khẩu khác có hoạt động, nhưng chỉ cho nhập khẩu từ Trung Quốc về, chứ hàng hoá từ Việt Nam xuất đi đều không được.
Đến ngày 30/3, số xe hàng còn nằm bãi chờ ở Lạng Sơn là hơn 1300 chiếc, trong khi năng lực thông quan của cửa khẩu này chỉ rơi vào khoảng hơn 100 xe/ngày, theo số liệu từ Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn.
Bà Quỳnh, làm việc tại một nhà xe ở Lạng Sơn cho biết hiện tại, các tài xế xe container đổ dồn về cửa khẩu Tân Thanh, chờ để được xuất hàng đi, nhưng chưa biết phải chờ tới khi nào:
“Hiện tại ở các cửa khẩu vẫn chưa có tình hình gì mới. Ở trên đấy bây giờ đang tắc biên cho nên chắc chắn sẽ rất đông.
Nếu không có ca nhiễm dự định là sau bảy ngày, nhưng mà hiện tại dự đoán là khoảng tầm cuối tháng tư, có người bảo dự định là mùng năm sẽ mở, nhưng mà cái đấy thì cũng phải đợi xem, phải chờ thôi.”
Xe hàng nằm bãi chờ thông quan không đơn giản chỉ là mất thời gian, mỗi ngày trung bình chủ hàng phải tốn thêm khoảng một triệu đồng chi phí bến bãi, sinh hoạt… Nhiều xe chờ đợi quá lâu, sợ hàng hóa hư thối, đội thêm chi phí nên đành phải quay đầu chạy ngược xuống các tỉnh, thành bán cho thị trường trong nước.
Ông Thanh, một người làm công việc trung chuyển hàng hoá từ Lạng Sơn qua Trung Quốc nói rằng mỗi lần Trung Quốc mà chặn cửa khẩu là dân buôn thiệt hại nặng nề lắm:
“Bây giờ xe ra đi là mất tiền bãi xe. Ví dụ các lái xe người ta chở hàng ra, nếu đường thông thì trả hàng một cái là quay lại chạy ngay để kiếm chuyến khác, còn nếu không thông thì nửa tháng cũng không được một chuyến, thì chắc chắn là thiệt hại rất nhiều rồi.
Có nhiều người hàng lên mà không xuất được sang Trung Quốc thì phải quay đầu về bán lẻ, có khi là sang tay lại cho người khác. Như vậy thì thì chắc chắn là lỗ chứ làm sao lãi được, một tấn lỗ tầm một nửa tiền.
Có nhiều trường hợp là chủ hàng người ta còn bỏ luôn cả hàng. Tức là bây giờ ví dụ một xe dưa hấu từ trong miền Nam ra, chi phí tiền xe cộ, nói chung là đủ loại tiền, cho đến khi quay đầu về bán lại là còn không đủ tiền để trả tiền cước xe.
Nhiều trường hợp như vậy là chủ hàng người ta bỏ hàng luôn, để mặc cho lái xe. Vậy thì lái xe phải lấy hàng ở trên xe để bán rẻ để lấy tiền cước, tiền công, nhưng mà vẫn bị lỗ.”
Nông dân chặt bỏ cây ăn trái do thua lỗ
Theo mạng báo VnExpress, các mặt hàng nông sản như chuối, thanh long, mít, dưa hấu… không xuất được qua Trung Quốc, đang phải đổ đống bán rẻ đầy đường Sài Gòn, Hà Nội.
Ông Tuấn, chủ một vườn trái cây, chuyên trồng mít ruột đỏ và na Thái, nói với RFA rằng bà con nông dân miền Tây trồng mít, thanh long hay dưa hấu… để xuất đi Trung Quốc, thời gian qua thua lỗ rất nặng, thậm chí là phá sản cũng có:
“Nói chung là lỗ nhiều lắm, đổ nợ luôn đó, phải bỏ phí đi. Thanh long ruột đỏ họ cũng đốn bỏ luôn. Nhiều người có nguồn tích trữ thì không đến nỗi phá sản, nhưng mà nói chung là vẫn lỗ.”
Theo báo Tiền Phong, nhiều nhà vườn trồng thanh long đã phải chặt bỏ hàng ngàn trụ thanh long ruột đỏ vì trong nhiều tháng qua, giá thanh long xuống quá thấp. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có đến 85% tổng sản lượng thanh long là để xuất sang Trung Quốc. Nay không bán được hàng, thua lỗ nặng nề nên phải chặt bỏ.
Ông Tuấn cho biết, ông không chọn hướng xuất hàng qua Trung Quốc, nhưng với số lượng lớn nông sản không xuất được, đổ ngược về trong nước, kéo giá bán giảm sâu, nên hiện cũng làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của các loại trái cây mà ông trồng, nhưng nhìn chung là thiệt hại nhẹ hơn rất nhiều so với các nhà vườn khác.
Theo quan điểm của ông Tuấn, nhận thấy thị trường Trung Quốc quá bấp bênh và nhiều rủi ro, ngay từ đầu ông đã chọn con đường đầu tư sản xuất nông sản sạch, hữu cơ, nhắm vào thị trường Việt Nam, chứ không chạy theo trào lưu trồng các loại cây để xuất khẩu qua Trung Quốc:
“Mình cũng bị ảnh hưởng nhưng mà ít thôi. Bởi vì trái mà mình trồng nó là đặc trưng, cũng chưa có nhiều cho nên nó không bị ảnh hưởng nhiều.
Có cái là chi phí đầu vào tăng rất là cao, tăng tầm khoảng 50 – 60% rồi, phân bón nữa.
Nói chung là mình thấy thị trường Trung Quốc nó bấp bênh cho nên không theo trào lưu, mình đổi hướng. Mình trồng những cây khó tính mà ở trong nước họ còn ít trồng, còn những cây dễ trồng thì tôi không theo đuổi.”
Tình trạng các xe tải chở hàng mắc kẹt, nối đuôi nhau tại các cửa khẩu với Trung Quốc do không thông quan được, đã xảy ra nhiều lần trước đây, mà điển hình mới nhất là hồi tháng 12 năm ngoái. Lúc cao điểm, đã có tới khoảng 5000 xe hàng chôn chân chờ đợi để được qua biên giới.
Thường trực Ban bí thư trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, ông Võ Văn Thưởng từng phát biểu chỉ đạo hôm 19/1 rằng nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải là chờ đợi để giải cứu. Tuy vậy, đến nay, một lần nữa, các mặt hàng nông sản Việt Nam lại bị dồn ứ, phải bán đổ bán tháo với giả cực rẻ.