Buổi đối thoại diễn ra hôm 17/6/2022, do ông Lê Sỹ Bảy – Phó tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì để giải quyết khiếu kiện liên quan ranh quy hoạch 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An, và Bình Khánh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tại buổi đối thoại, người dân và ban tổ chức mâu thuẫn trong phương thức đối thoại, khi nhiều người bày tỏ sự bức xúc, phản biện lại ý kiến của đại diện bộ ban ngành, mong muốn được nêu hết ý kiến… thì nhiều người dân cho biết họ đã bị tắt micro… với lý dành thời gian để các cơ quan chức năng trả lời câu hỏi.
Tuy nhiên, các câu hỏi của người dân chỉ được đại diện cơ quan Trung ương trả lời là đã ghi nhận, tiếp thu và xin trả lời sau.
Ông Cao Thăng Ca, một dân oan Thủ Thiêm, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, hôm 21 tháng 6 năm 2022 liên quan việc này cho biết:
“Buổi đối thoại hôm đó chúng tôi vẫn khiếu nại 5 Khu phố, 3 Phường không nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng khi giải quyết khiếu nại thì ông Lê Sỹ Bảy lại nói cái đó nằm trong quy hoạch theo quyết định 367. Tức là mình khiếu nại cái này thì ổng giải quyết cái khác. Tại vì đương nhiên chúng tôi đã bị nằm trong quy hoạch 367 rồi, vì nó tới 930 hecta, nhưng cơ sở để thực hiện quy hoạch thì phải là đồ án phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/5000, mà chỉ mới phê diệt 770 thôi. Nhưng mấy ổng cứ cố ép mình vào đó để chiếm đoạt hết tài sản của dân, nên người dân không đồng tình.”
Tức là họ tiếp tục đánh lừa dư luận rằng những người dân khiếu nại này là thành phần ngoan cố, chây lì, không chịu hợp tác để giao đất cho nhà nước. Nhưng thực chất đâu phải họ lấy đất của dân làm dự án lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đâu?
-Cao Thăng Ca
Thứ hai theo ông Cao Thăng Ca, điều bị cho hiểm nhất của kết luận 1169 do ông Lê Sỹ Bảy làm tổ kiểm tra ra soát là yêu cầu người dân phải chấm dứt khiếu nại. Ông Ca nói tiếp:
“Cái đó là gian ác nhất, tại vì khu đô thị mới Thủ Thiêm này không có phương án đền bù, không có quyết định thu hồi đất, không có đất tái định cư… chúng tôi khiếu nại thì lại yêu cầu chấm dứt khiếu nại. Thanh tra chính phủ kiểu gì mà lại làm như vậy? Chúng tôi trong mấy năm vừa qua đều tố cáo ông Đặng Công Huẩn, ông Lê Sỹ Bảy – Phó tổng thanh tra chính phủ, ông Đinh Đăng Lập… nhưng kỳ này lại cho ông Lê Sỹ Bảy là người bị tố cáo vào để chủ trì buổi tiếp công dân, thì việc này tôi thấy họ hết sức là coi thường người dân.”
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào năm 1996 là ông Võ Văn Kiệt, đã ban hành quyết định 367, với các nội dung chính: Quy mô lập diện tích quy hoạch là 930 ha, trong đó khu đô thị mới 770 ha và quy mô tái định cư là 160 ha.
Vào ngày 27/11/2020 Phó tổng Thanh tranh Chính phủ – Đặng Công Huẩn đã đối thoại đầu tiên với 50 hộ dân ở 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An, và Bình Khánh, nhưng cũng không giải quyết được gì cho người dân Thủ Thiêm.
Sau đó, Thanh tranh Chính phủ vào năm 2021 đã công bố kết luận 1169 khẳng định thửa đất của các hộ dân 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An, và Bình Khánh còn khiếu nại nằm trong ranh quy hoạch, tức việc thu hồi đất đúng quy định.
Ông Huỳnh Thiên, một người dân mất đất ở Thủ Thiêm nói với RFA hôm 21/6:
“Nội dung họp hôm bữa là người dân chống lại quyết định 1169, nhưng chính quyền muốn kết luận cái đó xong rồi, nói chung ra là dân Thủ Thiêm coi như thua rồi. Nó có nghe mình đâu, đối thoại tới lui… nói thẳng ra là vấn đề là bản đồ mới mất, mà ông Quang lại nói là không có mất, tìm chưa ra ba bốn năm rồi. Tức là người ta không thèm quan tâm, dân Thủ Thiêm mình đấu tranh cho vui vậy thôi.”
Theo ông Thiên, lúc trước thì chính quyền còn để cho dân Thủ Thiêm đấu tranh, bây giờ mà đấu tranh là sẽ bị đàn áp. Ông nêu dẫn chứng:
“Từ ngày qua UBND Thành phố nó đàn áp đưa lên xe là thấy rồi đó. Không thành công được đâu, cái vụ mất bản đồ thì coi như là nó cố tình ăn cướp rồi. Anh em còn nước còn tát, đi đấu tranh ôn hòa đòi hỏi quyền lợi. Chứ thật ra tôi thấy không có hy vọng, hồi đó ai mà thưa kiện chống đối gì thì nó chụp mũ chống lại nó… họ sẽ ra quyết định xấu hơn nữa… tôi bị mười quyết định… nó nói chống chế độ, chống chính sách của nó… là nó ghét mình hơn nữa.”
