Ukraine có thể ảnh hưởng tới tương lai Việt Nam như thế nào?

Ukraine đã có thể ảnh hưởng đến Việt Nam về mặt quân sự từ lâu mà Việt Nam có vẻ chưa nhận ra. Khi chính thức gia đình Liên hiệp Châu Âu, Ukraine sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam thêm cả hai mặt nữa là kinh tế và đối ngoại.

Ukraine cung cấp động cơ cho các chiến hạm Việt Nam mua của Nga

Việt Nam mua chiến hạm của Nga. Nhưng Nga không thể tự sản xuất động cơ cho các chiến hạm này mà đặt hàng Ukraine. Năm 2013, một tờ báo Việt Nam đưa tin: “Ukraine hoàn thành cấp động cơ cho 4 tàu Molniya đóng tại VN”.

“Hai tàu hộ tống lớp Gepard 3.9 Nga đóng cho Hải quân Việt Nam đã có động cơ turbin khí do Ukraine giao, nhưng việc giao hàng chậm do căng thẳng với Nga khiến tiến độ bàn giao cặp tàu này bị trễ từ 8 – 9 tháng so với kế hoạch.”[1]

Ngoài ra, Ukraine còn cung cấp động cơ cho 4 tàu chiến lớp Molniya của Nga nhưng đóng tại Việt Nam.[2]

Hiện nay những con tàu này còn mới. Nhưng trong tương lai không xa, Việt Nam cũng lệ thuộc cả vào Ukraine để duy trì đội chiến hạm.

Sau một thời gian sử dụng, động cơ tàu chiến sẽ cần được bảo dưỡng và thay linh kiện thường xuyên. Việt Nam chắc hẳn có thể đảm nhận những công đoạn bảo dưỡng đơn giản, nhưng khi các động cơ này đến giai đoạn cần thay linh kiện, phụ tùng và cần bảo dưỡng ở những công đoạn phải nắm kỹ thuật động cơ, Việt Nam sẽ phải hỏi thăm ông chủ sản xuất ra chúng là Ukraine.

Trung Quốc đã kiên trì cử kỹ sư sang học, và mời kỹ sư Ukraine sang chuyển giao công nghệ động cơ máy bay chiến đấu, tàu chiến, tàu ngầm. Sau hàng chục năm đầu tư học hỏi từ Ukraine, Trung Quốc đã có thể tự sản xuất được các loại động cơ này nhưng chất lượng thấp. Họ vẫn phải đặt hàng các nước tiên tiến cung cấp động cơ cho vũ khí họ tự sản xuất.

Nếu không được Ukraine cung cấp linh kiện động cơ trong tương lai, Việt Nam chỉ còn cách xin… Trung Quốc cung cấp. Biết đâu Trung Quốc lại có thể cho Việt Nam nguyên cả động cơ mới mà không cần lấy tiền, để giúp Việt Nam duy trì đội chiến hạm mà bảo vệ biển đảo. 

Khi Ukraine có quyền phủ quyết/phê chuẩn các quyết định của Liên minh Châu Âu

Ngày 23/6/2022, Liên minh Châu Âu (EU) đã cung cấp tư cách ứng viên cho Ukraine (và Moldova, một nước may mắn được hưởng lợi từ cuộc đấu tranh của Ukraine).

Khi Ukraine trở thành thành viên chính thức của EU, nước này có quyền phủ quyết các quyết định của Khối EU. Bây giờ hãy nhìn lại lợi ích Việt Nam đang hưởng từ khối EU để thấy lá phiếu phê chuẩn / phủ quyết của Ukraine trong Eu quan trọng như thế nào đến nguồn sống của Việt Nam.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Năm 2021 thương mại hai chiều Việt Nam – EU đạt 63,6 tỷ USD, tăng trưởng 14,8%, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU tới 45,8 tỷ USD, gấp 3 lần lượng EU xuất khẩu sang Việt Nam (17,9 tỷ USD).[3]

Còn 5 năm đầu năm 2022, Việt Nam lập kỷ lục xuất khẩu sang EU đạt thặng dư thương mại 13,4 tỷ USD, tăng 47%.[4]

Nhìn lại những gì Việt Nam làm cho Ukraine

Ngày 3/3/2022, Việt Nam bỏ phiếu trắng lại Đại hội đồng Liên Hiệp quốc lên án cuộc xâm lăng của Nga. Ngày 23/3/2022, Việt Nam bỏ phiếu trắng khi Liên Hiệp quốc lên án Nga gây ra thảm họa nhân đạo trong cuộc chiến xâm lược Ukraine. Ngày 7/4/2022, Việt Nam bỏ phiếu chống khi Liên Hiệp quốc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền.

