Hôm 10 tháng 6 năm 2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Giáo dục-Đào tạo. Theo đó, hai nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội bị bắt để điều tra về tội danh trên.
Vụ việc xảy ra vào kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học diễn ra vào tháng 7 năm 2021. Lúc đó, đề thi môn Sinh học bị cho là có nội dung giống đến 90% đề ôn tập của thầy giáo Phan Khắc Nghệ ở Hà Tĩnh.
Một tháng sau, tổ công tác liên ngành của Bộ Giáo dục-Đào tạo được thành lập, cùng Bộ Công an điều tra các yếu tố liên quan sự trùng lặp này. Tuy nhiên, đến tháng 12 năm đó, Bộ Giáo dục-Đào tạo chỉ cho biết đã “ghi nhận yếu tố không bình thường”.
Mãi đến khi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo mới lên tiếng cho rằng: “Trong quá trình kiểm tra, rà soát, chưa có kết luận cuối cùng thì chưa thể công bố, còn Bộ rất nghiêm túc, cầu thị. Nhưng đây là quá trình phức tạp, không phải một, hai tháng làm rõ được ngay”.
Giảng viên Phạm Minh Hoàng, từng làm trưởng thanh tra quy trình ra đề thi bậc đại học ở Hà Nội nói với RFA sáng 15 tháng 6:
“Qua những quan sát ở bên ngoài thì thật sự mà nói, việc tổ chức ra đề thi ở Việt Nam tôi thấy thật sự là nghiêm túc. Trong thời gian ở Việt Nam thì tôi đã được cử đi làm thanh tra trưởng trong quy trình ra đề. Mình có quyền rất là lớn nên những gì xảy ra trước mặt mình rất nghiêm túc, nhưng một khi mình quay lưng đi thì không biết chuyện gì xảy ra. Bởi vậy tôi kết luận, chuyện có lộ đề ở Việt Nam là chuyện không khó. Một khi con người mà muốn làm họ mua chuộc từ ông hiệu trưởng, thanh tra cho đến người thầy, cả người photocopy. Họ có thể mua hết tất cả. Trong một cái xã hội mà không trong sạch thì mình không đảm bảo được cái gì hết. Chỉ cần một chút quyền hành và một chút móc ngoặc là xong hết.”
Cái gì cũng phải hỏi ‘ông’ đảng. Tất cả họ sẽ bao che cho nhau. Người làm sai cũng không lo tại vì cái ông thẩm phán cũng là đảng luôn. Như thế thì đâu còn cái gì trong sạch. Nói đi nói lại thì một xã hội không trong sạch, không tam quyền phân lập thì không có phép lạ nào có thể thay đổi được xã hội. Từ giáo dục, y tế cho đến cả vấn đề môi sinh… – Giảng viên Phạm Minh Hoàng
Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin được báo Thanh Niên dẫn lời rằng: “Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2021 có các quy định về đề thi tương đối khép kín. Do đó, vụ án này chính là ở khâu cán bộ, khâu con người. Công nghệ hiện đại mấy, quy trình có chặt chẽ đến mấy nhưng giáo viên tha hóa thì rất khó kiểm soát. Do đó, theo tôi, khâu lựa chọn cán bộ vẫn là khâu quan trọng nhất”.
Theo một số chuyên gia giáo dục, để ngăn chặn hoàn toàn chuyện lộ đề thi thì việc đầu tiên phải có một vị Bộ trưởng giáo dục thanh liêm. Nhưng chỉ cá nhân vị bộ trưởng thanh liêm thôi thì chưa đủ mà phải thay đổi cả thể chế chính trị. Giảng viên Phạm Minh Hoàng giải thích thêm:
“Quan trọng là cái guồng máy phải độc lập. Việt Nam thì nói đúng ra tất cả đều do đảng nắm quyền cho nên vấn đề không phải là giáo dục hay y tế mà tất cả đều là chính trị hết. Chính trị điều khiển hết tất cả.
Cái gì cũng phải hỏi ‘ông’ đảng. Tất cả họ sẽ bao che cho nhau. Người làm sai cũng không lo tại vì cái ông thẩm phán cũng là đảng luôn. Như thế thì đâu còn cái gì trong sạch. Nói đi nói lại thì một xã hội không trong sạch, không tam quyền phân lập thì không có phép lạ nào có thể thay đổi được xã hội. Từ giáo dục, y tế cho đến cả vấn đề môi sinh…”
Tại Việt Nam, trong quá trình ôn thi thì bao giờ cũng căn cứ vào ba điều: hướng dẫn giảng dạy của Bộ Giáo dục – Đào tạo, nội dung đề tham khảo được Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố và nguồn đề của một số tỉnh có uy tín.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là kỳ thi có quy mô lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu học sinh nên chuyện sai sót ở bất cứ khâu nào cũng ảnh hưởng rất lớn đến thí sinh.
Một ngày sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án, Bộ Giáo dục-Đào tạo cho biết đang tiếp tục phối hợp Bộ Công an xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tiến sĩ ngôn ngữ học Hoàng Dũng, người từng trực tiếp tham gia ra đề thi cho biết, quy trình ra đề rất chặt chẽ, nghiêm túc. Nếu có sai phạm thì chỉ ở khâu kỹ thuật. Ông nói:
“Tôi đã từng coi thi, ra đề thi thì tôi thấy việc lộ đề thi là rất khó. Người ra đề sẽ nhận một cái thông báo riêng chỉ người đó biết thôi. Họ gửi cho cái quy định yêu cầu về đề. Khi tôi ra đề xong phải gặp người trưởng phòng khảo thí để đưa cho họ. Người này cũng không đọc mà bỏ vô cái phong bì có giáp lai chữ ký của tôi.
Đến cái ngày thi thì họ mới triệu tập một người khác. Người này đến cùng với rất nhiều người của những môn thi khác. Họ bốc thăm ngẫu nhiên rồi giao cho người phụ trách đề đó. Ví dụ tôi ra đề môn gì thì họ đưa đề thi môn đó cho tôi. Tôi coi lại từ đề tới đáp án coi có cần sửa chữa gì không.
Từ khi tôi bước vào phòng đó thì toàn bộ điện thoại bị thu giữ và có người canh ngay cửa không ra được. Người đó là công an. Đến ngày thi khi các em thi xong gần hết giờ thì tụi tôi mới được ra về. Nói qua như vậy để thấy rất khó lộ đề.”
Tiến sĩ Hoàng Dũng nói thêm, về mặt kỹ thuật là vậy nhưng trên thực tế cũng có cả triệu cách để lộ đề. Theo ông, câu chuyện lộ đề thi không phải là một chuyện quan trọng dù tác động của nó là lớn. Cách giáo dục, cách ra đề hiện nay mới là điều quan trọng mà nhiều chuyên gia giáo dục đã báo động từ lâu. Tuy vậy, đổi mới cách giáo dục là chuyện vượt tầm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nó là chuyện thể chế. Nó là chuyện quyết tâm chính trị của cơ quan cao nhất.