Cũng tại buổi đối thoại hôm 17/6/2022, đại diện các hộ dân nhiều lần không đồng tình với nội dung kết luận 1169, cho rằng bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5000 theo Quyết định 367 đã mất nên không đủ cơ sở để xác định ranh quy hoạch. Còn các bản đồ hiện được Thanh tra Chính phủ dùng làm căn cứ kết luận là không phù hợp quy định, vì chứng cứ phải là bản gốc.
Vì sao các cấp chính quyền dù kiên quyết bảo vệ nội dung kết luận 1169 của Thanh tranh Chính phủ… nhưng vẫn nhiều lần tổ chức đối thoại với dân Thủ Thiêm?
Trao đổi với RFA vào tối 21/6, Mục sư Nguyễn Hồng Quang, một trong những người dân khiếu kiện mất đất ở Thủ Thiêm hàng chục năm qua, nói:
“Cái đó thực chất không phải đối thoại… nói thiệt gì hết… cái đó chỉ là tiếp xúc để diễn kịch… ‘gọt chân cho vừa giày’… chứ họ không có chịu nhìn nhận họ sai. Pháp luật nó rành rành… chứng cứ của người dân rành rành… quan điểm pháp luật của người dân rất hoàn chỉnh, thuyết phục… còn chính quyền thì họ không có thích…”
Còn ông Cao Thăng Ca thì cho rằng chính quyền tổ chức đối thoại là để đánh lừa dư luận:
“Tức là họ tiếp tục đánh lừa dư luận rằng những người dân khiếu nại này là thành phần ngoan cố, chây lì, không chịu hợp tác để giao đất cho nhà nước. Nhưng thực chất đâu phải họ lấy đất của dân làm dự án lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đâu? Họ lấy đất của chúng tôi để chia cho các dự án phân lô bán nền, để kinh doanh trên đất đai của chúng tôi. Họ trả cho chúng tôi khoảng 18-19 triệu, nhưng họ bán tới cả tỷ mỗi mét vuông, thì lợi ích ở chỗ nào? Đó hoàn toàn là lợi ích nhóm thôi, phải làm sao chứ để như thế này thì người dân không còn tin tưởng gì vào thanh tra chính phủ.”
Cái đó thực chất không phải đối thoại… nói thiệt gì hết… cái đó chỉ là tiếp xúc để diễn kịch… ‘gọt chân cho vừa giày’… chứ họ không có chịu nhìn nhận họ sai.
-Mục sư Nguyễn Hồng Quang
Khu Đô Thị Thủ Thiêm chỉ cách trung tâm Sài Gòn chỉ một con sông, nơi mỗi mét vuông đất có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí vài tỷ đồng. Tuy nhiên theo báo chí trong nước, mức đền bù chỉ hơn 18 triệu đồng mỗi mét vuông vào năm 2009, được cho là không hợp lý, vì chủ đầu tư có đất đã bán lại với giá 350 triệu đồng khi đó.
Chính quyền TP.HCM đã nhiều lần đối thoại với người dân Thủ Thiêm, tuy nhiên đến nay, người dân Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Ông Cao Thăng Ca cho rằng, muốn đối thoại thành công thì phải có một cơ quan thứ ba làm trọng tài:
“Muốn đối thoại triệt để thì ít nhất phải có một người đứng ra làm quan tòa. Người dân đang thiếu lại thanh tra chính phủ, mà lại khiếu nại với người bị khiếu nại… thì làm sao mà khách quan vô tư? Phải có một cơ quan trọng tài đứng ra phân xử, ai đúng ai sai, sai chỗ nào đúng chỗ nào… thì mới có thể đi đến kết quả được. Còn đây người ta làm sai mà người ta cứ ép chúng ta phải theo cái sai của họ, thì không ai có thể chấp nhận được. Người ta chỉ muốn lừa cấp trên và lừa dư luận thôi, còn người dân thì người ta hiểu quá rõ rồi. Như ông Lê Sỹ Bảy, ổng đổ thừa các bộ ngành sau khi đã họp ba bốn lần đều đã thống nhất những kết luận của thanh tra chính phủ. Nhưng khi tiếp dân, người ta chất vấn các bộ ngành, thì họ nói hôm nay chúng tôi mới tiếp cận hồ sơ lần đầu… chúng tôi phải về nhà xem xét lại, mới trả lời được.”
Theo ông Cao Thăng Ca, toàn bộ việc đối thoại với người dân Thủ Thiêm mất đất rõ ràng là hành vi lừa đảo.
Chính quyền TPHCM bắt đầu tiến hành giải toả khoảng 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu ở Thủ Thiêm từ khoảng năm 2012 để tiến hành xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm rộng 730 ha bên sông Sài Gòn. Nhưng sau hơn 20 năm thực hiện, dự án vẫn gặp khó khăn tại một số nơi khi hàng trăm hộ dân Thủ Thiêm nhiều năm qua đã đi khiếu kiện lên tận trung ương, yêu cầu giá đền bù hợp lý, phản đối việc giải tỏa sai quy định của giới chức thành phố.