Cuối tháng 4-2022, lần đầu tiên, Việt Nam và Nga đưa ra thông tin hai nước sẽ tập trận chung.[5] Ngay sau thông tin về cuộc tập trận chung do Bộ Ngoại giao công bố, Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng công bố thông tin về việc tham dự Army Games do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức.[6]

Sau đó không thấy thông tin về cuộc tập trận và cuộc chơi “game” này. Nhìn vào tình hình chiến sự, trước sự thảm bại nhục nhã của Quân Đội Nga, khi mà Nga phải đem cả xe tăng phế thải từ chiến tranh Việt Nam ra đánh trận, không ai có thể tin Nga còn xe tăng mà đem ra tập trận và chơi “game” với Việt Nam.

Thực ra việc Việt Nam có thực sự tập trận và chơi game với Nga hay không thì không quan trọng lắm. Cái quan trọng là thời điểm Việt Nam tung ra hai bản thông báo trên. Những bản thông báo này được thế giới nhìn như những biểu tượng và truyền thông điệp về việc chọn phe, khi thế giới phân cực về mặt thái độ trước hành động xâm lăng tàn bạo và man rợ của Nga đối với Ukraine.

Đầu tháng 5, khi tiếp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Việt Nam tuyên bố ủng hộ 500 ngàn USD cho Ukraine, nhưng nói rõ đây là “viện trợ nhân đạo”, trong đó chỉ có 200 ngàn USD viện trợ cho Hội Chữ thập đỏ Ukraine, số tiền còn lại gửi cho các cơ quan Liên Hiệp quốc.[7]

Như vậy dù có tác động của Nhật Bản, vào đầu tháng 5-2022, Chính phủ Việt Nam vẫn tìm cách tránh tiếp xúc trực tiếp với Chính phủ Ukraine.

Rõ ràng Việt Nam có thể không cần xem lại chính sách với Nga, nhưng đã đến lúc xem lại chính sách của mình đối với Ukraine, khi đứng trước thực tế là Ukraine có thể trở thành một phần của Liên minh Châu Âu, có quyền phủ quyết/ phê chuẩn các quyết định của Châu Âu đối với Việt Nam, cũng như nắm trong tay kỹ thuật bảo dưỡng và cung cấp linh kiện bảo dưỡng động cơ tàu chiến của Việt Nam.

___________________

Tham khảo:

[1] Hai tàu chiến Gepard Nga đóng cho VN đã có động cơ Ukraine, ngày 20/04/2016

https://viettimes.vn/hai-tau-chien-gepard-nga-dong-cho-vn-da-co-dong-co-ukraine-post25390.html 

[2] Ukraine hoàn thành cấp động cơ cho 4 tàu Molniya đóng tại VN, 05/11/2013

https://soha.vn/quan-su/ukraine-hoan-thanh-cap-dong-co-cho-4-tau-molniya-dong-tai-vn-20131105082939631.htm

[3] Thương mại hai chiều Việt Nam – EU đạt 63,6 tỷ USD trong năm 2021, 06/01/2022

https://thuonghieucongluan.com.vn/thuong-mai-hai-chieu-viet-nam-eu-dat-63-6-ty-usd-trong-nam-2021-a160676.html

[4] Xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng kỷ lục nhờ EVFTA, VOA Tiếng Việt, 2/6/2022

https://www.voatiengviet.com/a/6600452.html

[5] Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 6 năm 2022

https://www.mofa.gov.vn/tt_baochi/nr140808202328/ns220421161801

[6] Đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam dự Hội nghị trực tuyến chuẩn bị cho Army Games 2022 do Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tổ chức, 24/04/2022 https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-ngoai-quoc-phong/doan-bo-quoc-phong-viet-nam-du-hoi-nghi-truc-tuyen-chuan-bi-cho-army-games-2022-do-bo-quoc-phong-lien-bang-nga-to-chuc-692566

[7] Chi tiết gói viện trợ 500.000 USD Việt Nam dành cho Ukraine, 12/05/2022

 https://tienphong.vn/chi-tiet-goi-vien-tro-500-000-usd-viet-nam-danh-cho-ukraine-post1437828.tpo

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Related posts