Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa cho rằng các vụ Nguyễn Phương Hằng, Trịnh Văn Quyết có tính chất thách thức, cần xử lý nghiêm.
Ông Võ Văn Thưởng phát biểu như vừa nêu khi tham dự Hội nghị phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hôm 31/3/2022.
Theo vị Thường trực Ban Bí thư Đảng CSVN, vụ bà Nguyễn Phương Hằng và vụ thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết là các vụ việc sai phạm có tính chất thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Tuyên bố của ông Võ Văn Thưởng cho thấy khi bắt bà Hằng đã được Bộ Chính trị đồng ý. Tức câu chuyện trầm trọng hơn rất nhiều so với những gì dư luận nghĩ.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Pháp luật Việt Nam quy định vi phạm ‘mang tính thách thức’ như thế nào? Trao đổi với RFA tối 1/4, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, giải thích về vấn đề này:
“Thật là khó để đưa ra định nghĩa rõ ràng, nhưng nhìn chung thách thức ở đây là gây tổn thương cho người khác, phá hại những thứ chung quanh, bị xã hội lên án, tức xấc xược, có hành vi không đúng pháp luật. Ví dụ như luật quy định không được xúc phạm danh dự người khác, xâm phạm quyền riêng tư của người khác thì anh phải có chứng cứ. Đằng này anh chẳng theo yếu tố pháp luật nào mà vẫn cứ làm, như vậy là thách thức. Có thể lấy ví dụ như vi phạm của bà Phương Hằng. Tức là thách thức kỷ cương phép nước, ví dụ được xây nhà một tầng, nhưng anh cứ xây ba tầng, gây bức xúc cho người dân, coi thường pháp luật.”
Tuy nhiên nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 1/4 cho rằng, việc bắt bà Nguyễn Phương Hằng đã được Bộ Chính trị bật đèn xanh do bà này phát ngôn trái ý Đảng CSVN:
“Tuyên bố của ông Võ Văn Thưởng cho thấy khi bắt bà Hằng đã được Bộ Chính trị đồng ý. Tức câu chuyện trầm trọng hơn rất nhiều so với những gì dư luận nghĩ. Tuy nhiên, nhiều người ngạc nhiên khi bà Hằng bị bắt vì điều 331, lợi dùng quyền tự do dân chủ, thay vì tội danh vu khống làm nhục… Tôi cho rằng qua phát ngôn của ông Thưởng thì câu chuyện đã rõ ràng hơn, đó là việc bắt bà Hằng đã mang tính chất chính trị. Thứ hai, khi họ bắt bà Hằng bằng điều 331 chắc họ cũng đã suy nghĩ rất kỹ vì nó giống như điều 117, nghĩa là án bỏ túi, tùy vào lúc đó Bộ Chính trị quyết như thế nào? Mức án ra sao?”
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, đây là điều bất lợi cho bà Nguyễn Phương Hằng, ông giải thích:
“Tôi không biết sắp tới khi ra tòa thì tiền lệ không có tranh tụng, không có đối chất, có được lập lại hay họ sẽ tạo ra một cái mới hơn… Cái thứ hai, những cái bà Hằng mang lại lợi ích cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chỉ gói gọn ở góc độ kinh tế, nhưng cái bất lợi mà bà mang lại cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam quá lớn, đó chính là hình ảnh. Và cái giống nhau của bà Nguyễn Phương Hằng và ông Trịnh Văn Quyết như ông Thưởng phát ngôn đó là sự ‘thách thức’… Bà Hằng thì thách thức danh dự của nhà cầm quyền CSVN, tức mang tính chính trị. Còn ông Quyết thách thức khả năng quản trị quốc gia, tức về mặt kinh tế.”
Tóm lại, theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, việc bắt kết án bà Hằng và ông Quyết có như thế nào thì sự thách thức vẫn còn nguyên vẹn, và chỉ mang tính trấn áp mà thôi.
Bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Đại Nam, hôm 24/3/2022 bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố và bị bắt tạm giam về hành vi “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích cá nhân”, theo Điều 331 của Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trả lời phỏng vấn của đài Á châu Tự do qua ứng dụng nhắn tin hôm 25/3, một luật sư ẩn danh vì lý do an toàn, cho rằng việc khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng theo Điều 331 là không hợp lý.
“Điều 331 là điều luật hết sức mơ hồ, việc Nhà nước cho rằng bà này lợi dụng quyền tự do dân chủ, thì những người khác cũng có thể bị ép buộc vào tội danh tương tự như vậy vì những phát ngôn của họ. Trong tương lai, khi mà bất cứ ai có ý kiến không được lòng nhà nước hay không thuận với dư luận xã hội thì đều có thể bị khép tội với hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ. Nó sẽ trở thành công cụ để đẩy người khác vào trong tù, ví dụ như anh với tôi có hiềm khích và anh tố cáo tôi ra cơ quan công an, cho rằng tôi vi phạm Điều 331, thì tôi hoàn toàn có thể bị bắt đi tù.”
Việc bắt kết án bà Hằng và ông Quyết có như thế nào thì sự thách thức vẫn còn nguyên vẹn, và chỉ mang tính trấn áp mà thôi.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Còn Tỷ phú Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam hôm 29/3/2022 với cáo buộc có hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra vào ngày 10/1/2022. Khi đó, ông Quyết bán ra 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Sau đó vào ngày 18/1/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – SSC đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết với mức phạt tiền 1,5 tỉ đồng.
Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trao đổi với RFA hôm 1/4 cho rằng, nếu không bàn về những vấn đề liên quan khác, thì trong phạm vi pháp lý, hành vi vi phạm pháp luật của ông Trịnh Văn Quyết đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý bằng một quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tính cho đến nay, quyết định xử lý này vẫn còn nguyên hiệu lực pháp luật và ông Trịnh Văn Quyết cũng đã thực hiện việc nộp phạt của mình vì hành vi vi phạm vào ngày 10/01/2022. Ông Mạnh nói tiếp:
“Được biết, chiều ngày 29/03/2022, ông Trịnh Văn Quyết đã bị khởi tố, bắt giữ, tạm giam để xem xét trách nhiệm hình sự liên quan đến hành vi vi phạm vào ngày 10/01/2022. Đến đây, không thể không nhắc lại nguyên tắc không ai bị kết tội hai lần cho một hành vi vi phạm.”
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, nếu cho rằng việc xử lý vi phạm bằng quyết định xử lý vi phạm hành chính trước đây là chưa tương xứng với mức độ phạm tội, có thể bỏ lọt tội phạm, thì việc khởi tố hình sự có mức chế tài cao hơn là chính đáng. Tuy nhiên, về phương diện pháp lý, khi quyết định xử lý vi phạm hành chính vẫn đang còn hiệu lực pháp luật mà vẫn song song tiến hành thủ tục khởi tố hình sự sẽ “vướng” vào nguyên tắc cấm xử lý hai lần cho một hành vi vi phạm.
Vì vậy Luật sư Mạnh cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng phải khẩn cấp xem xét, yêu cầu cơ quan chức năng cho thực hiện ngay các thủ tục “vô hiệu hóa” quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 18/01/2022 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – SSC.