Ông Vũ Hội Khánh sinh quán tại Hải Phòng, sang Liên Xô du học ngành cơ khi hệ đại học năm 1979. Năm 1991, khi Liên Xô tan rã, ông chuyển qua kinh doanh tại Ukraina, hiện ông đang có cổ phần trong một công ty gỗ, sống cùng vợ và hai con tại thành phố Lviv. Khi chiến tranh chưa xảy ra, do có sự quen biết cũng như phương tiện, ông đã hỗ trợ cho những người Việt cần được giúp đỡ, nhưng sự hỗ trợ này càng tích cực hơn khi chiến tranh xâm lược của Putin bùng phát.
Phóng viên Tường An có cuộc phỏng vấn ông Vũ Hội Khánh tại nhà riêng ở Lviv (Ukraina)
« Không ai nghĩ là quân Nga đánh Ukraina, không ai ngờ được, bắt đầu người ta bị hoảng loạn. Thực chất đầu tiên, tôi không nghĩ làm việc thiện, nhưng khi bạn bè, bà con gọi điện xuống hỏi cách làm sao mà đi sơ tán, đi di tản khỏi Ukraina được. Chổ trung chuyển chính là thành phố Lviv này, mà Lviv thì không đông kiều bào Việt Nam, chỉ có một vài người, đâm ra mình trở thành tâm điểm của sự hoảng loạn, nhìn cảnh bạn bè lâu năm, bà con gọi mà mình không giúp thì không được. Lúc đó thì cả nước Ukraine bị hoảng loạn. Do kinh doanh, mình có quan hệ với chính quyền nên có điều kiện. Đầu tiên là có một đoàn doanh nhân sang đây công tác, đêm 24/2 khi chiến tranh xảy ra, đêm hôm đó người ta phải ra sân bay Kyiv nhưng không đi được nên họ phải từ Kyiv chạy về Lviv để sang Ba Lan và từ Ba Lan bay về Việt Nam. Nhưng họ không thể nào ra khỏi biên giới (Ukraine-Ba Lan) nên họ cầu cứu giúp. Khi đó thì mình phải tận dụng cái quan hệ của mình, nhờ đến chính quyền địa phương giải cứu đoàn đầu tiên. Đoàn này có khoảng 4-5 người, cảnh ngoài nhà ga thật hổn loạn, da trắng, da đen chen chút nhau. Người ta thấy tôi giúp được lần đầu tiên thì họ lại gọi, thì tôi lại giúp được lần thứ hai…
Giúp được lần đầu, lần thứ hai, lần thứ ba…thì tôi nghĩ tại sao mình giúp được những người không phải là nghèo khó, trong khi đó kiều bào mình….lúc đó sân ga có ngày lên đến 100-150 người trong đó có cả người già, trẻ con, có người tiếng (Ukraine) kém, thì tôi mới nảy ra ý tưởng là tôi tổ chức việc giúp đỡ bà con. Vì tôi sống ở đây lâu nên tôi cũng có uy tín trong các cộng đồng của bà con ở đây nên mấy anh em chúng tôi đứng ra tổ chức giúp được gì thì giúp như làm phiên dịch….
Đúng lúc này Sứ quán Việt Nam xuống đây thì tôi cũng hỗ trợ cùng với họ giúp họ về mặt giấy tờ, ai mất giấy tờ , thiếu giấy tờ thì bổ xung giấy tờ để họ có thể đi di tản được. Tôi kinh doanh quen rồi nên mạng lưới tổ chức thì tôi thạo, cùng hợp tác để giúp đỡ bà con…Lúc mà sứ quán thuê xe để chở bà con ra biên giới thì cũng không thuê được xe, lúc đó rất khó thuê xe, tôi có điều kiện thì tôi hợp tác cùng, tôi đứng ra thỏa thuận thuê xe, thì dụ như thế, tiếng tăm, thủ tục..v.v…Cái thứ hai là đi cho nó an toàn, trong lúc hỗn loạn thì nhiều người bị cướp, bị trấn lột, chuyện đó có, không nhiều, nhưng có ! Cũng may là chỉ có 1-2 trường hợp bị trấn lột mất tiền của, nhưng nói chung là an toàn. Hồi lúc đó nó rét, lạnh… bà con đều khổ. Nhìn cảnh bà con đi rất thương tâm, nó lạnh. Bỏ hết tài sản đi, trên vai chỉ có cái ba-lô, vừa đi vừa sợ. Ai cũng muốn đi ra nhanh khỏi đất nước chiến tranh, nó bắn khắp nơi. Thường đi tàu từ Kyiv về đây là 10 tiếng, giờ người ta phải đi mấy chục tiếng, mà chỉ có đứng, đông người quá ! Trong vòng khoảng 3-4 ngày đầu đã có khoảng mấy triệu người đi qua cửa Lviv. Lviv là trung tâm vận chuyển. »
Dòng người chạy sang nước khác lánh nạn -RFA
Qua những nguồn thông tin được trao đổi trên mạng, từ đó nhiều người biết đến ông và liên lạc để nhờ giúp đỡ, ông Vũ Hội Khánh tiếp :
« Bạn bè cũng gọi cho tôi nhiều hoặc hỗ trợ online. Những người không qua khỏi biên giới được, lên trang web biết mình thì gọi điện cho tôi, tôi hỗ trợ online. Thứ hai nữa là khi thiếu phương tiện xe thì tôi kêu gọi bạn bè, tôi cũng có hai người con gái và một con rể, ai có điều kiện thì làm tình nguyện viên để chở bà con ra thẳng biên giới, không phải đợi nữa, ưu tiên cho trẻ con, bà già. Qua cái quan hệ tốt với chính quyền, tôi cũng xin được giấy thông hành đi đêm, ai cần thì huy động gia đình bạn bè chở ô-tô con ra biên giới….Cũng giúp được nhiều người. Tôi là người làm kinh doanh nên tôi giúp người Việt trước, sau này cũng giúp luôn người Ukraina. Bởi vì người ta không đi được, đọng lại đông thì chính quyền phải lo. Mình giúp cho mình cũng là giúp cho chính quyền, vì thế mình có được sự thông cảm của chính quyền nên họ cũng tạo mọi điều kiện ».
