Mực nước trên sông Mekong vào mùa khô năm 2022 được nhận định dâng cao bất thường. Đây tưởng chừng là điều đáng mừng khi lượng nước sông Mekong bị báo cáo thấp kỷ lục trong ba năm liên tiếp vừa qua. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá hiện tượng nước cao đột ngột như năm nay lại tiềm ẩn những rủi ro cho hệ sinh thái và cả đời sống kinh tế của người dân sinh sống dọc con sông này.
Một buổi hội thảo online với có tên “Where’s the Water: Mekong Wet Season 2022” (tạm dịch: Mùa mưa ở Mekong 2022: Nước đang ở đâu?), do Trung tâm Stimson (có trụ sở tại Washington DC, Hoa Kỳ) tổ chức vào tối ngày 27/6 (giờ Việt Nam). Tại đây, các chuyên gia nghiên cứu về dòng Mekong thảo luận về hiện tượng lượng mưa cao bất thường trong những tháng mùa khô đầu năm 2022, và những cú sốc nghiêm trọng do xả đập ở thượng nguồn.
Nước Mekong cao bất thường do Trung Quốc xả lũ
Ông Alan Basist, giám đốc tổ chức Eyes On Earth, cho biết hình ảnh từ vệ tinh cho thấy lượng mưa vào thời điểm mùa khô, từ tháng hai đến cuối tháng năm năm nay, ở lưu vực sông Mekong đã tăng rất cao so với những năm trước. Hiện tượng này xuất hiện không chỉ do lượng mưa tự nhiên vào mùa khô năm nay cao hơn các năm trước, mà còn vì các con đập ở thượng nguồn, cũng như nhiệt độ tăng cao làm băng tan ở Bắc Cực:
“Trung Quốc giữ lại nước trong mùa mưa và xả nước trong mùa khô để làm thủy điện.
Vào tháng tư thì nhiệt độ cao hơn mức trung bình, nhiệt độ tăng sẽ dẫn đến việc băng tan chảy ở Bắc Cực. Việc băng tan chảy diễn ra sớm hơn so với mọi năm và nó làm cho mực nước ở các dòng sông tăng lên, chảy xuống khu vực Trung Quốc, rồi đi về vùng tam giác vàng Myanmar Lào và Thái Lan.
Điều đó gây ra một số tác động đến môi trường, biến đổi sinh thái và xu hướng về thời tiết.”
Dự án theo dõi hoạt động của các đập thuỷ điện trên sông Mekong (MDM) cho biết từ ngày 25/4 đến 1/5, hai đập lớn nhất của Trung Quốc là Noạ Trát Độ và Tiểu Loan đã xả tổng lượng nước ước tính khoảng 3,7 tỷ mét khối. Lượng nước này được so sánh tương đương với gần 10% tổng lượng nước được giữ lại ở 45 con đập lớn nhất và khiến lượng nước ở hạ nguồn lên cao.
Trong tháng năm, dòng Mekong nhân thêm khoảng sáu tỷ mét khối nước từ các đập thủy điện, phần lớn là của Trung Quốc. Tổng lưu lượng nước trên sông Mekong trong tháng năm là 22,8 tỉ mét khối, so với lưu lượng mức trung bình chỉ có chín tỉ mét khối.
Thiệt hại kinh tế, sinh thái
Ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc trung tâm Stimson đánh giá lượng nước tăng cao có ảnh hưởng xấu đến môi sinh của các loài động thực vật sinh sống nhờ vào dòng Mekong. Số lượng các loại tôm cá, thực vật sống ở đây vì thế cũng bị giảm đi nhiều. Nếu nước về nhiều trong mùa mưa thì sẽ ít gây thiệt hại hơn là vào mùa khô, vì đó là một sự thay đổi rất lớn và đột ngột.
Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về biến đổi khí hậu chỉ ra những hậu quả nghiêm trọng mà khu vực hạ nguồn Mekong như ở Đồng bằng sông Cửu Long phải hứng chịu khi lượng nước tăng đột ngột như vừa qua:
“Việc xả nước bất thường như thế này nó làm xáo trộn kế hoạch canh tác của người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, và đồng thời nó cũng gây ra một số bất lợi về hệ sinh thái.
