Bộ phim về Trịnh Công Sơn được xem là phim tiểu sử, có nhiều chi tiết được liệt kê, nhiều nhân vật được nhắc đến, nhưng có vài cái tên quan trọng bị tránh không nhắc đến.
Trong cuộc đời của ông Trịnh Công Sơn, nhân vật Lưu Kim Cương (1933-1968) là điểm phản bác lại những quan điểm mà nhiều người hay gọi ông là Việt Cộng nằm vùng, mà từ đó để nhận ra rằng bản chất nghệ sĩ của Trịnh Công Sơn là một người la cà bè bạn, sống tùy cảm xúc và cuối cùng chỉ loay hoay chọn cách tồn tại an toàn ở quê nhà.
Phim nhấn mạnh về nhân vật Ngô Kha, bạn của Trịnh Công Sơn. Cũng phải thôi, vì Ngô Kha được coi là người của phía cách mạng. Mặc dù chuyện phong liệt sĩ cho Ngô Kha cũng đã từng vật vã tranh cãi ở Huế, cho đến năm 1981, vượt qua các lời phản bác, ông Ngô Kha mới được phong tặng liệt sĩ. Có thể thấy cách chú trọng dựng một không khí riêng “Ngô Kha” trong phim, là một phần để làm đẹp lòng những người kiểm duyệt.
Phim cũng “cộng nghiệp” hai nhân vật Đinh Cường và Trịnh Cung thành một người và tạo ra một tính cách chung chung cũng là một cách lướt qua, có thể là để không nói về Trịnh Cung (1938). Nhân vật này, nếu nói về, cũng không tiện trong một nền điện ảnh còn thiếu thốn tự do và khả năng cảm nhận về điện ảnh chân chính của những người có quyền.
Ông Trịnh Cung nhập ngũ năm 1964 như mọi thanh niên miền Nam lúc đó theo lệnh tổng động viên, theo học khóa 19 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, sau đó với tài năng hội họa ông được giữ lại làm huấn luyện viên môn Chiến tranh Chính trị VNCH. Sau Tháng Tư 1975, ông gác bút lông và giá vẽ trong chục năm vì cuộc sống thay đổi với ba năm đi tù “cải tạo”, hai năm buộc đi kinh tế mới và hai năm trở về Sài Gòn bán bánh mì ở vỉa hè. Hơn nữa, đầu những năm 2000, khi cả nước sục sôi chống Trung Quốc, ông cũng xuống đường và bị công an gọi làm việc nhiều lần.
Ông Trịnh Cung kể, vào lúc quá mệt mỏi với những thư mời thẩm vấn, ông đã báo với người công an là ông từ nay sẽ không đi nữa, vì lòng tự trọng của mình, và ông chỉ sẽ chờ bắt thôi. Từ đó, lúc nào ở cái bàn gần cửa nhà, ông luôn để sẵn một cái túi nhỏ với một bộ đồ, cái lon Guigoz chờ khi có công an đến là xúc cơm bỏ vào đó với chút muối mè và lên đường. Nhưng không hiểu sao, từ sau tuyên bố đó, không ai quấy rầy ông nữa.
Dĩ nhiên, với một người bạn rất thân nhưng khác màu như vậy, thì làm sao có thể để vào, khiến bộ phim có thể toàn vẹn mô tả về một Trịnh Công Sơn tranh-đấu-như-một-người-cộng-sản?
Còn với đại tá Lưu Kim Cương, lại càng không, vì cuộc đời của ông sống, chiến đấu và phục vụ cho một chế độ khác. Hơn nữa hình mẫu của đại tá Lưu Kim Cương là một nhân vật điển hình của một trí thức sĩ quan của chế độ cũ: quả quyết với lý tưởng phục vụ nhưng nhãn quan đầy dân chủ trong đời sống.
Đại tá Lưu Kim Cương vì mến tài mà quen với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hai người thường xuyên sinh hoạt văn nghệ với nhau ở quán Mây Bốn Phương, nằm trong Câu Lạc Bộ Không Quân. Vì thân nhau nên một tuần có lúc ông Sơn đến chơi với đại tá Cương hai, ba lần. Tình bạn của hai người gắn bó hơn khi có lúc ông Nguyễn Cao Kỳ gặp Trịnh Công Sơn tại câu lạc bộ, và chỉ trích thẳng mặt ông Sơn về các bài hát phản chiến, nhưng đại tá Lưu Kim Cương chính là người bênh vực. Chuyện kể rằng khi Trịnh Công Sơn đang giãi bày quan điểm của mình, thì đại tá Cương đã xen vào cắt ngang, nói rằng “tôi nghĩ đó là những điều hay nhất của một quốc gia tự do”.
Mậu Thân 1968, khi Trịnh Công Sơn núp ở trong nhà, hé màn quan sát đường phố – là tiền đề cho ca khúc mang tính lịch sử Bài Ca Dành Cho Những Xác Người – và mất liên lạc với mọi người ở Sài Gòn. Sau khi chiến sự tạm lắng xuống, đại tá Lưu Kim Cương đã sốt ruột biệt phái phi công Nguyễn Quí Chấn bay ngay ra Huế để đón Trịnh Công Sơn vào Sài Gòn lánh nạn.
Tháng 5 năm 1968, khi đang là đại tá Tư lệnh Không đoàn 33 Chiến thuật kiêm Chỉ huy trưởng Yếu khu Quân sự Tân Sơn Nhứt, ông bị tử trận trong trận Mậu Thân đợt 2, được truy thăng cấp bậc chuẩn tướng. Đại tá Lưu Kim Cương là người bạn duy nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà là người khiến ông xúc động đến mức viết ra ca khúc dành riêng, mang tên Cho Một Người Nằm Xuống.
Dù được viết bài hát riêng, nhưng ông Cương không được nằm trong nhãn quan mô tả lại tiểu sử, cũng là điều dễ hiểu ở Việt Nam hôm nay. Nên có thể nói ở Việt Nam hôm nay, người ta đang tạo ra thể loại tiểu sử giả tưởng. Vì giả tưởng, nên các nhân vật cần thiết lại xóa đi, và những ai được phục dựng trong phim như ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ Thanh Thúy… đều phản đối phần của mình bị lãng mạn hóa, teen hóa hoặc hoàn toàn khác biệt đời thật của mình.
Đã có không ít những lời tranh cãi, cho rằng “làm phim có quyền”. Thậm chí là sếp lớn của hãng đầu tư phim cũng nói kiểu như quần chúng còn dốt nát nên không nhận ra cái “quyền sáng tạo” của điện ảnh. Dĩ nhiên, làm phim có quyền bay bổng với trí tưởng tượng của nhà biên kịch, đạo diễn, nhưng trước hết nền tảng của sự bay bổng đó phải là tinh thần tự do, trong một nền điện ảnh tự do không nhằm phục vụ cho bất cứ ai. Khi không đủ sức mạnh của bản thân nhưng lại thích nói lớn tiếng, giống như một người tự do, thì anh chỉ có thể tự huyễn hoặc mình, và có tội khi cố căng sửa lịch sử để làm tròn phận mình và đời của cả người khác, chỉ để mua vui ngày kiểm duyệt.
Hãy tưởng tượng, một ngày nào đó, khi các nhà làm phim trẻ và ngôn ngữ bay bổng vũ trụ ấy, lại làm phim tiểu sử về anh Bảy Lốp hay người anh hùng không quân Phạm Tuân tắt máy, nằm trên mây để chờ B52 đến chẳng hạn. Nghĩ mà toát mồ hôi.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.