Sự giúp đỡ cho người Việt, phần lớn là thông dịch, giúp đỡ về mặt giấy tờ, hành chánh để rời Ukraina, bên cạnh đó, ông cũng giúp trang thiết bị quân sự cho quân đội Ukraina, ông Vũ Hội Khanh cho biết thêm :
« Thật sự phải dịch là nhiều bởi vì các cháu thuộc thế hệ thứ hai, có hai quốc tịch. Mà theo luật pháp Ukraina thì nam từ 18-60 thì không được xuất cảnh. Tôi có vợ là người Ukraina nên có rất nhiều bạn bè trong hoàn cảnh có con trong độ tuổi từ 18-19 tuổi, bố mẹ là người Việt Nam, con là Việt Nam nhưng giấy tờ Ukraina nên Bố Mẹ thì không dám đi vì không bỏ con ở lại được nên sứ quán Việt Nam cũng tạo điều kiện cho đi được bằng cách làm cho giấy thông hành
Trong chiến dịch đưa người đi thì chính quyền (Ukraina) cũng tổ chức cho ăn miễn phí, mình cũng cám ơn người ta bằng cách mua thực phẩm biếu lại. Tôi giúp được gì thì tôi giúp trong khả năng có thể. Nhờ quen biết nhiều nên tôi biết bên Ba Lan có cái quỹ Ba-Na-Sop của kiều bào Việt Nam trong nước qua anh Phan Châu Thành cũng đưa hàng sang đây giúp đỡ. Là cầu nối trực tiếp với chính quyền. Chính quyền người ta biết phân bổ đi đâu, qua một vài doanh nhân khác như anh Bùi Xuân Đức, ảnh mang hàng về đây bán, khi chiến tranh xảy ra, thì anh đi lánh nạn nhưng công ty ảnh vẫn ở đây thì ảnh mở kho thực phẩm, đồ hộp ra hỗ trợ. Những nói có chiến sự thì mình không tự đến đó được, mình phải qua chính quyền người ta chở hàng đến đấy. Hoặc những nhu cầu quân đội thì mình không biết được.
Nhiều người không có tiền để mua vé đi hoặc những tổ tình nguyện viên đi thì mình phải trả tiền xăng, người ta không lấy tiền nhưng phải bồi dưỡng ăn uống. Ngoài tiền cá nhân ra thì tôi cũng trong Nhóm Cựu sinh viên Bách Khoa Lviv, tôi lập một cái quỹ, tôi kêu gọi thì các anh chị em cũng giúp. Ngoài ra, gia đình, họ hàng tôi bên Canada, bên Pháp, Mỹ cũng gửi tiền trực tiếp cho tôi để tôi làm từ thiện. Nhờ quỹ đó thì tôi cũng giúp được nhiều bà con, người thì hỗ trợ vé, người thì hỗ trợ tiền. Số tiền không dùng hết thì tôi nãy ra ý tưởng dùng số tiền này giúp cho dân Ukraina thì tôi mới liên hệ, tôi mua thực phẩm cho nhà trẻ, trẻ mồ côi, trao cho trung tâm hỗ trợ người sơ tán.
Tôi hỏi có cần gì nữa không ? Người ta bảo nếu giúp được thì người ta cần quân phục, áo chống đạn, máy nhìn đêm, máy đo nhiệt…nhiều lắm….