Bởi vì mùa khô từ nhiều năm trước đã tạo ra hệ sinh thái của mùa khô rồi. Bây giờ mực nước cao lên đột ngột như thế này thì nó sẽ làm thay đổi những tập quán sinh hoạt, chu kỳ sống của các sinh vật cũng bị đảo lộn.”
Về thiệt hại kinh tế, ông Tuấn lấy ví dụ vào mùa khô, khi mực nước xuống thấp, nông dân sống dọc hai bờ sông Mekong biên giới giữa Lào và Thái Lan sẽ canh tác các loại hoa màu ở ven sông. Khi nào mực nước lên đột ngột như vậy khi hoa màu sẽ bị ngập lụt chết đi.
Hoặc là khi mùa khô về, nước mặn vào, người dân vùng ven biển sử dụng nước mặn để nuôi tôm. Bây giờ nước ngọt tăng lên một cách đột ngột làm thay đổi độ mặn canh tác, như vậy thì nó sẽ gây ra thiệt hại về kinh tế.
Về tác hại đối với hệ sinh thái, ông Tuấn nêu dẫn chứng rằng khi mực nước trên sông Mekong xuống thấp thì mực nước ở Biển Hồ cũng xuống thấp, khi đó, một số loại cây sẽ mọc lên. Đến mùa lũ, những cây này bị ngập sẽ chết và làm thức ăn cho một số loài cá. Nhưng bây giờ, nước về nhiều thì loại cây này không mọc được, ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn trong tự nhiên.
Hoặc là nước dâng cao vào mùa khô sẽ tạo ra báo động giả đối với sinh vật. Ví dụ như khi nước lớn, một số loài cá ở trong đồng sẽ bơi ra ngoài sông đẻ trứng. Bây giờ những loài này thấy dấu hiệu có nước thì nó đi, nhưng mà thời điểm đó thì trứng ở trong các loại cá là chưa có. Như vậy thì nó sẽ ảnh hưởng đến số lượng loài.
Theo tiến sỹ Lê Anh Tuấn, hiện tại chưa có thống kê, định lượng cụ thể thiệt hại như thế nào, bởi vì nó xảy ra một cách đột ngột trên một diện rất rộng. Bây giờ cần phải có theo dõi, đánh giá cụ thể, chi tiết thì mới có phương án đối phó lâu dài.
Giải pháp
Hiện nay, các thỏa thuận về việc thông báo các hoạt động vận hành của các con đập trên dòng chính của sông Mekong chỉ mới có một số cam kết như Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan. Trung Quốc không có tham gia vào cam kết này cho nên họ không bị ràng buộc quy định về thông báo vận hành, trong khi những đập thủy điện lớn, chiếm và giữ lượng nước nhiều nhất là nằm trên phần đất của Trung Quốc, theo tiến sỹ Tuần cho hay.
Nói về các giải pháp đối phó với tình trạng nước dâng cao bất thường trên sông Mekong vào mùa khô, ông Brian Eyler cho rằng, trường hợp lý tưởng nhất là Trung Quốc nên đưa ra thông báo rõ ràng là khi nào họ sẽ xả lũ để khu vực hạ lưu chuẩn bị ứng phó kịp thời:
“Nhưng đó chỉ là tình huống lý tưởng thôi. Trong trường hợp họ không thông báo thì các quốc gia ở phía dưới hạ lưu cũng cần thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm, theo dõi tất cả động thái của các hồ chứa cũng như của các nhà vận hành để đưa ra cảnh báo sớm cho người dân, cũng như cho các chính phủ để có những ứng phó kịp thời.
Cũng có những giải pháp giúp chúng ta có thể khôi phục lại dòng chảy tự nhiên. Hiện nay ủy Hội sông Mekong cũng đã nghĩ đến một giải pháp công trình để giúp cân đối lại môi sinh, cũng như môi trường sinh thái.”