Thủ tướng Nhật Kishida Fumio có kế hoạch công du Đông Nam Á vào cuối tháng này nhằm đối phó với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tin do một quan chức chính phủ Nhật và các nguồn khác loan đi.
Thông tấn xã Kyodo của Nhật dẫn những nguồn tin ngoại giao ẩn danh cho biết chuyến công du của ông Kishida sẽ diễn ra trong những ngày lễ được gọi là Tuần Vàng và gồm những chặng dừng tại Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.
Tuần lễ Vàng 2022 từ ngày 29/4 cho đến 5/5 khởi sự với Ngày Showa và kết thúc vào Ngày Thiếu Nhi, trong đó có năm ngày lễ liên tiếp từ 1-5/5.
Tin cũng cho biết Thủ tướng Kishida có thể xem xét một chuyến công du đến Châu Âu trong thời kỳ nghỉ lễ đó. Như thế một cuộc gặp được đề nghị trước đây giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của Nhật Bản và Ấn Độ vào khoảng thời gian từ giữa đến cuối tháng tư có thể phải hoãn vì ngoại trưởng thường tháp tùng thủ tướng trong những chuyến công du nước ngoài. RFA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Nhật Bản để có được xác nhận về tin vừa nêu.
Phát ngôn nhân Teuku Faizasyah của Bộ Ngoại giao Indonesia vào ngày thứ năm xác nhận với kênh tin BenarNews của RFA rằng thủ tướng Kishida sẽ thăm Indonesia vào ‘cuối tháng tư’. Và ngày cụ thể sẽ được công bố sau.
Kyodo cũng loan tin rằng ở Đông Nam Á, Thủ tướng Nhật được mong đợi ‘nhấn mạnh hợp tác hướng đến hiện thực hóa tầm nhìn một khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở vào lúc trỗi dậy của Trung Quốc’.
Thái Lan và Indonesia trong năm nay là chủ tịch tương ứng của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC) và Nhóm G20.
Việt Nam trong khi đó chia sẻ quyền lợi với Nhật Bàn trong việc bảo vệ an ninh tại Biển Đông nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền rộng khắp và quân sự hóa những đảo nhân tại do Bắc Kinh bồi lấp nên.
Khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở
Chuyên gia Pratnashree tại Sáng hội Nghiên Cứu Quan sát của Ấn Độ cho rằng “Trung Quốc là mối đe dọa địa chính trị chính dù là Ấn Độ, Nhật Bản hay quốc gia Đông Nam Á nào.”
Bà nói tiếp:“Do đó việc tập trung nguồn lực và tăng cường khả năng là tiến trình đang diễn ra của hầu hết các quốc gia tại Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương nhằm có thể có vị thể đáp trả mạnh hơn trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công.”
Hồi năm ngoái, Nhật Bản tham gia vào danh sách ngày càng đông những nước đang thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Tokyo gửi một công hàm ngoại giao đến Liên Hiệp Quốc phản đối tuyên bố về đường cơ sở của Trung Quốc và lên án điều mà Tokyo mô tả là những nỗ lực nhằm hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không.
Nhật Bản không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, thế nhưng Tokyo cho tăng cường quan hệ an inh với một số nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền hay có quyền lợi tại Biển Đông.
Lực lượng Hải quân và Tuần duyên Nhật Bản tiến hành những cuộc tập trận chung với Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Ông Stephen Nagy, Phó giáo sư cấp cao tại Khoa Chính trị & Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Ki tô Giáo Quốc tế ở Tokyo phát biểu rằng Nhật Bản ưu tiên duy trì ổn định và giải pháp dựa trên luật pháp cho việc quản trị Biển Đông vì tuyến đường biển đó là huyết mạch thiết yếu cho nền kinh tế Xứ Phù Tang.
Tokyo đóng một vai trò quan trọng trong việc ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Lãnh đạo của Nhóm Đối thoại An ninh Bốn bên, thường gọi tắt là QUAD, gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia và Ấn Độ sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp vào cuối tháng năm tới đây ở Tokyo.
Nhóm QUAD được nhiều người cho là lực mạnh đối trọng trong khu vực của Trung Quốc,
Thủ tướng Nhật Bản Kishida vào tháng ba vừa qua thăm Ấn Độ và Campuchia. Đó là những chuyến công du đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức vào tháng 10/2021. Campuchia hiện nước là chủ tịch Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á- ASEAN.