Hôm 13/6, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc khai mạc khóa họp lần thứ 50, trong đó phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh sẽ đặt trọng tâm quyền con người trong đối phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong các hoạt động của mình.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, nước này cùng Bangladesh và Philippines sẽ đồng tổ chức phiên thảo luận chuyên đề về bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh BĐKH; đồng thời giới thiệu dự thảo Nghị quyết năm 2022 về BĐKH và quyền con người, tập trung vào quyền lương thực và BĐKH.
Đây là nghị quyết được ba nước này giới thiệu hằng năm kể từ năm 2014, để Hội đồng Nhân quyền LHQ xem xét, thông qua với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng chủ đề cụ thể.
Sự tham gia tích cực của phái đoàn Việt Nam trong việc xây dựng và vận động nghị quyết trên nhằm thể hiện một quốc gia nỗ lực trong việc ứng phó với tình trạng môi trường chung hiện nay trong con mắt của cộng đồng quốc tế.
Theo báo cáo của Germanwatch công bố tại Hội nghị lần thứ 24 các bên tham gia Công ước khung của Liệp Hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 24) năm 2018, Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Bình luận về chính sách của chính phủ Việt Nam trong đối phó với BĐKH, nhà hoạt động môi trường Trung Phi ở Hà Nội nói với phóng viên của Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Cam kết của Việt Nam trướcLiên Hiệp quốc về chống biến đổi khí hậu, đối với cá nhân tôi và những việc tôi từng làm và theo dõi thì tôi không thực sự tin lắm vào các cam kết của Việt Nam trước Liên Hiệp quốc về chống biến đổi khí hậu.”
Ông cho biết như trong nhiều lĩnh vực khác, chính phủ Việt Nam có thể thực hiện khá tốt một số mục tiêu ngắn hạn như xóa đói giảm nghèo hay bảo vệ các nhóm dễ tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người dân tộc thiểu số… là nạn nhân của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Hà Nội không có một kế hoạch dài hơi tổng thể, và vì vậy sẽ khó có khả năng thành công trong việc thực hiện các mục tiêu bền vững hơn.
Ông cho rằng BĐKH là một vấn đề lớn của toàn nhân loại trong khi Việt Nam chưa thể giải quyết những thách thức ít phức tạp hơn và có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân hơn như xử lý các bãi rác thải ở nhiều tỉnh thành, bảo tồn các khu rừng quốc gia vốn đang bị tàn phá nặng nề, việc khai thác cát ở các dòng sông lớn để lại hậu quả lớn cho người dân ven sông.
Lấy ví dụ cụ thể về tình trạng rừng quốc gia Tam Đảo, nhà hoạt động môi trường này cho hay:
“Rừng quốc gia Tam Đảo là một rừng tự nhiên, nguyên sinh. Khi người ta đi vào trong đấy thì đó là cả một thế giới thực vật, động vật cộng sinh với nhau.
Nước mưa khi rơi xuống rừng sẽ chạm vào lá và thấm vào những thân cây có rêu thì nước xuống mặt đất rất chậm, có khi vài ngày mới thấm xuống được đất.
Cách đây năm năm trở đi thì một trận mưa lớn ở Tam Đảo thì hai ngày sau nước suối mới dâng lên, tuy nhiên trong hai năm gần đây thì khi có mưa chỉ một tiếng sau là dưới khu vực các dự án họ đang làm là nước suối dâng lên khủng khiếp, đục ngầu luôn.”
Cũng theo ông này thì trước đây người dân địa phương ở Tam Đảo chủ yếu lấy nước suối để dùng cho nước uống và sinh hoạt thế nhưng gần đây khi các dự án “khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái” cho giới thượng lưu mọc lên ở đây, thì mùa hè nước suối cạn, mùa mưa thì có lũ và làm cho các con đập ở đây sạt lở.
Trong hai năm vừa qua, chính phủ Việt Nam có dấu hiệu đàn áp các nhóm xã hội dân sự có đăng ký hợp pháp, bao gồm bắt giữ một số nhà hoạt động môi trường có tiếng như ông Đặng Đình Bách – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền Vững (LPSD) và bà Nguỵ Thị Khanh – người sáng lập và cũng là giám đốc của tổ chức Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID).
Cả hai đều bị bắt giữ với cáo buộc “trốn thuế” theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự trong các hoạt động tài chính của tổ chức phi lợi nhuận phi chính phủ mà họ đứng đầu.
Bình luận về vấn đề này, ông Trung Phi cũng cho biết cơ quan an ninh Việt Nam còn đang nhắm mục tiêu một số nhà hoạt động môi trường khác, điều tra và có thể bắt giữ họ trong tương lai gần cho dù những người này có các hoạt động nhằm cổ suý sử dụng năng lượng sạch và giảm nhiệt điện chạy than như cam kết của chính phủ Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.