Tôi liên hệ với bạn bè bên Ba La mua áo chống đạn từ Ba Lan về tặng, mua vải về cho người ta may quân phục. Có những tình nguyện viên người Ukraina chuyên may quân phục, may áo chống đạn. Khi tôi tặng thì từ đó mới nảy sinh ra những mối quan hệ, nảy sinh ý tưởng là giúp cho bộ đội chứ thực chất mình có biết ai đâu ? mình làm chỉ vì cái tâm mình như thế, biết vậy nên sau này người ta mới đề nghị giúp cái này, giúp cái kia. Từ đấy mới nảy sinh ra khi làm việc người ta cần cái gì thì mình giúp.
Cũng như lần này chị cùng đoàn Việt Kiều bên Pháp mang hàng hỗ trợ sang thì mình cũng chỉ làm một cái cầu nối để đưa mọi người đến nhìn thấy họ làm như thế nào để mọi người nhìn thấy hàng hỗ trợ nó đến tận tay người cần một cách có tổ chức, khoa học. Đợt này mọi người đi giúp thì tôi chỉ là cầu nối chứ không tham gia gì ».
Hàng hỗ trợ của nhóm từ thiện do ông Khánh vận động -RFA
Sau khi chiến sự xảy ra thì khoảng 80% người Việt đã di tản đi sang các nước khác hoặc trở về Việt Nam. Ông Vũ Hội Khánh cho biết số người ông giúp qua được biên giới cũng khoảng hơn ngàn người
« Theo con số bên phòng lãnh sự nói qua cửa (khẩu) là khoảng 1.300 người Việt Nam còn riêng trực tiếp giúp thì tôi không tính nhưng khoảng mấy chục chuyến xe ô-tô, mỗi chuyến xe là khoảng 50 người, còn bạn bè thì tôi không nhớ hết nhưng nhiều đoàn rất vất vã, đoàn Marioupol, đoàn Kherson, đoàn Khakov là những tỉnh nóng. Kyiv thì không có nhiều, đoàn Odessa…Tôi không tính bao nhiêu người nhưng ít thì 3-4 người, đông thì cũng đến mấy chục người. Thời gian đầu khi chiến sự xảy ra thì đến mấy chục xe khách 50-60 chổ. »
Người Việt tại Ukraina trước đây có khoảng 10.000-13.000 người, chủ yếu sống tập trung ở Kyiv (1500-2000), Kharkiv (4000-6000), Odesa (3000-5000), các thành phố khác chỉ có khoảng vài chục đến hơn trăm người. sau cuộc Cách mạng Cam 2004 thì chỉ còn khoảng 7500 người. Ngoại trừ một số làm việc trong các công ty, đa số buôn bán tự do tại các chợ trời lớn, một ít doanh nhân thành đạt thì mở công ty in ấn, sản xuất bao bì, nhà máy gỗ…v.v..
Khi chiến tranh xảy ra thì một số những người nghèo hay không có tài sản đi lánh nạn sang các nước Châu Âu, Những người ở lại phần lớn là những người Việt giàu có, họ ở lại , tạm trú trong những hầm trú ẩn để bảo vệ tài sản của mình. Đa số họ sống bằng nguồn dự trử cá nhân. Mặc dù sự hỗ trợ của chính phủ dành cho tất cả mọi người nhưng những người Việt có tài sản ở lại thì không cần đến sự hỗ trợ của nhà nước, khi đi thăm nơi phân phối nhu yếu phẩm, chúng tôi cũng không thấy một người Việt nào xếp hàng chờ hỗ trợ, ông Vũ Hội Khánh cho biết :
« Thực chất ở Ukraina còn khoảng 7500-8000 người thôi, người Việt ra đi là trên 7300. Hiện tại thông báo là khoảng 300 người ở lại, bây giờ về lại 200 là còn khoảng 500 !Người Việt Nam mà ở lại không đi di tản là để trông hàng, trông tài sản, toàn những người khá giả thôi, chẳng phải nghèo đói. Còn những người nghèo họ bỏ chạy hết, không có người nghèo ở lại đâu. Hầu như không có người Việt Nam nhận nhận hỗ trợ, còn có thì rất là ít, 1-2 người … ! »
Cũng là một người sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, nên ông có sự đồng cảm với những người tị nạn chiến tranh, ông Vũ Hội Khánh bày tỏ tâm trạng của mình về cuộc chiến tại Ukraina :
« Mình là người Việt Nam , mình sinh ra trong chiến tranh, nhìn cảnh này mình có sự đồng cảm ngay lập tức, cái thứ hai là ấn tượng căm thù chiến tranh. Tìm mọi cách làm sao để chiến tranh chấm dứt, hòa bình. Hai cảm giác rất đơn giản, nhìn thấy con chau mình đang sống thanh bình. Đất nước Ukraina tươi đẹp như thế này. Thì cái cảm tưởng là căm phẩn chiến tranh thôi. »