Một cuộc triển lãm tranh ở Hà Nội nhân dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa mới bị tạm dừng khi chưa kịp mở cửa hôm 7/5 vừa qua vì cơ quan văn hoá cho rằng một tác phẩm tham gia triển lãm có vấn đề.
Sự việc này xảy ra chỉ một tuần sau khi ca sĩ trẻ nổi tiếng Sơn Tùng M-TP bị Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du Lịch phạt 70 triệu đồng và buộc gở bỏ một video ca nhạc, với lý do tác phẩm này “tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.”
Hai sự việc trên đã một lần nữa dấy lên tranh cãi trên mạng xã hội tiếng Việt về đề tài muôn thuở ở xã hội Cộng Sản – biện pháp kiểm duyệt chặt chẽ.
Khác với những lần kiểm duyệt trước, khi nạn nhân là những tác phẩm văn học hay nghệ thuật khác có hơi hướng chính trị hoặc đề cập đến các vấn đề xã hội được cho là nhạy cảm, lần này, những tác phẩm chịu kiểm duyệt lại khiến người ta bất ngờ bởi chúng không hề nhạy cảm.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam trích lời nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo – một thành viên hội đồng duyệt triển lãm thuộc Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội, cho biết: “Lý do khiến triển lãm phải tạm hoãn là do có những ý kiến cho rằng bức tranh chính của triển lãm Điện Biên Phủ vẽ lá cờ bị rách quá và vẽ anh bộ đội không đẹp, không đúng về giải phẫu”.
Trao đổi với đài Á châu Tự do, nhạc sĩ Tuấn Khanh, người có nhiều năm hoạt động sáng tác nghệ thuật và dối diện với chế độ kiểm duyệt ở Việt Nam, cho rằng việc chính quyền gia tăng kiểm duyệt cho thấy sự yếu đuối về mặt chính trị:
“Mình phải nói là khi xã hội ở tình trạng khủng hoảng, và chính quyền yếu đi thì nền kiểm duyệt sẽ phát triển theo tỉ lệ nghịch, tức là sẽ tăng vọt lên.
Chẳng hạn như thời đại của ông Tập Cận Bình, trước đó mọi thứ đang tốt đẹp, cho đến khi ông Tập Cận Bình cảm thấy đang bị nhòm ngó, bị lung lay, coi thường thì ngay cả con gấu Pooh, một nhân vật hoạt hình cũng bị kiểm duyệt ở Trung Quốc, bởi vì cho rằng nó ám chỉ ông Tập Cận Bình.
Thì ở Việt Nam cũng vậy thôi, từ sau năm 1975 tới giờ, cái nền kiểm duyệt vẫn tiếp tục hoạt động như hàng rào kẽm gai, nó ấu trĩ và tiếp tục kiểm soát người VIệt Nam.”
Tuy nhiên, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng các nỗ lực kiểm duyệt ở Việt Nam đang tỏ ra không hiệu quả, bởi với sự phát triển của công nghệ, các tác phẩm bị kiểm duyệt vẫn có thể đến được tay người muốn tiêu thụ.
Thậm chí, tác phẩm nào càng bị kiểm duyệt thì càng nhận được nhiều sự chú ý.
Đồng quan điểm với nhạc sĩ Tuấn Khanh, luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà quan sát và bình luận chính trị Việt Nam, cho rằng việc nhà nước kiểm duyệt ngay cả những điều nhỏ nhặt cho thấy sự suy yếu của chế độ chính trị:
“Trong chế độ độc tài, khi chính quyền suy yếu thì nó càng gia tăng kiểm duyệt trên tất cả mọi lĩnh vực, bình thường khi mà nó mạnh thì nó chỉ kiểm duyệt trong lĩnh vực chính trị, nhưng một khi chính quyền lâm vào tình trạng suy yếu, mất uy tín với người dân, người dân mất niềm tin vào chính quyền, thì họ sẽ kiểm duyệt tất cả những gì làm gia tăng thêm sự mất niềm tin của người dân đối với chính quyền.
Trong tất cả các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.”
Để chứng minh cho luận điểm của mình, luật sư Nguyễn Văn Đài đưa ra ví dụ về việc bài hát “There’s no one at all” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP bị kiểm duyệt, sau khi bài hát này nhận phải làn sóng chỉ trích của đám đông.
Ông cho rằng việc chính quyền hành động thuận theo dư luận như vậy là nhằm thể hiện quyền lực và vớt vát sự ủng hộ của dân chúng.
Trước khi xảy ra vụ việc kiểm duyệt đối với ca khúc “There’s no one at all” và bức tranh trận Điện Biên Phủ, xã hội Việt Nam cũng được phen tranh luận sôi nổi khi bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, bị bắt theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự vì các phát ngôn của bà này trên mạng xã hội.
Động thái trên cũng được nhiều người cho là một hành vi kiểm duyệt của chính quyền nhắm vào những tiếng nói gây ảnh hưởng đến uy danh của chế độ. Trên thực tế, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng thừa nhận rằng bà Hằng bị bắt là vì “thách thức đường lối, chủ trương của Đảng”.
Trước sự gia tăng kiểm duyệt trên nhiều lĩnh vực như hiện nay, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng triển vọng về một kịch bản đảng Cộng Sản nới lỏng kiểm soát và tạo điều kiện để xã hội trở nên tự do hơn, đang trở nên rất mịt mù.